itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Đến lượt bưởi Tân Triều bị tranh chấp nhãn hiệu

Đến lượt bưởi Tân Triều bị tranh chấp nhãn hiệu

Sự tranh chấp này giữa… cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN). Sở KHCN Đồng Nai thì muốn DN bỏ bảo hộ độc quyền mà phải dùng chung nhãn hiệu với nông dân sau khi xác lập quyền chỉ dẫn địa lý, bởi cho rằng đây không phải “sáng tạo” của cá nhân.

Nhưng DN bao năm trời gây dựng và có công lớn đưa thương hiệu bưởi Tân Triều rộng khắp trong và ngoài nước, lại đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) cấp bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cho sản phẩm nên không chịu… để bưởi Tân Triều là đặc sản của Đồng Nai…
DN “nhanh chân’’ hơn cơ quan nhà nước
Bưởi Tân Triều vốn là đặc sản có chất lượng cao và hương vị độc đáo trồng tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) với diện tích hiện trên 1.400ha với sản lượng gần 11.000 tấn. Không chỉ trái, các sản phẩm từ bưởi Tân Triều hiện có mặt khắp cả nước, trong các siêu thị lớn mà được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Vừa qua, nhiều diện tích trồng bưởi tại Vĩnh Cửu còn được cấp chứng nhận GlobalGap và VietGap.
Năm 2009, Sở KHCN Đồng Nai đã triển khai dự án “Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu”. Theo sở, sau khi hoàn thành, nhãn hiệu bưởi Tân Triều sẽ được xem là thành quả chung của hàng trăm nông dân trồng bưởi vùng Tân Triều - Vĩnh Cửu.
Tuy nhiên khi hồ sơ đến Cục SHTT, năm 2011, sở “té ngửa” khi cục cho hay, nhãn hiệu “Tân Triều” đã được đăng ký bảo hộ độc quyền số 97289, ngày 11.12.2006 cho DNTN Quê Hương Tân Triều (TP.Biên Hòa - Đồng Nai), nên không thể xác lập quyền chỉ dẫn địa lý.
Chưa ai chịu ai
Trước vấn đề này, Sở KHCN cho rằng địa danh “Tân Triều - Biên Hòa” gắn với sản phẩm bưởi từ lâu là tài sản chung của tỉnh Đồng Nai; là thành quả của hàng trăm nông dân gắn bó với “nghiệp” bưởi ở huyện Vĩnh Cửu. Năm 2004, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở KHCN đã hỗ trợ Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi trong đó có địa danh Tân Triều, Biên Hòa. Do đó UBND tỉnh Đồng Nai đã không cấp phép sử dụng tên địa danh Tân Triều, Biên Hòa như nhãn hiệu hàng hóa hay yếu tố cấu thành nhãn hiệu cho bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Nhưng năm 2006, không hiểu căn cứ thế nào mà Cục SHTT lại cấp bảo hộ nhãn hiệu “Tân Triều” cho DNTN Quê Hương Tân Triều với các sản phẩm không chỉ làm từ bưởi như nem bưởi, trái cây tươi (bưởi, cam, chôm chôm, măng cụt, xoài) nước trái cây, nước ép hoa quả, nước ép bưởi, nước khoáng, nước uống có ga, rượu trái cây, rượu bưởi...
Vì thế, Sở KHCN cho rằng để đúng luật và hài hòa lợi ích thì DN có thể làm đơn bãi bỏ quyền được bảo hộ nhãn hiệu và sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, DN vẫn có thể sử dụng chung nhãn hiệu này với những nông dân khác.
Nhưng DNTN Quê Hương Tân Triều không đồng ý. Bởi một thực tế, nhãn hiệu của DN đã được cơ quan đúng chức năng cấp và suốt từ 2006 tới nay sử dụng hợp pháp. Hơn thế nữa, công tâm ghi nhận, sự nổi danh của bưởi Tân Triều có công đầu và lớn nhất chính là DN.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Sang (GĐDN) vốn sinh ra ngay “rốn” làng bưởi Tân Triều. Với quyết tâm tạo dựng thương hiệu cho bưởi Tân Triều, cuối năm 2003, ông Sang đã thành lập website về bưởi (www. buoibienhoa.vn), lập DNTN Quê Hương Tân Triều với mục đích phát triển đặc sản quê hương. Năm 2004, ông lặn lội ra tận Hà Nội tìm đến Viện KHCN mua máy xử lý ozon xử lý bưởi để bưởi tươi đẹp. Sau đó, ông Sang còn chế biến làm ra hàng loạt sản phẩm từ bưởi như nem, rượu v.v... rồi đem đi triển lãm, dự festival nhiều nơi nhằm quảng bá thương hiệu. Với sự gầy dựng miệt mài đó, bưởi Tân Triều đã có mặt ở khắp các siêu thị lớn như: Maximark, Co.opMart, Big C. Bản thân ông Sang và DN cũng được các phương tiện thông tin đại chúng ghi nhận và ca ngợi là người đầu tiên đưa bưởi Tân Triều xuất khẩu đi khắp các nước như Đức, Hà Lan...
Tìm hiểu của chúng tôi, giữa Sở KHCN và DN đã gặp nhau nhiều lần nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Mới đây, Sở KHCN Đồng Nai đã gửi văn bản lên Cục SHTT nhờ giải quyết.

Theo pnn.vn