itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Mô hình trường tư thục kiểu mẫu ở Thụy Điển

Mô hình trường tư thục kiểu mẫu ở Thụy Điển

Mô hình Trường Tri thức kiểu mẫu của Vương quốc Thụy Điển (ảnh: joenutt.squarespace.com)

Một công ty ở Thụy Điển đã điều hành thành công như thế nào các trường tư thục miễn phí, khi nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí và không được thu thêm bất kỳ khoản học phí nào.

Xã hội dân chủ Thụy Điển dường như là nơi khó có thể tìm thấy thêm được một cuộc cách mạng thị trường tự do. Tuy nhiên, điều đó lại đang diễn ra trong các trường tư thục của nước này. Những cải tổ đã bắt đầu được tiến hành vào 1994, cho phép hầu hết mọi công dân đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản đều được mở trường và nhận học sinh, nhờ vào nguồn kinh phí do nhà nước chi trả. Tùy theo lứa tuổi của học sinh và địa điểm của trường, mỗi năm chính quyền địa phương phải chi cho mỗi học sinh tại các trường tư này từ 48.000 đến 70.000 SKr [8.000-12.000 Mỹ kim, (SKr là đơn vị tiền của Thụy Điển)]. Giống như trường công, các trường này còn phải nhận tất cả các trẻ em đến tuổi đi học, không có các ràng buộc tôn giáo hay thi đầu vào. Không được thu thêm học phí, nhưng việc sinh lợi là điều tốt.

Những cuộc cải tổ này đã gây ra tranh cãi, đặc biệt trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội hồi bấy giờ. Thế nhưng không ai lại nghĩ rằng, chỉ trong vòng 14 năm thực hiện cải cách, học sinh Thụy Điển theo học tại các trường tư đã tăng lên hơn 10%.

Đã có thời, các trường “miễn phí” kiểu này thường được xem là những trường ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Phần Lan, tiếng Estonia) hoặc trường tôn giáo, hay được hội phụ huynh ở nông thôn điều hành nhằm duy trì hoạt động của trường địa phương. Điều mà không ai dự đoán được là sự xuất hiện của mô hình trường tư thục này, lại chính là nơi làm xuất hiện sự gia tăng về tính độc lập trong giáo dục.

Hiệp hội Các trường Độc lập của Thụy Điển có 10 thành viên. Thành viên lớn nhất là Kunskapsskolan, có nghĩa là “Knowledge Schools hay Trường Tri thức”, đã khai trương sáu ngôi trường đầu tiên vào năm 2000. Đến nay họ đã mở được tổng cộng 30 trường. Hiện có 700 giáo viên giảng dạy cho gần 10.000 học sinh, thu về 62 triệu SKr lợi nhuận trong tổng doanh thu 655 triệu SKr vào năm ngoái.

Giống như hãng xản suất đồ gia dụng khổng lồ IKEA ở Thụy Điển, Trường Tri thức khuyến khích học sinh của mình nỗ lực tự học nhiều hơn. Công cụ sống còn của họ chính là Kunskapsporten, có nghĩa là “Knowledge Portal hay Cổng Tri thức”, một website chứa toàn bộ chương trình giảng dạy và học tập (syllabus). Hàng tuần, học sinh phải dành 15 phút làm việc qua mạng với giáo viên để xem xét lại sự tiến bộ của tuần qua, thỏa thuận về các mục tiêu và thời khóa biểu cho tuần tới. Tuần học mới không chỉ có giờ lên lớp và nghe giảng, mà còn có giờ tự học hay học nhóm nữa. Website này cho phép mỗi học sinh học từng môn học nhanh hay chậm tùy theo sức học của mình. Mỗi môn học thường được chia thành 35 bậc. Những học sinh đạt được 25 bậc trở lên sẽ được công nhận hoàn tất môn học đó; đạt từ 30 hay 35 bậc thì được công nhận giỏi hay xuất sắc.

Các trường trong hệ thống này sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có xung quanh. Kunskapsskolan Enskede, ngôi trường dành cho học sinh từ 11 đến 16 tuổi thuộc ngoại ô thủ đô Stockholm, trước đây là một khu văn phòng được cải tạo lại thành các lớp học, các khoảng không gian học tập mở và hai giảng đường. Nhà trường thuê các địa điểm gần đó cho học sinh chơi bóng đá, bóng rổ, và giống như các trường khác trong hệ thống, hàng tuần, trường gửi học sinh đến một trong hai cơ sở dạy về tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, nghề mộc và nghệ thuật, thay vì mở các phòng học hướng nghiệp đó ngay tại trường, vừa tốn kém vừa không sử dụng hết công suất.

Giáo viên của trường cập nhật bài giảng lên website trong những ngày nghỉ. “Chúng tôi không muốn giáo viên chuẩn bị bài trong thời gian học kỳ, thay vào đó chúng tôi muốn biến giờ soạn giáo án của giáo viên thành thời gian dành cho học sinh khi bước sang học kỳ mới”, ông chủ Per Ledin cho biết. Hàng năm, giáo viên ở đây bình quân được nghỉ 7 tuần, bằng với thời gian nghỉ phép của nhân viên văn phòng tại Thụy Điển.

Các trường học này phải làm việc cận lực giống như hãng IKEA, nhưng với ông Ledin thì còn hơn thế. “Chúng tôi không quan tâm khi được so sánh với hãng thức ăn nhanh McDonald’s,” ông nói. “Nếu chúng tôi làm việc cật lực về bất cứ điều gì thì đó là sự tiêu chuẩn hóa. Chúng tôi nói với các giáo viên rằng điều quan trọng là làm nhiều thứ theo một cách thức giống nhau hơn là làm tốt chúng”, ông Ledin giải thích.

Một trong những điểm mạnh khiến các bậc phụ huynh hài lòng về những trường học này là họ có thể tiếp nhận một lượng thông tin đầy đủ về con em mình. Những tiến bộ trong học tập của từng học sinh được báo cáo hàng tuần trong sổ liên lạc và phụ huynh có thể theo dõi quá trình học tập của con em mình trên website.

Điều mong đợi quan trọng hơn nữa đó là việc nêu cao tinh thần chịu trách nhiệm về sự tiến bộ học tập cho học sinh. “Mục đích của chúng tôi là giúp các em, sau khi ra trường, đều biết đặt ra các mục tiệu tự học cho mình”, Christian Wetell, hiệu trưởng của Trường Kunskapsskolan Enskede, phát biểu.

Cách thức đánh giá giáo viên cũng quan trọng. Việc theo dõi hoạt động của từng giáo viên để xem xét ai làm tốt công việc được áp dụng cho cả giáo viên đứng lớp lẫn giáo viên giáo viên dạy phụ đạo. Những giáo viên có thành tích xuất sắc sẽ được thưởng tiền và những giáo viên giỏi sẵn sàng chuyển đến những trường kém chất lượng hơn sẽ được xem xét trả lương cao hơn.

Mô hình giáo dục tự chủ của Kunskapsskolan có lẽ sớm có mặt ở nước ngoài. Hồi tháng Ba, hai trường trung học công lập ở London xin phép chính phủ để mở một chi nhánh tại Anh, hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận vì, theo luật, các dự án kinh doanh mạo hiểm trong chương trình giáo dục phổ thông ở Anh Quốc đều bị cấm. Kunskapsskolan cũng hy vọng sẽ mở một số trường độc lập giá thấp, dưới sự giám sát của nhà nước, để có thể triển khai toàn diện các kinh nghiệm của họ ở nước Anh.

Mô hình này có rủi ro không?

Kinh doanh giáo dục, xét ở một khía cạnh nào đó, là một ngành kinh doanh an toàn: Giới phụ huynh luôn muốn con cái họ được giáo dục tốt và nhu cầu tương lai trong lãnh vực này tương đối dễ dự báo. Chính vì vậy, lợi nhuận của hệ thống Trường Tri thức tương đối ổn định, trung bình 5-7% mỗi năm. Tuy nhiên, giống như bất kỳ ngành kinh doanh nào với một loại khách hàng duy nhất, thì đều có những rủi ro. Nhất là khi khách hàng đó lại là của nhà nước, thì những rủi ro lớn nhất đều do bởi chính trị mà ra. Giá như chính phủ tương lai, do không ưa gì loại hình trường học này, sẽ thay đổi các luật lệ, thì lúc đó, thị trường non trẻ này sẽ phải chấm dứt.

Tuy vậy, Carl-Gustaf Stawström, giám đốc điều hành của Hiệp hội Các trường Độc lập của Thụy Điển, tỏ ra lạc quan. Ông lý luận rằng những cải tổ này đã trở nên quen thuộc trong giới phụ huynh, và các chính trị gia nếu muốn can thiệp cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Các luật lệ chỉ nên thay đổi theo hướng để các trường tư thục tiếp cận tốt hơn với các phương pháp và chương trình giảng dạy của các trường công lập, hoặc nếu cùng lắm thì cấm các trường này hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Nhưng theo ông Stawström, điều đó nghe thật tồi tệ. Các công ty có thể được chia thành các trường phi lợi nhuận và công ty hoạt động vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ, chẳng hạn như các tài liệu giảng dạy và tư vấn. Khi được hỏi làm sao Hiệp hội có thể cạnh tranh với nhà nước? Ông Stawström cho biết: “Hiện nay chúng tôi có những ngôi trường độc lập có đủ sức cạnh tranh trên cùng một sân chơi chỉ vì chúng rất tốt”.

Thao Nguyễn (theo Economist.com)