itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / “Gánh lo” của người Singapore

“Gánh lo” của người Singapore

Với thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD/năm, đứng thứ hai châu Á chỉ sau người Nhật, người dân Singapore không vì thế mà hạnh phúc, an nhàn. Trái lại, họ luôn mang trong lòng một “gánh lo” cơm áo gạo tiền.

Báo The Straits Times, tờ báo tiếng Anh số một ở Singapore, cách đây chưa lâu đã đăng một bài viết có tựa đề: “Đến người giàu Singapore cũng lo ngại cho tương lai của họ hơn những người châu Á khác”. Ở đảo quốc bé nhỏ này, tài nguyên hầu như không có, cái gì cũng nhập khẩu, kể cả sức người. Các loại thịt bò, heo, gà… nhập từ Úc tối thiểu đắt gấp ba lần ở Việt Nam hay Thái Lan. Rau củ, hoa quả thì nhập từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Một kg dưa leo ngon, giá đến 60.000 – 70.000 đồng. Bởi vậy, siêu thị hiếm khi treo giá hàng hoá trên đơn vị kg, trừ các thứ như gạo, muối, xà phòng giặt... Đơn vị được dùng phổ biến là 100g.

Nhìn thật kỹ vào cách chi tiêu sẽ thấy họ tính toán, dè sẻn thế nào. Nhiều người độc thân, lương tháng cũng vài ngàn đô la, nhưng không mấy ai sắm xe hơi bởi họ cho rằng chi phí “nuôi” một chiếc xe quá đắt, chưa kể tuổi thọ của xe theo luật là không quá 10 năm. Đi một cuốc taxi cũng là một “bài toán”, họ chỉ đón taxi khi không thể tìm được phương tiện công cộng trong vòng bán kính khoảng 1km. Cửa hàng thời trang lộng lẫy khắp nơi có lẽ phần lớn bán hàng cho du khách và người nước ngoài, còn người Sing chỉ đi vào các shop bán hàng sale hoặc những mặt hàng sale…

Hãng bảo hiểm AXA vừa công bố một kết quả khảo sát trên 2.400 người từ 8 quốc gia châu Á, trong đó có cả Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, cho thấy người Singapore có chỉ số thoả mãn và tự tin trong cuộc sống thấp nhất với cả bốn mặt của cuộc sống, gồm công việc, chế độ hưu trí, gia đình và sức khoẻ. Có 6/10 người thuộc hàng khá giả của Singapore với thu nhập bình quân 4.000 SGD (gần 45 triệu đồng/tháng) đã bắt đầu tích luỹ cho tuổi già từ năm 34 tuổi, trong khi ở các nước khác là 39 tuổi.

Vừa trước đó, một tổ chức nghiên cứu kinh tế của Anh Quốc cũng công bố chỉ số hành tinh hạnh phúc, Singapore xếp chót trong khu vực châu Á và xếp 131 trên tổng số 178 quốc gia được điều tra. Còn hãng sản xuất bao cao su nổi tiếng thế giới Durex cũng vừa công bố kết quả khảo sát, nói rằng người Singapore khá biếng nhác chuyện gối chăn. Cuộc sống bận rộn và đắt đỏ khiến nhiều người Singapore ngại kết hôn và sinh con.

Nhìn toàn diện, thông tin này cũng không quá lệch lạc. Tôi có một cô bạn người Hàn Quốc, có chồng là một người Ý. Họ lấy nhau ở Singapore và có hai đứa con. Ở độ tuổi khoảng 40, gia đình cô thuộc loại giàu có. Hằng ngày, mọi công việc nhà giao tất cho người giúp việc, cô một xe hơi, chồng một xe hơi túa ra đường đi kiếm tiền. Chín, mười giờ đêm cả hai mới về nhà, cơm nước qua loa xong mỗi người lại ôm một cái máy tính để theo dõi thông tin thị trường và tài chính. Cô tâm sự đứa con gái đầu đang học làm người lớn, không nghe lời cha mẹ và biếng học, nhưng thật sự vợ chồng cô cũng “bó tay”, bởi chẳng có thời gian.

Tự tin về hiện trạng và tương lai nền kinh tế, vui mừng vì tuổi thọ trung bình đạt đến 79,9, tự hào về một nền hành chính sạch tham nhũng và môi trường sống trong lành, các nhà lãnh đạo Singapore vẫn không thôi lo lắng bởi nỗi bất an kinh niên, sâu thẳm trong lòng người dân. Trong nước nay mọc thêm nhiều trung tâm dạy khiêu vũ, nấu ăn, nhiều chỗ tụ tập, buôn chuyện, thư giãn cho người lao động, thay vì những phòng tập thể hình. Đích thân Thủ tướng Lý Hiển Long hồi cuối tháng chín đã đến công viên quốc gia phát động một phong trào kêu gọi người dân “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Nhưng không biết những bài đi bộ trong công viên, thú buôn chuyện thư giãn mà ngài thủ tướng gợi ý có áp dụng được hay không khi mà giá cả sinh hoạt ngày càng cao hơn, giá nhà đất tăng vù vù, đồng đô la Sing cũng tăng giá so với những đồng tiền tệ khác, còn thị trường chứng khoán lại bấp bênh khó đoán?

Theo SGTT