itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Chủ tịch HSBC

Chủ tịch HSBC: “Tôi từng du học chỉ với 16 USD”

Nguồn: VietnamNet

Từ năm 2005, tên tuổi của Vincent Cheng mới được đông đảo người dân Việt Nam biết đến khi ông đứng trên cương vị Chủ tịch của Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), ngân hàng lớn nhất châu Âu và lớn nhất thế giới về tài sản có.

Sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch HSBC đến Việt Nam, lần đầu tiên ông đặt chân đến thị trường mà ngân hàng mình đã có cả trăm năm lịch sử. Người Việt Nam bắt đầu biết đến ông với con đường “từ vỉa hè đến ghế Chủ tịch HSBC”. Từ “vỉa hè” này được ông Vincent Cheng giải thích: “Tôi sinh ra ở một gia đình nghèo ở khu phố Shamshuipo, Cửu Long (Hồng Kông). Tôi thường phụ bố bán trái cây ven đường. Nhà nhỏ nhưng có tới 8 gia đình với 20 người cùng chung sống. Nóng bức, chật chội, tôi thường phải ra đường ngủ”. Nằm đường, ngủ bụi là những bài học đầu tiên trong “kỹ năng” kiếm sống của nhân vật châu Á đầu tiên có vị trí lãnh đạo cao nhất của một ngân hàng châu Âu sau này. “Thời đó, Hồng Kông còn nghèo lắm. Cha mẹ tôi tin tưởng rằng giáo dục sẽ làm thay đổi cuộc sống con người, cuộc sống nghèo khó này. Và bản thân tôi cũng ý thức được điều đó. Tôi đã học và nỗ lực làm việc để được học”, ông Vincent Cheng kể. Đó là lần đầu tiên chàng trai Vincent Cheng xuất ngoại với mục đích trang bị cho mình những kiến thức “để thay đổi cuộc sống con người”, theo đúng khái niệm du học đang nở rộ ở Việt Nam hiện nay.

Đến New Zealand chỉ vẻn vẹn 16 USD trong túi, định hướng đầu tiên là phải làm việc để có tiền sống, tiền học. Cũng khá đơn giản, cứ gõ cửa và hỏi “các ông có việc gì cho tôi không?”. Và Vincent đã tìm một việc làm bán thời gian. Nhưng, vì một khiếm khuyết của thân thể (ông bị tật ở chân từ nhỏ) nên công việc Vincent tìm được là việc mà nhiều thanh niên hồi ấy không làm: rửa chén đĩa cho các nhà hàng. Mỗi tuần 5 ngày, mỗi ngày 6 tiếng, mỗi tiếng được 1,5 USD. Cứ thế Vincent vừa làm vừa học cho đến khi tìm được những công việc tốt hơn. Nhưng quan trọng nhất là ông có được nguồn tài chính đảm bảo cho mục đích học tập. Điều quan trọng nhất đó được ông Chủ tịch ngày nay truyền lại cho sinh viên Việt Nam, rằng: “Khi du học, tốt nhất các bạn hãy tìm một công việc bán thời gian để trang trải các chi phí. Các bạn có thể tìm các nguồn vốn để vay nhưng cần làm việc để trả lại số tiền đó”. Đầu tiên là phải tìm việc làm thêm, việc mà nhiều người khác không bao giờ làm…”.

Sau khi du học, tốt nghiệp, Vincent Cheng đầu quân cho Ngân hàng HSBC. Tất nhiên là phải trải qua một cuộc sát hạch khó khăn. Đó là vào năm 1978. 10 năm làm việc miệt mài sau đó đã đưa chàng rửa bát thuê ngày nào trở thành một nhân vật có tiếng trong cỗ máy HSBC. Và năm 1989, ông Cheng chuyển sang công tác tại Bộ phận chính sách Trung ương của chính quyền Hồng Kông, với vai trò cố vấn của Thống đốc Hồng Kông. Hai năm sau, Vincent Cheng tái nhập HSBC, nắm giữ vị trí Giám đốc cao cấp của bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược. Năm 1994, ông trở thành Giám đốc tài chính của ngân hàng khổng lồ này và chỉ một năm sau đó, tháng 5/1995, ông đã là Tổng giám đốc và nắm giữ vị trí Giám đốc điều hành.

Ngày 25/5/2005, lần đầu tiên trong lịch sử HSBC vị trí Chủ tịch được dành cho một người châu Á, không phải là người Anh: Vincent Cheng. Chàng thanh niên với 16 USD trong túi ngày nào đã là chủ tịch của một ngân hàng có mức lợi nhuận gấp 1 tỉ lần con số thủa hàn vi đó, trên 15 tỉ USD mỗi năm. Một sự thăng tiến nhanh chóng. Đó là tài năng và động lực từ thủa hàn vi. “Nhưng, đầu quân vào HSBC không phải là sự lựa chọn tốt nhất của đời tôi, mà là chọn được ý trung nhân của mình”, ông nói.

Người đàn ông 58 tuổi này rất hạnh phúc khi nói về gia đình của mình, về phu nhân và hai cô con gái. Ông ít có thời gian cho gia đình, vì vậy, thay vì đánh golf với bạn bè, ông lựa chọn ở nhà; tất nhiên là đưa việc về nhà. Và dễ thấy trong các chuyến công du của ông, chiếc vé thứ hai thường được đặt cho vợ - “như thế tôi được gần gũi hơn với người thân, với gia đình dù công việc luôn bận rộn”.

Trịnh Minh Đức