itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đó đây / Trung Quốc với chiến dịch trẻ hóa lãnh đạo

Trung Quốc với chiến dịch trẻ hóa lãnh đạo

Ảnh: Reuters

Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đang dần từ bỏ truyền thống văn hóa trọng người có tuổi khi lựa chọn nhiều gương mặt ở độ tuổi 40, 50 vào vị trí lãnh đạo tại các tỉnh, thành.

Sau đợt cải tổ lãnh đạo cấp tỉnh chấm dứt vào cuối tháng 6, Trung Quốc đã chọn được nhiều gương mặt lãnh đạo trẻ có trình độ học vấn hơn lớp đàn anh đi trước. Cuộc cải tổ nhân sự lãnh đạo, diễn ra 5 năm một lần, đã phải mất đến 8 tháng mới hoàn tất. Kết quả là hơn 50% chức vụ phó bí thư tỉnh ủy đã bị cắt giảm, từ 158 xuống còn 67. Độ tuổi trung bình của dàn lãnh đạo mới là 58 tuổi, và 98 lãnh đạo tỉnh ủy đã được bầu chọn tại 31 tỉnh, vùng và thành phố tự trị.

Gần 60% có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ, phần lớn trong ngành luật và kinh tế. Điều này tương phản mạnh mẽ với thế hệ lãnh đạo trong những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Mặc dù những người sinh ở thập niên 40 vẫn chiếm 39% vị trí lãnh đạo kỳ này, số người sinh vào thập niên 50 đang trở thành xương sống của thế hệ lãnh đạo tỉnh ủy khi giữ đến 57% vị trí. Hơn thế, khoảng 5% bí thư tỉnh ủy mới đang trong độ tuổi 40. Trước đó, một người thường phải trải qua nhiều thập niên mới lên được chức bí thư tỉnh ủy.

Khuynh hướng cất nhắc lãnh đạo trẻ bắt nguồn từ quy định do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra vào năm ngoái. Theo đó, không ít hơn 3 thành viên của Ủy ban thường trực tỉnh ủy dưới 50 tuổi, với ít nhất một người khoảng 45 tuổi. Nhóm lãnh đạo sinh vào những năm 60 hiện nay có Chủ tịch tỉnh Hồ Nam Chu Cường (47 tuổi), Phó bí thư Khu tự trị Tây Tạng Hào Bằng (46 tuổi).

Chu Cường là chủ tịch tỉnh trẻ nhất của Trung Quốc hiện nay và Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Lạc Tế là bí thư trẻ nhất ở cấp này trên cả nước. Tuy nhiên, trẻ hóa không có nghĩa là lớp lãnh đạo cũ sẽ hoàn toàn biến mất. Mô hình lãnh đạo địa phương mà Trung Quốc đang hướng đến là sự kết hợp giữa lớp già và trẻ, với mục đích tận dụng kinh nghiệm của những bậc kỳ cựu và khai thác lòng nhiệt huyết và kiến thức mới của người trẻ.

Giáo sư Từ Tường Lâm thuộc Đại học Bắc Kinh đã giải thích lý do tại sao có nhiều gương mặt trẻ nổi lên trong đợt này. Theo ông, đây là đợt "gặt hái" lớp lãnh đạo tiềm năng được ươm mầm vào những năm 80. Ngay từ thời đó, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã đoán được khuynh hướng phát triển của xã hội và thực tế những quan chức cao tuổi hơn đã tỏ ra quá thủ cựu, gây nên nhiều bất lợi đối với sự phát triển. Thêm vào đó, thế hệ sinh từ năm 1960 trở đi có điều kiện tiếp cận với nền giáo dục cao cấp, hiện đại hơn và do đó họ tiến rất nhanh.

Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm Vương Mẫn là ví dụ điển hình về một lãnh đạo có trình độ văn hóa cao. Ông tốt nghiệp tiến sĩ ngành hàng không vũ trụ tại Đại học Nam Kinh và có kiến thức của một chuyên gia về quản lý xã hội. "Đây là thời đại của quản lý, kinh tế và internet. Do đó, Đảng phải lựa chọn những quan chức có giáo dục cao", Giáo sư Lê Mẫn thuộc trường chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận xét.

Theo Báo China Daily, sự thay đổi trong việc lựa chọn lãnh đạo phản ánh các nhu cầu mới đối với sự phát triển của xã hội. Từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài, trọng tâm được chuyển sang phát triển công nghệ. Từ đó vai trò của chính phủ cũng được thay đổi theo, từ quản lý trực tiếp các công ty nhà nước chuyển sang tập trung vào sự phát triển toàn xã hội.

Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Đảng Âu Dương Tùng cho biết sự thay đổi trên là kết quả của tính dân chủ cao hơn trong nội bộ đảng. Một trong những mục đích trong cuộc cải tổ nhân sự lần này là nhằm loại trừ tình trạng một nhóm nhỏ người ra quyết định, bao gồm bí thư và phó bí thư. Việc tinh giản số lượng phó bí thư có nghĩa là chức năng của Ủy ban thường trực tỉnh ủy được tăng thêm, và điều này giúp củng cố tính dân chủ trong nội bộ đảng. Bên cạnh đó, chính quyền trung ương cũng tập trung xây dựng lại đảng. Một vài lãnh đạo tham nhũng, như nguyên Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, đã bị cách chức để mở đường cho một thế hệ lãnh đạo "sạch" hơn.

Thụy Miên