itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Hình thái KT - XH nào cho VN?

Hình thái kinh tế - xã hội nào cho đất nước?

Ảnh minh họa

Khi nói đến phát triển, chúng ta phải tự hỏi rằng phát triển là đất nước đi theo một hình thái kinh tế - xã hội nào?

Đó là vấn đề mà ta cần xác định và tránh sai lầm trong nhận thức.

Lịch sử đã minh chứng rõ ràng và cụ thể con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là đúng đắn và phù hợp với đất nước ta. Nó đã đưa đất nước ta từ vị trí nghèo hèn trở thành một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng, chính trị ổn định và có uy tín trên trường quốc tế. Vấn đề là chúng ta phải hoạch định như thế nào trong tương lai để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp như Đại hội X đã xác định.

Bạn Hà Anh Tuấn, Đại học quốc gia Úc đã đưa ra hai vấn đề cho triết lý phát triển, đó là: mô hình dân chủ phương Tây ở Việt Nam và vấn đề chống tham nhũng hiện nay. Ở vấn đề thứ nhất, tôi hoàn toàn nhất trí với bạn. Dân chủ ở đây, chúng ta ngầm hiểu rằng dân chủ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, trong sự lãnh đạo toàn diện và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể ai đó so sánh đất nước ta với những nước phương Tây khác và cho rằng, chúng ta không có được dân chủ như họ là khập khiễng.

Trong mô hình chính trị đa nguyên đa đảng ở các nước phương Tây, mỗi đảng phái đều tranh đấu vì lợi ích của mình, sẵn sàng tiến hành các hoạt động nhằm tạo thanh thế cho mình nhưng tựu trung các đảng phái chính trị chỉ mang lại lợi ích cho một số ít.

Đối với Việt Nam, Nhà nước chúng ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy dân làm gốc. Kể từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã giành nhiều thắng lợi to lớn, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Vì thế, nền dân chủ ở Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, đứng trước vận hội và thách thức khi nước ta gia nhập WTO, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước cần đổi mới nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong nhận thức. Tôi mạnh dạn cho rằng, chúng ta đôi lúc “ngủ quên trên vinh quang” khi chúng ta ngây ngất với những chiến công vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến thần thánh.

Truyền thống dân tộc là điều thiêng liêng và mỗi con người đều tự hào, nhưng nếu lấy điều đó ra để tự bảo nhau rằng “Chúng ta anh hùng trong chiến đấu thì hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể đưa nền kinh tế đi lên, ngang tầm với khu vực và thế giới”, thì chúng ta cần xem lại.

Lịch sử đã bước sang một trang mới, vận mệnh đất nước đã đổi thay. Nền kinh tế nước ta ngày một đi lên nhưng trong khu vực và thế giới, chúng ta còn những hạn chế nhất định. Vì thế, đối thủ không chỉ là các tập đoàn kinh tế, những công ty đa quốc gia mà quan trọng hơn là chúng ta chiến thắng tư tưởng tự mãn trong mỗi chúng ta. Có như thế, đất nước ta mới cất cánh được trong tương lai.

Về vấn đề chống tham nhũng, tôi nghĩ, chúng ta nói nhiều hơn làm và có làm cũng chưa mạnh. Thật sự những vụ án tham nhũng đều được phát hiện từ các cơ quan báo chí và từ nhân dân chứ ít khi từ các cơ quan nhà nước. Luật phòng, chống tham nhũng ra đời và có hiệu lực thi hành nhưng triển khai thực hiện thì chưa được bao nhiêu mặc dù đã có sự đôn đốc, nhắc nhở của Chính phủ.

Đảng đã xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ lớn của đất nước và đang nỗ lực để phòng chống tham nhũng. Có chống tham nhũng hiệu quả thì nhân dân mới có niềm tin mà chung tay xây dựng đất nước.

Tôi cho rằng, với bộ máy hành chính cồng kềnh như hiện nay đã vô hình chung tạo ra hiện tượng cửa quyền, sách nhiễu và người dân khi tham gia vào các hoạt động hành chính cũng tự hiểu rằng “văn hóa lót tay mới bôi trơn được”. Cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí phải song hành và quyết liệt là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Dễ nhận thấy rằng, các bộ, tổng công ty và các cơ quan có thu là những nơi dễ xảy ra tham nhũng và chúng ta đang tập trung giải quyết vấn đề này. Cụ thể, những PMU18, chạy Quota… là những điển hình cho tham nhũng kiểu “đại gia”.

Nhưng ở cấp xã, phường, thị trấn, tôi nhận thấy vẫn có sự tham nhũng. Đó là sự hách dịch, đòi hỏi của cán bộ khi tiếp dân. Ông bà đã nói “Ăn cắp quen tay”, nếu chúng ta không có sự điều chỉnh kịp thời những con người này thì khi họ đảm nhận những vị trí công tác cao hơn, hấp dẫn hơn, không ai biết họ sẽ làm gì đây? Do vậy, chống tham nhũng cần đồng bộ, chặt chẽ, từ thấp đến cao và cần sự tham gia của toàn xã hội.

Nguyễn Việt Dũng