itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Trí thức cần được lắng nghe và tôn trọng

Trí thức cần được lắng nghe và tôn trọng

Đánh giá đúng cống hiến là cách

tạo động lực cho đội ngũ trí thức

phấn đấu. (ảnh: VNN)

Đó là vấn đề được quan tâm tại hội nghị lấy ý kiến góp ý cho đề án trình Hội nghị Trung ương 7 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế", do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, ngày 19/3.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, TP hiện có khoảng 350.000 trí thức, nhưng công tác tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức chưa ngang tầm với tiềm năng của lực lượng này.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức về vai trò của trí thức. Người trí thức ngày nay phải sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ có giá trị thực sự, đem lại lợi ích cho xã hội, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để đội ngũ trí thức đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TP.HCM cũng như đất nước, trước hết phải tin tưởng vào họ. Khi đó, họ sẽ cống hiến tài năng một cách thực sự, GS Trần Đình Bút khẳng định.

GS.TS Mạc Đường cho rằng, dù đã có nhiều chính sách thu hút đội ngũ trí thức phục vụ đất nước, nhưng vẫn chưa có nghị quyết nào khẳng định vai trò của họ.

Chia sẻ với ý kiến này, TS Mai Văn Bảy, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài TP.HCM, khẳng định, giải pháp chính để phát huy đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế là phải thực sự dân chủ, tôn trọng, lắng nghe, đánh giá đúng những cống hiến của họ. Ngoài ra, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cả về vật chất lẫn tinh thần, đãi ngộ trí thức một cách tương xứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học - Công nghệ tự động TP, người trí thức nhất thiết phải gắn bó với một tổ chức, hội đoàn nghề nghiệp, phải được các đồng nghiệp công nhận, từ đó mới phát huy được tác dụng của mình.

P.Cường / Vietnamnet