itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Niềm vui của Thống đốc...

Niềm vui của Thống đốc...

Thẳng thắn, luôn trả lời trực diện vào các điểm nóng, những câu chuyện còn tranh luận hay khúc mắc, nắm vấn đề chi tiết đến từng con số... Với lối trò chuyện nhanh như để tiết kiệm thời gian, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình như cuốn người đối diện vào những bận rộn, những lo toan của người đứng đầu Ngân hàng Trung ương...

Dù có đôi lúc mắt ông ánh lên niềm vui, niềm tự hào trước những gì ngành ngân hàng và cá nhân ông đã làm được trong năm qua, nhưng gần như ngay lập tức niềm vui ấy lại chìm đi, lại khuất lấp bởi những bộn bề công việc, những dự định đặt ra...

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi chiều cuối năm Quý Tỵ của phóng viên Đầu tư Chứng khoán với Thống đốc Nguyễn Văn Bình diễn ra trong không khí bận rộn ấy. Thời gian không dài, nhưng không ít vấn đề được nói đến, những câu chuyện liên quan đến sự an nguy của ngành ngân hàng và rộng ra là cả nền kinh tế.

Chợt có một liên tưởng, dù là khập khiễng, cái thời gian ngắn ngủi hữu hạn của cuộc phỏng vấn này có chút gì đó giống với “cuộc sát hạch” năng lực Thống đốc của toàn xã hội trong năm 2013. Nói như vậy vì có lẽ trong năm con rắn vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là một trong những thành viên Chính phủ bận rộn và chịu nhiều áp lực nhất.

Bận rộn thì đã hẳn, vì nắm cương vị “cầm trịch” một ngành là huyết mạch tiền tệ quốc gia, chỉ một bộ phận nhỏ khí huyết không thông, cơ thể đã có vấn đề. Còn áp lực, ai cũng biết, năm qua, cơ thể nền kinh tế tắc ở nhiều chỗ. Khúc mắc, suy thoái khởi nguồn từ vài năm trước, nhưng bắt đầu bung vỡ mạnh nhất từ năm 2012 trở lại đây.

Hệ thống ngân hàng đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng, trong đó một bộ phận mất thanh khoản, một bộ phận khác có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Nền kinh tế lạm phát cao và lãi suất cao; nợ xấu vẫn là điểm nghẽn làm nền kinh tế không hấp thụ được vốn... DN chết như ngả rạ, những “anh” còn sống cũng chỉ cầm chừng, cho vay vốn rẻ cũng lắc đầu vì “vay chả để làm gì”...

Còn nhớ, tại nghị trường Quốc hội, trước “truy vấn” của vài đại biểu về việc DN khó gõ cửa ngân hàng, Thống đốc Bình từng bảo: “Hãy chỉ cho tôi những DN nào có đủ hồ sơ mà không thể tiếp cận vốn. Tôi sẽ kỷ luật ngân hàng đó”. Câu nói ấy không hề là lời thách thức, mà nó chỉ ra một thực trạng phổ biến: DN quá yếu để có thể tiếp nhận vốn vay!

Trong bối cảnh như vậy mà phải thực hiện mục tiêu chống lạm phát và giảm lãi suất thì quả là rất khó khăn. Nhưng Thống đốc Bình đã làm được, NHNN đã làm được khi kiểm soát lạm phát còn 1/3; giám sát giảm lãi suất còn 1/3; ổn định tỷ giá; tăng dự trữ ngoại tệ gấp 3 lần; ổn định thị trường vàng và loại bỏ tình trạng vàng hóa; củng cố thanh khoản ngân hàng, chấn chỉnh kỷ luật thị trường tiền tệ, xử lý nợ xấu một bước...

Có thể nói, trật tự tương đối trên thị trường tiền tệ đã được khôi phục trong vòng 2 năm. Không biết có phải sự trùng hợp, thời gian ngồi “ghế nóng” của Thống đốc Bình đến lúc này cũng tròn 2 năm.

Vậy nên, ông Bình vui và hài lòng cũng là lẽ hiển nhiên. Nhất là khi lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã, đang được triển khai quyết liệt. Đặc biệt, những ngày đầu năm 2014, các ngân hàng đón nhận tin vui khi “room” ngoại trong các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được Chính phủ đồng ý nới thêm, tạo điều kiện khơi thông dòng vốn nước ngoài, gia tăng tiềm lực vốn cho các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu.

Thưa Thống đốc, đâu là những điểm khiến ông hài lòng nhất sau 2 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD?

Hai năm qua, quá trình tái cơ cấu đạt được những kết quả như: hệ thống được bảo đảm an toàn và trong tầm kiểm soát của NHNN, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi, khả năng chi trả của các TCTD bảo đảm, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, kể cả ở các NHTM yếu kém. Số lượng các TCTD yếu kém giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại và tái cơ cấu theo nguyên tắc tự nguyện. Vì vậy, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến hết năm 2013, số lượng TCTD đã giảm 6 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể. NHNN cũng đã thu hồi giấy phép của 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác đã được chuyển đổi hình thức, tiến hành mua lại 1 công ty tài chính. Kết quả nói trên cho thấy, nếu như năm 2012, việc cơ cấu lại tập trung vào một số NHTM cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì sang năm 2013, việc tái cơ cấu các TCTD đã mang tính chủ động và tự nguyện từ phía các TCTD...

Tôi hài lòng về những kết quả trên, bởi các giải pháp cơ cấu lại hệ thống TCTD là rất quan trọng, cơ bản và đã đạt được mục tiêu, theo đúng lộ trình đề ra, đồng thời tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc quá trình cơ cấu lại các TCTD trong thời gian tới.

Nhưng tái cơ cấu không chỉ đơn thuần là hợp nhất, sáp nhập theo phép cộng, mà điều quan trọng là phải giúp nâng cao năng lực, trình độ quản trị cũng như minh bạch và lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, những điểm yếu “cốt tử” của hệ thống TCTD Việt Nam?

Đúng vậy, 2 năm trước đây, khi lập danh sách những NHTM cổ phần yếu kém buộc phải tái cơ cấu, NHNN đã bước đầu chỉ ra những vấn đề nội tại cần khắc phục trong cơ cấu quản trị, nhân sự, hay cơ cấu vốn chủ sở hữu của một số ngân hàng.

Giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua càng làm nổi bật một số yếu kém và tồn tại mà các NHTM cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là những yếu kém về quản trị và công nghệ.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này đòi hỏi các TCTD phải có đủ tiềm lực tài chính, bởi vậy, sáp nhập, hợp nhất để tăng năng lực tài chính vẫn là việc làm cần thiết và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh.

Thông đốc có thể nói cụ thể hơn về tiến trình tái cơ cấu trong năm 2014 này?

Như tôi đã nói, tái cơ cấu là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự tập trung công sức, nguồn lực của toàn hệ thống, do đó, trong năm 2014, các giải pháp đồng bộ sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Cụ thể, NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại để xử lý các TCTD yếu kém và từng bước hình thành một số NHTM có quy mô và khả năng cạnh tranh lớn hơn. Đồng thời, sẽ can thiệp mạnh mẽ đối với TCTD yếu kém, vi phạm pháp luật không tích cực tái cơ cấu. Đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc thậm chí cho phá sản, giải thể.

Tiếp tục triển khai Đề án xử lý nợ xấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo các TCTD tiến hành rà soát, đánh giá nợ xấu và xác định, thống kê, tổng hợp các khoản nợ xấu đủ điều kiện bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và xử lý bằng giải pháp khác. Các TCTD phải xây dựng phương án xử lý nợ xấu báo cáo NHNN. Đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình bán, xử lý nợ xấu giữa các TCTD và VAMC, tạo điều kiện và chỉ đạo VAMC bán nợ xấu đã mua để thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ tập trung.

NHNN cũng sẽ tăng cường năng lực quản trị của các TCTD, trong đó tập trung vào một số nội dung sau: tăng cường tính kỷ luật trong việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng; triển khai các biện pháp xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo và xử lý nghiêm những vi phạm quy định về giới hạn sở hữu cổ phần, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin của các TCTD; khuyến khích niêm yết cổ phiếu các TCTD cổ phần; kiểm soát chặt chẽ thay đổi cơ cấu cổ đông lớn và năng lực tài chính của các cổ đông lớn...

Nói đến câu chuyện niêm yết - vốn là lĩnh vực “sở trường” của Báo ĐTCK. Đang định “nhấp nhổm” hỏi Thống đốc xem ông đánh giá thế nào về nhóm cổ phiếu “vua”, liệu năm Ngọ này có thể có sóng? Hay việc ông sang dự hội nghị tổng kết năm 2013 của ngành tài chính có trò chuyện gì với người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong việc cùng phối hợp phát triển TTCK thành thị trường vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế... Tuy nhiên, Thống đốc nhìn đồng hồ và tôi hiểu đã hết thời gian cho cuộc trò chuyện này!

Chia tay ông Bình, tôi bảo, sau 1 năm, giới chuyên gia và toàn xã hội có lẽ đã thay đổi nhiều về cách nhìn với ông cũng như với ngành. Thay vì những nghi ngờ về hiệu quả điều hành, băn khoăn về một ngành “ăn trên ngồi trốc”, dư luận ấn tượng với một Thống đốc Bình nhất quán giữa nói và làm, quyết liệt và rành mạch trong chỉ đạo và hoạt động.Kể cả chuyên gia có tiếng là khắt khe và bộc trực như ông Trần Du Lịch, ông Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá cao bản lĩnh của Thống đốc và cho rằng ông là “một nhà ngân hàng trung ương chuyên nghiệp”. Liệu có phải do công tác tuyên truyền của NHNN làm quá tốt?

Ông Bình cười và nói: “Tôi chủ trương nói và làm phải song song. Nói mà không làm thì không ổn, còn làm mà không nói thì mọi người đâu có biết để hiểu và theo dõi, đánh giá và thực thi. Còn cái nhìn về cá nhân tôi và toàn ngành có tích cực hơn, tôi vui, nhưng cũng chịu nhiều áp lực hơn về điều đó, bạn ạ!”.

Nhuệ Mẫn/ Tinnhanhchungkhoan