itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Anne Giao: “Tôi thích những gì thật công phu, thật khó!"

Anne Giao: “Tôi thích những gì thật công phu, thật khó!"

Anne Giao là một trong số ít những nhà thiết kế gốc châu Á đã tốt nghiệp loại ưu của trường thiết kế thời trang danh tiếng Chardon Savard giữa lòng Paris, một trong những thủ đô của nền thời trang thế giới.

Thương hiệu thời trang Ann’Gi Paris được nhà thiết kế Anne Giao thành lập tại Paris vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới. Hiện nay, thương hiệu Ann’Gi đã có hơn 40 đại lý phân phối tại Pháp và trên toàn thế giới. Trong năm ngoái, Ann’Gi chính thức có mặt tại TP.HCM.

Trước khi phỏng vấn nhà thiết kế thời trang Anne Giao, tôi hỏi chị có muốn tôi gửi câu hỏi bằng tiếng Anh không – vì theo thói quen giao tiếp, chúng tôi vẫn phải dùng ngôn ngữ quốc tế với những nhân vật là Việt kiều về nước. Chị Anne Giao nhẹ nhàng trả lời: Không sao đâu, em giỏi tiếng Việt mà! Ấn tượng đầu tiên về một nhà thiết kế nổi tiếng ở cả Việt Nam và Pháp là như thế.

Hàng ngày chị vẫn làm những công việc như những phụ nữ khác hay có gì khác biệt?

Bình thường như bao phụ nữ khác, sáng dậy chuẩn bị cho con đi học, chồng đi làm. Chồng và con đều có xe đón tận nhà nên không vất vả gì mấy. Khi mọi người đi hết, đó là thời gian riêng của tôi, thiết kế, đến xưởng làm việc hoặc ra tiệm… Chiều đến tôi tranh thủ để về sớm với gia đình. Với tôi, gia đình rất quan trọng, chúng tôi sẵn sàng bỏ bớt công việc để lo cho gia đình, tối nào cũng ăn cơm cùng nhau, đi dạo cùng nhau, con của tôi còn nhỏ nên rất cần sự quan tâm của cha mẹ.

Phong cách thời trang của bản thân chị là gì? Ví dụ chị sẽ chọn mặc gì khi ra đường, đi làm, go out buổi tối?

Đơn giản, phù hợp với từng hoàn cảnh, thời tiết… ví dụ, nếu bạn bắt gặp tôi ở xưởng có khi bạn thấy tôi mặc một cái quần rách, đầy sơn, nhưng nếu bạn mời tôi dự một party, tôi sẽ mặc một chiếc đầm ôm vừa người, không nhiều màu sắc.

Phong cách thiết kế chủ đạo của chị là gì?

“Độc đáo, phá cách, nhưng không shock” câu này thoạt nghe bạn thấy nó tầm thường, bởi vì nó được sử dụng quá nhiều trong quảng cáo, hay ở bất cứ đâu, nhưng ở nước ngoài đó là sự lựa chọn của bạn. Bạn có thể có một phong cách thiết kế lịch sự như Chanel, một phong cách cổ điển và lãng mạn như Christian Lacroix, một phong cách độc đáo, phá cách như Jean Paul Gautier… Tuy nhiên, với tôi những mẫu thiết kế không phải chỉ để chưng trong tủ kiếng, do đó, tôi rất chú trọng đến tính đời thường để người xem không cảm thấy xa lạ với sản phẩm của mình.

Thương hiệu Ann’Gi Paris thiên về áo cưới và đầm dạ hội, tại sao chị chọn hướng đi này?

Khi còn học ở trường thiết kế Chardon Savard, tôi rất quan tâm đến những mẫu thiết kế cao cấp (Haute Couture) tôi luôn tự đặt câu hỏi: tại sao họ làm được những mẫu áo cực kỳ tinh xảo, coupe áo chính xác đến như thế. Tôi từng biết có những hoa văn khoảng 10cm trên một áo mà họ làm đến hơn một tháng. Đó trở thành niềm đam mê của tôi, tôi thích những cái thật công phu, thật khó… Tuy nhiên, tôi biết tôi không thể đi hết con đường này được, vì nếu bạn muốn chọn con đường thiết kế Haute Couture, bạn phải có thật nhiều tiền, địa vị, mối quan hệ… Do đó, cuối cùng tôi chọn thiết kế áo cưới và đầm dạ hội, ở đó, tôi có thể thoả sức khám phá những cái khó, phức tạp trong thiết kế, nhưng lại bán được và gần gũi với đời thường hơn.

Phong cách này có phải thay đổi cho phù hợp với thị trường Việt Nam không?

Hiện nay thì chưa vì những người mặc đồ của Ann’Gi họ rất ưng ý, khách hàng của tôi phần lớn là các doanh nhân thành đạt, có một gu thẩm mỹ nhất định, nên tôi còn cần rất nhiều góp ý khác để chinh phục thị trường Việt Nam tốt hơn.

Phụ nữ Việt Nam ăn mặc đẹp hay là không, theo chị? Họ đẹp nhất lúc nào?

Phụ nữ Việt Nam rất muốn ăn mặc đẹp, bằng chứng ở bất cứ nơi đâu bạn cũng thấy họ cũng rất điệu đà, tuy nhiên, thị trường thời trang của Việt Nam mình chưa phát triển tốt. Ở nước ngoài, nếu bạn chỉ có 10 USD, bạn vẫn có thể tìm được một chiếc áo đầm ưng ý, với chất liệu vải tốt, đường may, cắt coupe đẹp. Ở Việt Nam, điều này rất khó, vì trình độ tay nghề cắt may chưa cao, kiến thức về chất liệu của các nhà thiết kế chưa tốt… nên đó là thiệt thòi cho phụ nữ Việt Nam nói chung, vì họ cũng rất chịu chi nhưng lại khó tìm được những sản phẩm tốt.

Có thương hiệu ở nước ngoài nhưng chưa chắc có thể gây dựng được tên tuổi ở thị trường như Việt Nam, theo chị điều này đúng hay sai? Tại sao?

Rất đúng, có thương hiệu ở nước ngoài cho thấy bạn phù hợp với phong cách và thị hiếu nước ngoài. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì với Việt Nam, nếu phong cách thiết kế bạn không phù hợp với người Việt. Do đó, để thành công tại Việt Nam, bạn phải rất quan tâm đến thị hiếu, gu thẩm mỹ của người Việt.

Điều gì đã khiến chị muốn trở về Việt Nam để tiếp tục làm việc? Chị đang định cư hay Việt Nam chỉ là một trong những thị trường chị muốn mở rộng?

Tôi chưa có ý định định cư tại Việt Nam. Hiện nay con tôi còn nhỏ, tôi muốn cho con học tiếng Việt để khi đến tuổi đi học, có về Pháp học tiếng Pháp cũng không muộn, và lúc đó bé sẽ không quên tiếng Việt. Trước kia, khi bé mới 17 tháng đã phải theo mẹ về Việt Nam đến bảy lần, bây giờ cả gia đình tôi đã ở Việt Nam, tôi cảm thấy thoải mái, rảnh rang để lo cho công việc nhiều lắm...

Trong làng thời trang trong nước, chị có yêu thích một nhà thiết kế nào không?

Tôi thấy Minh Khoa, Công Trí hay Đỗ Mạnh Cường... là những nhà thiết kế biết điều tiết giữa cái đời thực và cái sáng tạo trong các mẫu thiết kế của mình.

Kế hoạch mở rộng thương hiệu Ann’Gi ra sao trong khoảng thời gian tiếp theo?

Sắp tới tôi muốn gây dựng một thương hiệu đầm trẻ em cao cấp, nhưng giá cả chấp nhận được. Tôi biết thị trường thời trang trẻ em ở Việt Nam rất có tiềm năng, và chúng tôi sẽ làm với phương thức nhượng quyền thương hiệu.

Thuỳ Minh thực hiện/ SGTT