itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Kinh tế Thái Lan sa sút nghiêm trọng

Kinh tế Thái Lan sa sút nghiêm trọng sau một năm đảo chính

Một năm sau cuộc đảo chính ở Thái Lan (19.9.2007), nền kinh tế của vương quốc này hiện đang được xếp vào hàng tăng trưởng thấp nhất ở Đông Nam Á. Nhu cầu nội địa và đầu tư sa sút nghiêm trọng do bất ổn chính trị.

Người ta đang hy vọng cuộc bầu cử dân chủ vào tháng 12 tới sẽ giúp cứu vãn tình hình. Nhưng không nhiều người lạc quan về điều đó.

Lún sâu vào bất ổn

"Nền kinh tế Thái Lan vốn đã bị suy thoái trước đảo chính, nhưng giờ mọi thứ còn tồi tệ hơn" - ông Kitti Nathisuwan - chuyên gia kinh tế tại Bangkok - nói. "Tiêu dùng và đầu tư tư nhân sa sút nghiêm trọng bởi người dân không chắc chắn về tương lai. Bất ổn chính trị là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực nhất tới nền kinh tế" - ông Kitti nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2007 được dự báo là 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5,6% của khu vực.

Mất ổn định chính trị đã kìm hãm nền kinh tế Thái Lan từ đầu năm 2006, khi hàng chục ngàn người biểu tình đổ ra đường đòi Thủ tướng Thaksin Shinawatra từ chức vì bị cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Cuộc đảo chính không tiếng súng tháng 9 năm ngoái, lật đổ ông Thaksin đã không giải quyết được triệt để những bế tắc chính trị, thậm chí còn khiến vương quốc này lún vào bất ổn sâu hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, chính phủ do quân đội dựng lên đã không làm được nhiều việc để thúc đẩy tăng trưởng. "Chính phủ tập trung quá nhiều vào việc vô hiệu hoá những mối đe doạ từ ông Thaksin và những người ủng hộ ông" - Bob Broadfoot - Giám đốc Cơ quan Tư vấn rủi ro kinh tế và chính trị, trụ sở ở Hồng Kông - nói.

Sriyan Pietersz - Trưởng nhóm nghiên cứu của Công ty chứng khoán JP Morgan (Thái Lan) nhận xét: "Ưu tiên của chính quyền không phải là kinh tế, mà là thông qua hiến pháp do quân đội hậu thuẫn".

Người dân bi quan về tương lai

Cuộc đảo chính ở Thái Lan giờ đã được ghi vào sách lịch sử. Nhưng cũng có người đặt câu hỏi ngược lại rằng, nếu không có đảo chính, liệu Thái Lan ngày hôm nay có tốt hơn không?

Nền kinh tế Thái Lan suy thoái sau cuộc đảo chính tháng 9 năm ngoái.

"Chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều gì sẽ diễn ra nếu không có đảo chính" - tiến sĩ Supavud Saicheua cho biết. Ông nhận xét rằng, cuối năm ngoái, khi biểu tình và bế tắc chính trị diễn ra, chính phủ Thaksin khi đó cũng không thể thi hành bất cứ chính sách nào, chẳng hạn Hiệp định tư do thương mại với Mỹ hoặc các nước khác. Nhưng chính phủ lại thi hành nhiều chính sách tồi tệ hơn. Chẳng hạn, việc kiểm soát vốn đã phá huỷ thị trường trái phiếu và việc xem xét lại luật kinh doanh nước ngoài làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài.

TS kinh tế Bhongma-kapat, ĐH Chulalongkorn cho biết, chính phủ tạm thời và các nhà lãnh đạo đảo chính đã thất bại trong cải cách chính trị giúp đất nước trở lại con đường dân chủ bình thường. "Họ đã mất cơ hội để làm được bất cứ thứ gì có ý nghĩa" - ông nói.

Nhưng, ít nhất Chính phủ Thái Lan đã đạt được một mục tiêu của họ: Thông qua hiến pháp mới mở đường cho cuộc bầu cử vào tháng 12 này. Nhà phân tích Sukhbir Khanijoh hy vọng kinh tế Thái Lan sẽ khả quan sau cuộc bầu cử: "Không giống như chính phủ hiện nay, chính phủ mới sẽ nhận được sự uỷ nhiệm của người dân để thúc đẩy tăng trưởng".
Nhưng nhiều người bi quan cho rằng, thậm chí sau bầu cử, viễn cảnh kinh tế Thái Lan cũng không sáng sủa gì. Bởi chính phủ mới sẽ là một liên minh và sẽ không có đủ sức mạnh cần thiết để thực thi các chính sách hiện đại hoá nền kinh tế.
Chính Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan - tướng Boonrawd Somtas - nhận định, chính phủ mới chỉ có thể tồn tại được từ 1-2 năm do chính trị chưa ổn định. Các nhóm quyền lực chính đang định hình nhưng ràng buộc khá lỏng lẻo, sẽ bộc lộ rõ hơn sau bầu cử.

"Chính trường sẽ quay lại điểm xuất phát" - ông Boonrwad nói. Ông không đề cập đảo chính quân sự liệu có tái diễn hay không?

Trí Minh