itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Dow Jones chính thức mất mốc 8.000 điểm

Dow Jones chính thức mất mốc 8.000 điểm

Ngày 2/2, nhiều tin xấu từ khối tài chính và cắt giảm việc làm đã đẩy chỉ số Dow Jones mất mốc 8.000 điểm.

Hôm thứ Hai, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số ngành sản xuất trong tháng 1/2009 đã tăng lên 35,6 điểm – tăng cao hơn so với mức dự báo 32,6 điểm của giới phân tích, từ 32,9 điểm trong tháng 12/2008. Chỉ số này nếu ở dưới ngưỡng 50 điểm thì được cho là tăng trưởng âm.

Trong ngày 2/2, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu dùng của người dân nước này trong tháng 12/2008 đã giảm 1% sau khi giảm 0,8% trong tháng 11/2008. Trong khi đó, thu nhập của người dân trong tháng đã giảm 0,2% sau khi giảm 0,4% trong tháng 11/2008.
Như vậy, tổng mức chi tiêu dùng trong năm 2008 của người dân Mỹ chỉ tăng 3,6% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 1961.

Dow Jones, S&P 500 giảm điểm, Nasdaq lên điểm

Liên quan đến nhà bán lẻ lớn của Mỹ, Tập đoàn Macy's vừa cho biết sẽ cắt giảm 4% lượng lượng lao động, tương đương 7.000 việc làm, đồng thời hãng cũng hạ triển vọng cổ tức xuống 5 cent/cổ phiếu từ 13,25 cent/cổ phiếu quý 1. Cổ phiếu của Macy's đã giảm 4,02% xuống 8,59 USD/cổ phiếu.

Cùng ngày, nhiều nguồn tin cho hay Ngân hàng Morgan Stanley đang lên kế hoạch cắt giảm 3%-4% lực lượng lao động (khoảng 1.800 lao động). Ngay lập tức, Morgan Stanley đã bác bỏ thông tin này.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Morgan Stanley đã tăng 2,82% lên 20,8 USD/cổ phiếu, đưa cổ phiếu của hãng tăng hơn 25% so với đầu năm 2009.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đã giảm điểm trong ngày giao dịch đầu tuần do sự không chắc chắn về kế hoạch ngăn chặn sự thua lỗ của khối tài chính của chính quyền Tổng thống Obama. Bên cạnh đó, thị trường bị tác động bởi thông tin về cắt giảm việc làm của Macy's.

Nhiều cổ phiếu khối tài chính đã giảm điểm với biên độ lớn sau khi vẫn còn những bất đồng và nghi ngại liên quan đến việc thành lập một kế hoạch có tên gọi “bad bank” để mua lại các tài sản xấu của các ngân hàng.

Trong ngày, cổ phiếu của Bank of America mất 9% xuống 6 USD/cổ phiếu, cổ phiếu JPMorgan hạ 1,3% xuống 25,19 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu của nhiều nhà sản xuất lớn cũng đã mất điểm mạnh, góp phần kéo chỉ số Dow Jones giảm điểm gồm: cổ phiếu 3M giảm gần 6%, cổ phiếu Boeing mất 4%...

Trong khi đó, cổ phiếu khối công nghệ lại có ngày tăng điểm mạnh với biên độ tăng hơn 1% của chỉ số Nasdaq. Nguyên nhân được cho là do cổ phiếu khối công nghệ sau 2 ngày bị bán tháo trước đó, giá cổ phiếu đã giảm mạnh, nên giới đầu tư đã tăng gom mua vào trong ngày giao dịch đầu tháng để kiếm tìm lợi nhuận từ các đợt phục hồi mang tính kỹ thuật.
Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Microsoft tăng 4,2%, cổ phiếu Intel lên 5,6%, cổ phiếu Apple tăng 1,5%.

Điểm qua kết quả ngày giao dịch 2/2: chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 64,03 điểm, tương đương -0,8%, đóng cửa ở mức 7.936,83.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 18,01 điểm, tương đương 1,22%, chốt ở mức 1.494,43.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 hạ 0,44 điểm, tương đương 0,05%, đóng cửa ở mức 825,44.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,33 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu mất điểm thì có 5 cổ phiếu lên điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,03 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 6 cổ phiếu tăng điểm thì có 5 cổ phiếu giảm điểm.

Chứng khoán châu Âu mất điểm vì khối ngân hàng, năng lượng

Ngày 2/2, Bộ Tài chính Hà Lan cho biết ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ nước này đang trong tiến trình đàm phán để mua lại một phần bộ phận kinh doanh của Royal Bank of Scotland.

“Việc mua lại tài sản của Royal Bank of Scotland sẽ là một phần trong chiến lược mới của ABN AMRO”, người phát ngôn Bộ Tài chính Hàn Lan nói.

Trước đó, Royal Bank of Scotland đã mua lại bộ phận ngân hàng đầu tư và ngân hàng bán sỷ của ABN AMRO.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục mất điểm do sự giảm điểm mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng.

Cổ phiếu khối ngân hàng đã đồng loạt giảm điểm, trong đó cổ phiếu Barclays trượt 10,6%, cổ phiếu BNP Paribas giảm 8,7%, cổ phiếu HSBC mất 3%, cổ phiếu Santander hạ 4,5%, cổ phiếu UBS mất 10,7%...

Trong khi đó, cổ phiếu khối năng lượng cũng tiếp tục mất điểm, trong đó cổ phiếu Total, Shell và BP giảm từ 0,5-2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 71,86 điểm, tương đương -1,73 %, chốt ở mức 4.077,78.

Chỉ số DAX của Đức mất 1,55%. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 1,48%.

“Bóng tối” lợi nhuận đẩy chứng khoán châu Á giảm điểm

Trong ngày đầu tuần, nhiều thông tin xấu liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông liên quan đến kinh tế vĩ mô của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng như thông tin thua lỗ của nhiều tập đoàn lớn từ ngành công nghiệp ôtô đến ngành công nghệ...

Điều này đã tác động mạnh tới thị trường chứng khoán và đẩy thị đa số các thị trường chìm sâu trong sắc đỏ.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc và Đài Loan đã có ngày giao dịch đầu năm mới thành công khi sắc xanh hiện diện sau khi thị trường đóng cửa.

Chứng khoán Nhật đã giảm điểm phiên đầu tuần do cổ phiếu của nhiều tập đoàn giảm mạnh vì thua lỗ trong năm 2008. Bên cạnh đó, thị trường bị tác động bởi những nhận định về khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp có thể giảm 62%.

Trong ngày, Hitachi đã đưa ra cảnh báo về khả năng thua lỗ tới 7,8 tỷ USD do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, hãng Panasonic có thể bị thua lỗ 3,9 tỷ USD và Mizuho Financial Group thua lỗ 1,6 tỷ USD.

Cổ phiếu của Hitachi đã giảm 17%, cổ phiếu Panasonic mất 3,1%, cổ phiếu Mizuho trượt 6,6%, cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group hạ 4,9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 120,07 điểm, tương đương -1,5%, chốt ở mức 7.873,98. Khối lượng giao dịch đạt 2 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Chuyển qua thị trường khác, ngày 2/2, Bộ Kinh tế Tri thức Hàn Quốc cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 1/2009 đã giảm 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1957. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm bán dẫn giảm 47%, ôtô hạ 55%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số KOSPI đã giảm 15,16 điểm, tương đương -1,3%, chốt ở mức 1.146,95.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,28%. Chỉ số BSE 30 của Ấn Độ trượt 3%. Chỉ số ASX của Australia hạ 0,99%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 3,14%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 3,14%. Chỉ số Shanghai Composite lên 1,06%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.000,86 7.936,83 - 64,03 -0,80
Nasdaq 1.476,42 1.494,43 + 18,01 +1,22
S&P 500 825,88 825,44 - 0,44 -0,05
Anh FTSE 100 4.149,64 4.077,78 - 71,86 -1,73
Đức DAX 4.338,35 4.271,04 - 67,31 -1,55
Pháp CAC 40 2.973,92 2.930,05 - 43,87 -1,48
Đài Loan Taiwan Weighted 4.247,97 4.259,98 + 12,01 +0,28
Nhật Nikkei 225 7.994,05 7.873,98 -120,07 -1,50
Hồng Kông Hang Seng 13.278,21 12.861,50 -416,72 -3,14
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.162,11 1.146,95 - 15,16 -1,30
Singapore Straits Times 1.743,99 1.711,25 - 55,47 -3,14
Trung Quốc Shanghai Composite 1.990,66 2.011,68 + 21,03 +1,06
Ấn Độ BSE 30 9.289,11 9.141,31 -282,93 -3,00
Australia ASX 3.478,10 3.443,50 - 34,60 -0,99
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg,Vne

Trương Định