Tám công trình nhận “cú đúp” giải nhất nghiên cứu khoa học
Tám công trình của 11 sinh viên đã nhận một lúc hai giải nhất trong buổi lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” lần thứ 18 và Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC lần thứ 15 tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Năm 2007 là năm thứ 18 Bộ GD-ĐT phối hợp với Trungương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức xét tặng và trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, cũng là năm thứ 15 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT trao giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC”.
Có 593 công trình do 1.124 sinh viên thực hiện, gồm 14 giải nhất, 63 giải nhì, 98 giải ba và 419 giải khuyến khích đã được trao Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học" lần thứ 18.
Trong số 249 công trình thuộc tám nhóm ngành tham dự giải thưởng VIFOTEC, Quỹ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam –VIFOTEC cũng quyết định khen thưởng 87 công trình, trong đó có tám giải nhất, 32 giải nhì, 47 giải ba. Đặc biệt, trong tám công trình đoạt giải nhất, Ban tổ chức đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Giải thưởng WIPO cho công trình xuất sắc nhất, đó là công trình “Nghiên cứu hiệu quả tổng hợp hệ thống bơm nhiệt sấy lạnh” do SV Trần Minh Cường, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.
Tại lễ trao giải, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Hà cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, nội dung nghiên cứu của các công trình dự thi rất phong phú, đề cập nhiều lĩnh vực mới và có khả năng triển khai ứng dụng. Đặc biệt, một số công trình thể hiện sự liên kết nhiều khoa học chuyên ngành, phục vụ phát triển giáo dục và đào tạo, kinh tế - xã hội, an ninh và quốc phòng. Một số công trình đã mạnh dạn đề cập đến những vấn đề lớn mà xã hội đang quan tâm, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đã đi vào những kỹ thuật mới, mũi nhọn, hay những công nghệ có ý nghĩa thực tiễn cao.
Điểm nổi bật trong cơ cấu giải “Sinh viên nghiên cứu khoa học" năm 2007 là nhóm ngành khoa học tự nhiên đạt nhiều giải cao, trong đó có ba giải nhất: Đó là các công trình “Số mũ Lyapunop của hệ động lực ẩn chỉ số 1 và 2” do SV Trịnh Khánh Duy, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện, công trình “Một vài nghiên cứu về lớp ánh xạ phân hình với tổng defect cực đại” do SV Lê Thanh Tùng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện, công trình “Cấu hình VorTex và các chỉ số tới hạn của chuyển pha Vortex Liquid – VorTex Glass trong siêu dẫn loại II trật tự” do SV Đỗ Như Trang, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện. Theo nhận xét của Ban giám khảo, các công trình này là những bài toán thời sự, có ý nghĩa khoa học, kết quả đạt được có thể công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại lễ trao giải, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các trường ĐH cần phối hợp với các doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Trường ĐH nếu không nghiên cứu khoa học thì không thể tồn tại lâu dài với tư cách là trường ĐH.
Phó Thủ tướng cho biết, trong các công trình đoạt giải đợt này, có nhiều công trình nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học như: sinh học, hóa học, toán học, có cả những công trình nghiên cứu vấn đề phòng chống HIV, bảo vệ môi trường... Trong số này, có nhiều đề tài xứng đáng được tiếp tục nghiên cứu. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT chọn một số đề tài làm đề tài nghiên cứu cấp Bộ để các sinh viên và thầy giáo hướng dẫn cùng phối hợp thực hiện.
Bộ GD-ĐT cũng quyết định khen thưởng 18 giảng viên tham gia hướng dẫn 14 công trình đoạt giải nhất và 21 đơn vị đạt nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2007.
Nhân dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” cho 26 sinh viên thực hiện 14 công trình đoạt giải nhất và bằng khen cho 112 sinh viên thực hiện 63 công trình đoạt giải nhì.
Hồng Vân / Báo Nhân dân
Tin đã đăng
- Máy làm giàu ô-xy di động
- Nữ tiến sĩ đưa cây trinh nữ hoàng cung lên ngôi
- Lần đầu tiên Việt Nam tạo ra cá phát sáng
- Phát hiện một loài thằn lằn mới ở Việt Nam
- Khu du lịch lấn biển Cần Giờ: Các nhà khoa học lo ngại tác động môi trường
- Xác định 2 đứt gãy gây động đất tại TP.HCM
- Lâm Đồng: Nuôi thành công cá hồi trên núi Đạ Chais
- Tạo xà cừ ngọc trai bằng nuôi cấy tế bào
- Bí ẩn các 'làng ung thư' sắp được giải mã
- Một nhà khoa học VN được xướng tên tại lễ trao giải Nobel Hòa bình 2007