itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Trung Quốc mạnh tay cắt giảm lãi suất

Trung Quốc mạnh tay cắt giảm lãi suất

Nhóm thợ đang gắn poster quảng cáo của cửa hàng thời trang ở Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Sau hơn ba tuần tung gói giải pháp hỗ trợ thị trường tài chính trị giá 586 tỷ USD, hôm qua (26/11) Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải cắt giảm lãi suất cho vay với mức mạnh nhất trong 11 năm để ngăn chặn nguy cơ suy thoái.

Lãi suất cho khoản vay thời hạn một năm được hạ 108 điểm cơ bản xuống còn 5,58%. Lãi suất tiền gửi cũng đưa xuống mức 2,52%. Những thay đổi này có hiệu lực hôm nay (27/11). Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với những ngân hàng lớn nhất còn 16%, giảm 1% và có hiệu lực từ 5/12 tới. Với các ngân hảng nhỏ, tỷ lệ này được điều chỉnh còn 14% thay cho mức 16% trước đó. Mức hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc này là nhiều nhất kể từ năm 1999.

Mục đích của đợt cắt giảm lãi suất này là để đảm bảo tình hình thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và hỗ trợ cho thị trường tín dụng. Trung Quốc đóng góp khoảng 27% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2007. Những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn khủng hoảng kinh tế có thể cứu kinh tế thế giới khỏi suy thoái sâu.

Kinh tế Trung Quốc quý III năm nay chỉ tăng trưởng 9%, mức thấp nhất trong 5 năm. Năm ngoái, con số này là 11,9%. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đang ngày càng khó khăn bởi lượng đơn đặt hàng sụt giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2005 và thị trường bất động sản suy yếu. Giá nhà đất tại những thành phố lớn của quốc gia này hạ mạnh, tình hình xây dựng tháng 9 xuống mức tồi tệ nhất từ thập niên 1990.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ để làm dịu tình hình lạm phát và đầu tư tăng trưởng quá nóng. Lần đầu tiên nước này tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm 2008 là ngày 15/09/2008 - ngày ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ.

Ngân hàng Thế giới World Bank cũng hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 7,5% trong năm tới thay vì mức 9,2% trước đó. Đây cũng là con số tăng trưởng thấp nhất trong hai thập kỷ qua của Trung Quốc.

Trương Định (theo Bloomberg,Vne)