itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Trẻ nghèo thua thiệt

Trẻ nghèo thua thiệt

TPHCM hiện có khoảng 1.500 trẻ em lang thang kiếm sống bằng cách bán vé số dạo, biểu diễn đường phố…; 342 em lao động nặng nhọc tại các cơ sở tư nhân, kinh doanh nhỏ lẻ.

“Hiện nay, TPHCM có 1,7 triệu trẻ em, trong đó có 300.000 trẻ nhập cư, cuộc sống không ổn định, phải bỏ học và bị bóc lột sức lao động, bạo hành, xâm hại tình dục… Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, đang rất cấp thiết” - bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND phối hợp với Đài Truyền hình TP tổ chức sáng 5-8.

Làm việc cật lực, tiền công rẻ mạt

Theo bà Nhung, trong 6 tháng đầu năm 2012, Sở LĐ-TB-XH TP đã kiểm tra 110 cơ sở có sử dụng lao động trẻ em và phát hiện, xử phạt 30 cơ sở sai phạm. Hầu hết các cơ sở trên đều kinh doanh nhỏ lẻ và thuộc lĩnh vực may mặc. Trẻ em làm việc tại đây bị bóc lột sức lao động, làm việc nhiều giờ trong môi trường chật hẹp với tiền công rẻ mạt. “Nhiều em phải làm việc 8-9 giờ/ngày, có nơi 10-12 giờ/ngày nhưng mức lương chỉ từ 10-15 triệu đồng/năm” - bà Nhung bức xúc.

Một thiệt thòi khác đối với trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố là nạn xâm hại tình dục và bạo hành. Những vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng gần đây được phanh phui trên mặt báo như trường hợp bé Hoàng Anh (ngụ quận Gò Vấp -TPHCM) bị cha dượng đánh dập gan, dập tinh hoàn không khỏi khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ. Bà Đinh Nguyễn Thiên Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP, cho biết số trẻ em bị xâm hại tình dục tăng từ 152 trường hợp năm 2007 lên hơn 200 trường hợp năm 2011. Tuy nhiên, số liệu trên chưa nói lên được thực trạng vì rất nhiều trẻ bị xâm hại ở mức độ nhẹ nên không được gia đình chú ý.

Thiếu sân chơi

Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, hiện nay, 24 quận - huyện của TP có 22 nhà thiếu nhi với các CLB, đội nhóm, mỗi năm thu hút khoảng 100.000 lượt trẻ tham gia. “Con số này còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế” - bà Thúy nhận định.

Cử tri Hoàng Quốc Lịch (quận 8-TPHCM) nêu thực trạng: “Quận 8 thiếu sân chơi cho trẻ nên các em thường tụ tập chơi đùa dưới kênh rạch rất nguy hiểm. Chỉ tính trong năm 2011, quận 8 đã có 6 trường hợp trẻ chết đuối. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sẽ đầu tư xây dựng sân chơi cho trẻ em nhiều hơn nữa”.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP, cho biết ngoài hệ thống nhà thiếu nhi quận - huyện, TPHCM đã xây dựng 10 khu vui chơi, giải trí cho các em tại các vùng ven, ngoại thành. Đến nay, đã có 9/10 khu được đưa vào sử dụng, đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của thiếu nhi.

Một trong những nguyên nhân đẩy trẻ em nghèo phải tự lập, kiếm tiền sớm là sự thiếu quan tâm của cha mẹ. “Nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về chăm lo thể chất lẫn tinh thần cho trẻ nên khi con mình bị bạo hành hoặc xâm hại, cha mẹ không hề biết. Chúng tôi đã triển khai chương trình “5 triệu bà mẹ nuôi con tốt” nhằm cung cấp kiến thức cho các bà mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con cái” - bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP, nói.

Không để trẻ bị bạo hành, xâm hại

Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP, cho rằng việc chăm lo, không để trẻ em bị bạo hành, xâm hại phải luôn được các cơ quan, đoàn thể đặt lên hàng đầu. “Để làm được điều đó, Sở LĐ-TB-XH TP phải phối hợp với các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ tình trạng lạm dụng trẻ em tại địa phương, đồng thời tổ chức thêm nhiều sân chơi lành mạnh nhằm góp phần đẩy lùi tệ nạn” - bà Ánh nhấn mạnh.

Thanh Nga/ NLĐ