itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Hướng đi nào cho tập đoàn số 1 Việt Nam?

Hướng đi nào cho tập đoàn số 1 Việt Nam?

Ông Đinh La Thăng.

Ra đời cùng thời điểm, tiềm năng dầu khí và con người như nhau nhưng năm 2006, tập đoàn Petronas của Malaysia đạt doanh thu 52 tỷ USD trong khi của Petro Việt Nam chỉ là... 12 tỷ USD.

Trao đổi với VTC News, ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Petro Việt Nam, cho rằng, sở dỹ Petronas của Malaysia phát triển vượt trội là do sớm trở thành tập đoàn đa ngành.

"Doanh thu khổng lồ này của Petronas được đóng góp với 50% từ ngành dịch vụ. Họ phát triển rất mạnh sang các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản,… Tóm lại, họ đã được làm những gì hiệu quả", ông Đinh La Thăng chia sẻ.

- Petro Việt Nam đang có kế hoạch tăng cường mua mỏ dầu ở nước ngoài. Ông có thể tiết lộ đôi chút kế hoạch này.

- Petro Việt Nam đang triển khai việc tìm kiếm khai thác dầu khí tại 10 quốc gia trên thế giới. Có nơi, chúng tôi mua trực tiếp lại mỏ, có nơi chúng tôi mua công ty quản lý mỏ. Trên thực tế, Tập đoàn đã có những vụ mua bán hiệu quả, và sắp tới sẽ tiếp tục mua tiếp.

Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với một số khó khăn. Hành lang pháp lý của Việt Nam trong việc đầu tư ra nước ngoài nói chung, và ngành dầu khí nói riêng còn quá chặt chẽ. Nhiều trường hợp phải xin phép, chúng tôi không có quyền quyết định.

Lấy ví dụ, chúng tôi muốn một mỏ dầu trị giá 100 triệu USD, thì phải xin phép nhiều cấp. Khi xong được thủ tục, giá của mỏ đó đã cao lên, hoặc công ty nước ngoài khác đã mua xong rồi.

Thêm nữa, thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài rất khó, phải có dự án mới được phê duyệt. Mà lập dự án thì mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, cơ chế khó như vậy không có nghĩa là chúng tôi dừng lại. Cơ chế này cần phải tháo gỡ. Hiện nay, hành lang pháp lý liên quan đang được hoàn thiện, luật dầu khí đang được chỉnh sửa và bổ sung, luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cũng cần phải sửa.

- Thưa ông, rõ ràng là Petro Việt Nam có chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Điều này có thể được hiểu như thế nào, liệu đó là minh chứng cho sự phát triển của Tập đoàn hay vì trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam đang ngày càng cạn?

- Đây là chiến lược phát triển của Petro Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự phát triển của Tập đoàn. Kể cả khi trữ lượng dầu khí ở Việt Nam có nhiều đi chăng nữa, chúng tôi vẫn phải vươn ra nước ngoài.

- Nhưng trong bảng xếp hạng 200 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) gần đây, tổ chức này cho rằng Liên doanh dầu khí Việt Xô Petro – doanh nghiệp lớn thứ 5 trong bảng – “đang tàn dần” vì trữ lượng của mỏ Bạch Hổ và một vài mỏ khác đang dần cạn. Ông bình luận như thế nào?

- Theo hiệp định đã ký kết trước đây, đến hết năm 2010 xí nghiệp liên doanh đó sẽ chuyển đổi sang hình thức khác. Việc triển khai xí nghiệp này đang được tiếp tục bàn thảo giữa hai bên để đến sau năm 2010, xí nghiệp này sẽ có hình thức mới. Biên bản về việc này đã được Chủ tịch nước ta và Tổng thống Nga V. Putin ký.

Trên thực tế, sản lượng mỏ Bạch Hổ đang đi xuống, mỗi năm giảm khoảng 1 triệu tấn. Tuy nhiên chiến lược cho xí nghiệp này đã có: phải tìm kiếm được mỏ khác, triển khai sang nước Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Chúng tôi đang đặt vấn đề với đối tác trong Việt Xô Petro tạo điều kiện lấy mỏ khác bên Nga làm sao để xí nghiệp tiếp tục hoạt động sau năm 2010. Với tinh thần đó, tôi nghĩ không nên lo xí nghiệp này đi xuống.

Phải là một tập đoàn đa ngành

- Thưa ông, chiến lược phát triển của Petro Việt Nam là sẽ trở thành tập đoàn đa ngành, mà mục tiêu là đến năm 2015 cơ cấu doanh thu sẽ là 50% từ dầu khí và 50% là từ dịch vụ. Ông có nghĩ điều này sẽ làm cùn đi mũi nhọn của Petro Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí?

- Hiện tại đang có nhiều tranh cãi về việc tập đoàn nên đa ngành hay đơn ngành. Theo tôi, mô hình nào cũng cần căn cứ vào từng tập đoàn cụ thể. Đối với Petro Việt Nam, chúng tôi đã được Chính phủ phê duyệt là tập đoàn đa ngành, đa sở hữu và dựa trên kinh tế mũi nhọn là dầu khí.

Chúng tôi đã xác định mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, du lịch, dịch vụ dầu khí, bất động sản, xây dựng,… Mảng dịch vụ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu của Petro Việt Nam trong năm 2006 và dự kiến nâng lên 22% trong năm 2007. Đến năm 2015, cơ cấu này chắc chắn sẽ phải có tỷ lệ như anh nói. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò dầu khí vốn là mảng trọng điểm của tập đoàn. Liên quan đến mô hình phát triển tập đoàn đa ngành, tôi muốn so sánh tập đoàn Petronas của Malaysia. Tập đoàn này ra đời cùng thời điểm với Petro Việt Nam, cùng có điều kiện như nhau và con người được đào tạo bài bản như nhau. Tuy vậy, doanh thu hàng năm của Petronas lên đến 36 tỷ, 46 tỷ và 52 tỷ USD lần lượt trong 3 năm gần đây. Trong khi đó, doanh thu của Petro Việt Nam là 12 tỷ USD trong năm 2006. Doanh thu khổng lồ này của Petronas được đóng góp với 50% từ ngành dịch vụ. Họ phát triển rất mạnh sang các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản,… Tóm lại, họ đã được làm những gì hiệu quả.

- Nhân ông đề cập đến Petronas, xin hỏi ông, tập đoàn này đã vượt trội hẳn so với Petro Việt Nam, cho dù xuất phát điểm như nhau, cơ chế sở hữu như nhau. Là người đứng đầu Petro Việt Nam, ông cảm nhận điều này như thế nào, nhất là khi nhiều học giả Việt Nam gần đây đã lên tiếng chỉ trích?

- Thú thật là tôi cũng cảm thấy xấu hổ.

Hai tập đoàn có tiềm năng dầu khí như nhau, con người như nhau, nhưng tại sao họ lại phát triển như vậy? Rõ ràng là vấn đề cơ chế, cơ chế đã tạo ra sự phát triển của họ. Cơ chế gì ở đây [cho Petro Việt Nam]? Phải là cơ chế đặc thù và mang tính đột phá thì mới tăng tốc phát triển được.

- Ông có thể ví dụ?

- Ví dụ như cơ chế mua mỏ, hay cơ chế đầu tư ra nước ngoài như tôi đề cập ở trên. Hiện nay đang có nhiều nỗ lực để tháo gỡ. Dự thảo luật dầu khí (sửa đổi) đã xong và đang báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội. Tuy nhiên, theo tôi cần tháo gỡ ngay những rào cản mà không chờ luật được ban hành.

Petro Việt Nam đặt kế hoạch doanh thu tăng từ 2,5-3 lần đến năm 2015 từ mức 200 ngàn tỷ đồng hiện nay. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển ngang tầm với các tập đoàn dấu khí trong khu vực. Để đạt được mục tiêu tham vọng này thì rõ ràng cần cơ chế đột phá.

- Liệu kế hoạch thành lập Ngân hàng cổ phần dầu khí của Petro Việt Nam, ngân hàng mà Petro Việt Nam muốn nắm tới 41% vốn trong khi quy định chỉ là 20% được hiểu là cơ chế đột phá?

- Thủ tướng đã quyết định thành lập ngân hàng này vào quý 4 này với cơ cấu như vậy.

- Liệu có phương án cổ phần hóa Tập đoàn không?

- Không, nhưng đó cũng là một câu hỏi. Những tài nguyên đất nước sẽ tách ra, không cổ phần, còn những gì không thuộc tiêu chí này (kể cả Tổng công ty Khai thác thăm dò dầu khí - coi như một nhà thầu dầu khí và được cổ phần hóa vì đã tách mỏ và tài nguyên ra), thì cổ phần hóa chỉ có tốt lên mà thôi.

- Xin cảm ơn ông!

Tư Giang (thực hiện)