itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Doanh nghiệp dệt may “bỏ rơi” sân nhà

Doanh nghiệp dệt may “bỏ rơi” sân nhà

Hệ thống siêu thị Vinatex - nơi chỉ thuần bán các sản phẩm thời trang của Việt Nam - Ảnh: P.Huy

Trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước (đạt 4,8 tỷ USD). Thế nhưng, ngược lại với xuất khẩu, thị trường nội địa đang bị các doanh nghiệp “bỏ rơi”.

“Teo” từ từ

Thời điểm xuất khẩu hàng dệt may gặp khó khăn năm 2008 - 2009, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đua nhau lên kế hoạch quay lại thị trường nội địa. Như một phong trào, hàng chục cửa hàng, đại lý chuyên kinh doanh hàng thời trang Việt Nam được mở ra cùng những thiết kế mới, bộ sưu tập mới... Nhưng đến nay, kết quả kinh doanh của nhiều công ty vẫn chưa tăng đến hai con số, so với mức tăng chung của nhu cầu thị trường, theo tính toán của công ty tư vấn The Path Finder là bình quân 20%/năm. Cụ thể, Legamex chỉ tăng được khoảng 7% so cùng kỳ, Sanding tăng 10% nhờ sản xuất nhãn hàng riêng và hàng may mặc theo đơn đặt hàng của siêu thị Co.op Mart, Vinatexmart, Metro… Doanh thu của cửa hàng Senna thuộc Công ty may Sài Gòn 3 chưa đến 1% so với doanh thu xuất khẩu đạt 900 tỷ đồng/năm...

Đến thời điểm này thì tình trạng “teo từ từ” đã dần lộ rõ. Trong đó, DN thuộc Hội Dệt may thêu đan TP.HCM liên kết mở tại 467 CMT8, Q.10, TP.HCM, đã phải đóng cửa. Hai trung tâm liên kết khác đặt trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh và Đại lộ Đông - Tây cũng đang ế ẩm. Còn nhớ, vào năm 2009, khi khai trương các trung tâm kinh doanh thời trang, những DN tham gia như Legamex, Sài Gòn 2, Gia Định… đều cho rằng, đây là hình thức liên kết phân phối làm tăng khả năng cạnh tranh cho các DN trong ngành, giúp tiết kiệm chi phí mặt bằng, tiện lợi cho khách vì có nhiều mặt hàng, nhiều nhãn hiệu để lựa chọn. Nhưng rốt cuộc là… “cửa đóng then cài”. Ông Dương Kinh Bắc, GĐ kinh doanh thời trang nội địa Công ty Legamex lý giải: DN tham gia rút lui dần. Đã thế, các DN còn lại bán đủ thứ từ hàng cao cấp đến bình dân, từ cũ đến mới… Một nguyên nhân khác có vẻ không thuyết phục, nhưng lại là “tội đồ” quan trọng: đường kẹt xe liên tục, nên không thu hút được sự chú ý của khách hàng .

Nhưng có lẽ, vấn đề thật sự là do các DN không đầu tư đồng bộ cho mẫu mã sản phẩm, cỡ size thì quá ít, có đơn vị chỉ chuyên đưa hàng xuất khẩu còn tồn ra thị trường, dịch vụ bán hàng lại thiếu chăm chút, nên dẫn đến mất khách. Riêng các cửa hàng của Senna, Sanding… có cách trang trí như thời “bao cấp”, hàng hóa bám đầy bụi, mẫu thì ra đời từ năm 2009. Cửa hàng đại lý Legamex trên đường Trường Sơn, Q.10 bày hàng chẳng khác... nhà kho, khách muốn mua loại nào phải hỏi nhân viên mới tìm thấy, sản phẩm quanh quẩn vẫn chỉ là hàng xuất khẩu còn tồn. Quầy thời trang Việt Thắng tại Zen Plaza chưng ra nhiều kiểu áo khoác, đầm, veste mà nhìn vào chất liệu và kiểu may lót nhiều lớp, khách hàng biết ngay đó là các mẫu từ hàng xuất khẩu còn lại, không hợp để mặc ở Sài Gòn… Sản phẩm của dệt may Gia Định thì "im thin thít, lặn mất tăm" trên thị trường.

Vì đâu nên nỗi?

Hệ quả này, suy cho cùng là từ cơ chế điều hành mà ra. Một giám đốc DN dệt may Nhà nước cho rằng, mỗi năm ngành dệt may đều yêu cầu các DN phải đảm bảo chỉ tiêu cho kim ngạch xuất khẩu, chứ không đặt vấn đề doanh thu nội địa, dù việc giành thị trường nội địa được “quán triệt” là chiến lược sống còn. Cũng dễ hiểu vì phương án xuất khẩu đầu tư ít, rủi ro cũng hạn hữu, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận, thậm chí khi có “sự cố” thì vẫn bảo toàn được vốn, vì thế chỉ nhận vài hợp đồng là lãnh đạo công ty có thể rung đùi ngồi chơi. Họ cũng thừa hiểu, lợi nhuận xuất khẩu chỉ 2% - 3% so với sức lao động bỏ ra gấp 5-10 lần, nhưng tham gia thị trường nội địa thì đầu tư lớn, rủi ro cao, phải vắt óc suy nghĩ xây dựng hệ thống thương hiệu, tìm đội ngũ thiết kế giỏi, chọn lựa mặt bằng kinh doanh, quản lý nhân sự có trình độ…

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, vấn đề của một thương hiệu là vấn đề lịch sử (bề dày), trong đó việc tạo ra giá trị sản phẩm còn được xem là di sản của thương hiệu, bởi người ta không chỉ bỏ tiền ra mua quần áo mà còn mua sự tự hào. Nhìn lại những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, hầu hết đều có xuất phát điểm là công ty tư nhân, vì thế họ toàn tâm toàn sức cho nhãn hiệu. Không đâu xa, các thương hiệu thời trang nổi tiếng của VN hầu hết cũng đều là của các DN ngoài Nhà nước, như N&M, An Phước… Hay sự thành công và tồn tại của khu vực designer boutique tại Zen Plaza là do mỗi nhãn hàng là sở hữu riêng của một nhà thiết kế…

Còn những công ty do Nhà nước quản lý thì sao? Mỗi “đời” giám đốc chỉ có một đến hai nhiệm kỳ, chưa đủ để họ kịp có thời gian xây dựng, kiện toàn bộ máy cho DN. Lại còn một tâm lý chung là họ ngại “lỗ” khi đương chức nên chẳng vị nào dại dột đẩy mình vào chỗ khó.

Ngày 18/8 tới, Designer House được khai trương tại Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM, sẽ tập hợp hơn 20 nhà thiết kế tham gia, là mô hình liên kết đang được những người có tâm huyết với thời trang VN thực hiện. Thực tế cho thấy, cửa hàng đại lý bán quần áo may mặc cho một thương hiệu rất khó cạnh tranh trong bối cảnh người tiêu dùng cần sự phong phú, đa dạng để dễ lựa chọn, tiết kiệm thời gian khi mua sắm. Hiện tượng siêu thị hay các chợ thời trang ở Saigon & Quare luôn đông khách cho thấy khá rõ thói quen mua sắm hiện nay.

Nhiều DN thời trang cũng đang có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh doanh của các trung tâm liên kết phân phối thời trang bằng cách mời thêm nhiều công ty tham gia, mặt hàng bày bán nhắm vào đối tượng khách mua sắm nhất định, chứ không rải từ thấp đến cao, thiết kế các mặt tiền tạo được sự thu hút khi nhìn từ xa… Nhưng xem ra, đây chỉ là điều kiện cần, chưa đủ nếu các DN không đầu tư vào nguồn nhân lực thiết kế. Chính vì thế, tâm lý hiện nay của DN là “đi hai hàng” để vừa duy trì việc kinh doanh, vừa giữ được thương hiệu trên thị trường.

Một khảo sát mới đây cho thấy nhu cầu mua hàng may mặc Việt Nam giá rẻ, chất lượng bền tốt hiện đang khá thấp so với nhu cầu về tính thời trang, chất liệu, màu sắc… Điều này đã được các thương hiệu ngoại nhạy bén nắm bắt, còn DN Việt muốn làm được điều này phải đầu tư nhiều năm về cơ sở vật chất, con người. Và như vậy, nỗi lo thời trang VN cứ mãi luẩn quẩn như đã nêu ở trên.

Đức Phong/ Phunuonline