itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Kinh tế Mỹ 2007: Buồn nhiều hơn vui

Kinh tế Mỹ 2007: Buồn nhiều hơn vui

Thị trường chứng khoán Mỹ năm nay

đầy biến động

Với nhiều biến động không mong muốn, 2007 có lẽ là một năm dài lê thê đối với nền kinh tế Mỹ: khủng hoảng tín dụng, hàng loạt CEO tài chính mất việc

Thị trường địa ốc Mỹ rơi vào tình trạng đóng băng khi lãi suất cho vay cầm cố được điều chỉnh tăng, khiến hàng triệu người vay tiền mua nhà với mục đích đầu tư không thể trả nợ. Không chỉ có thế, những người vay tiền mua nhà còn không thể bán được nhà vì lãi suất cứ tăng lên, trong khi giá nhà thì hạ liên tục.

Kết quả tất yếu là hàng triệu người bị tịch thu tài sản thế chấp còn các ngân hàng cho vay thì phải đối mặt với sự "teo tóp" tài sản trong danh mục cho vay cầm cố. Cuộc khủng hoảng này cũng khiến nhiều công ty cho vay tín chấp dưới tiêu chuẩn phải rời khỏi lĩnh vực này và buộc Quốc hội Mỹ phải xem xét sửa đổi luật cho vay.

Tháng 6, Bear Stearns cho biết, hai trong số các quỹ phòng hộ của tập đoàn tài chính này đã chịu lỗ nặng. Bóng đen này loang ra vào tháng 10 khi Merrill Lynch công bố khoản thâm hụt tài sản xấp xỉ 8 tỷ USD do nợ xấu từ cho vay cầm cố, khiến CEO Stanley O’Neal phải “đội nón ra đi”.

Tiếp đó, vào ngày 4/11, CEO của Citigroup cũng mất chức không lâu sau khi công bố khoản lỗ có thể lên tới 17 tỷ USD mà tập đoàn này phải gánh chịu do tác động của khủng hoảng tín dụng , cao gấp gần 3 lần so với dự báo trước đó.
“Nạn nhân” gần đây nhất của “bóng ma” khủng hoảng tín dụng chính là đồng Chủ tịch Zoe Cruz của Morgan Stanley, người đã từng làm việc cho tập đoàn này 25 năm và từ lâu được coi là người phụ nữ quyền lực của Wall Street. Bà phải nghỉ việc vào ngày 30/11 vừa qua sau khi tập đoàn chịu 3,7 tỷ USD tiền lỗ liên quan đến cho vay thế chấp trong tháng 9 và tháng 10.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng này sẽ còn lan sang năm 2008, thậm chí cả khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson có thể thúc đẩy một kế hoạch để giúp những người mua nhà tránh bị tịch thu tài sản. Theo Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp Mỹ, số vụ tịch thu tài sản vì không trả được nợ trong tháng 11 đã đạt kỷ lục và tỷ lệ nợ quá hạn trong quý 3 năm nay đã lên mức cao nhất kể từ năm 1986.

"Ngoại lệ" Goldman Sachs

Tuy nhiên, đây lại là một năm tốt lành đối với Goldman Sachs. Ngân hàng đầu tư này không chỉ vượt qua các đối thủ khác bằng lợi nhuận 12,3 tỷ USD trong quý 3, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, mà những nhân vật xuất chúng từng cống hiến cho ngân hàng này, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson, tiếp tục được lựa chọn để giao những trọng trách mới trong lĩnh vực chính trị và tài chính.

Cựu Giám đốc hoạt động (COO) của Goldman Sachs là John Thain, nhậm chức CEO của Merrill Lynch. Một COO khác của Goldman Sachs, đồng thời là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, ông Robert Rubin trở thành Chủ tịch của Citigroup.

Người từng đứng đầu bộ phận kinh doanh cổ phiếu của Goldman Sachs cũng tới đầu quân ở vị trí CEO cho sàn giao dịch chứng khoán NYSE Euronext. Còn Giám đốc phụ trách các vấn đề pháp lý và quan hệ với chính phủ Joshua Bolten của Goldman Sachs hiện đang giữ vị trí tham mưu trưởng của Nhà Trắng.

USD mất phanh

Thị trường chứng khoán Mỹ năm nay đầy biến động vì giới đầu tư lo sợ tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay tín chấp dưới tiêu chuẩn. Trong năm, chỉ số Dow Jones từng hai lần đạt kỷ lục trên 14.000 điểm nhưng sau đó các cổ phiếu lại đua nhau mất giá. Tới nay, Phố Wall vẫn phập phồng lo sợ vì chưa rõ tác động toàn diện của cuộc khủng hoảng sẽ sâu rộng tới đâu.

Một nhân tố khác tác động mạnh mẽ đến tâm lý của các nhà đầu tư là việc đồng USD liên tục trượt dốc so với Euro. Tính từ tháng 1 tới tháng 11 năm nay, đồng bạc xanh đã mất giá 13% so với rổ tiền tệ gồm các đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển khác. Trong khi đó, USD chỉ mất giá 5% so với Nhân dân tệ và đây là lý do tại sao, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao.

Đáng ngại hơn, Trung Quốc và một số nước mua nợ (trái phiếu Chính phủ) khác của Mỹ đã bắt đầu cân nhắc đến việc đa dạng hóa đồng tiền dự trữ ngoại hối, thay vì chỉ giữ USD. Do các đồng tiền khác mạnh lên, các nhà đầu tư không còn sợ khi mua những đồng tiền này vào, nhất là đồng Euro. Nếu đồng USD tiếp tục yếu đi, tính hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng sẽ tiếp tục giảm.

Đồng USD mất giá cũng khiến dân Mỹ “sợ” tới châu Âu du lịch. Tuy nhiên, đồng nội tệ yếu sẽ thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của nước này với các nước đối tác chính. Mặt khác, lượng du khách châu Âu tới Mỹ cũng cao hơn.

Dầu tăng giá vùn vụt

2007 cũng là một năm đáng buồn đối với ngành công nghiệp ôtô Mỹ, vốn đã phải đương đầu với việc doanh số sụt giảm mạnh ở dòng xe SUV và Pick-up.

Một trong số những lý do chính “làm khó” các hãng sản xuất ôtô trong năm qua là giá dầu tăng theo chiều thẳng đứng. Giá dầu có lúc tưởng như đã chạm 100 USD/thùng và được dự báo là sẽ vẫn ở trên ngưỡng 80 USD/thùng trong thời gian trước mắt. Trong năm 2007, dân Mỹ luôn phải mua xăng với giá 3 USD/gallon hoặc hơn.

Tuy nhiên, giá dầu cao cũng có tác động tích cực của nó. Các ngành công nghiệp ôtô và năng lượng đã đầu tư nhiều hơn để phát triển các sản phẩm tiêu thụ ít năng lượng và các loại nhiên liệu sạch. Nhiều doanh nghiệp lớn như Google và các quỹ đầu tư mạo hiểm như Vinod Khosla cũng đã bắt đầu chi ra hàng triệu USD để phát triển năng lượng tái sinh và tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

Năm của cổ phiếu công nghệ

Đối với lĩnh vực công nghệ, nhìn chung, 2007 là một năm tốt lành vì ít nhất cho tới quý 3, khối doanh nghiệp công nghệ của Mỹ vẫn chưa phải “nộp” một “nạn nhân” nào cho khủng hoảng tín dụng.

Nói đến thành công của lĩnh vực công nghệ trong năm qua không thể không nói tới Google. Giá cổ phiếu của người khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet này có lúc đạt đỉnh 747,24 USD/cổ phiếu vào tháng 10 và hiện vẫn ở mức trên 714 USD/cổ phiếu. Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực mới là năng lượng tái sinh, Google cũng nhảy vào các "sân chơi" khác như phần mềm văn phòng và mạng viễn thông di động.

Apple cũng gặt hái nhiều thành công rực rỡ. Chiếc điện thoại iPhone được tung ra thị trường trong tháng 6 đã thu hút được sự chú ý cực lớn, tuy nhiên, các sản phẩm khác của Apple như iPod, MacBook Pro và hệ điều hành mới Mac OS X Leopard cũng góp phần đem đến cho hãng một năm thành công nhất từ trước đến nay. Giá cổ phiếu của Apple hiện ở mức xấp xỉ 200 USD/cổ phiếu.

Theo Kiều Oanh (VnEconomy)