itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Lắt léo thương hiệu cam Cao Phong

Lắt léo thương hiệu cam Cao Phong

Cam chín bạt ngàn dưới chân núi, đỏ cả những triền đồi... Lại một năm nữa huyện Cao Phong (Hòa Bình) được mùa. Cam ở vùng này ngon ngọt nhưng vẫn "đau" khi phải khoác thương hiệu của các loại cam khác mới được thị trường chấp nhận...

Cao Phong đang vào mùa thu hoạch cam. Những chiếc xe tải từ Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội... đổ về đưa cam Cao Phong đi khắp mọi miền đất nước. Anh Phạm Hồng Sơn, đội trưởng đội Tân Phong (xã Tân Phong), nói: "Có thể năm nay giá cam trung bình là 5.000đ/kg như năm ngoái, bà con chắc thắng lớn!".

Toàn huyện Cao Phong hiện có gần 360ha đất trồng cam các loại, tập trung nhiều ở xã Tân Phong và thị trấn Cao Phong. Nếu năm 2000 Cao Phong thu hoạch 700 tấn cam, thì đến năm 2006 sản lượng đã đạt trên 2.000 tấn. Theo ông Bùi Văn Kẹn - giám đốc Công ty Rau quả nông sản Cao Phong, dự kiến năm 2007 sản lượng cam của Cao Phong đạt gần 3.000 tấn. Tuy nhiên, nếu như cam Cao Phong có thương hiệu thì giá bán không chỉ dừng lại ở đó, có thể tăng cao hơn rất nhiều.

Được mùa

Chị Trần Thị Mai (đội 6, thị trấn Cao Phong) cứ tỉ mẩn nhặt từng trái cam đặt vào chiếc thúng. Này là trái căng mọng, này là quả vỏ đỏ tươi... Chị cầm trái cam lên khoe về một mùa bội thu. Chồng chị, anh Hùng, nói xen vào: "Đấy, bà nhà tôi mê cam cứ như mê chồng vậy".

Giữa khu vườn rộng với hơn 300 cây cam trĩu quả đang vào mùa thu hoạch, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt vợ chồng chị Mai, ước chừng năm nay họ sẽ thu hoạch được 40-45 tấn quả. Trừ chi phí nhân công và các khoản khác, anh chị cũng lãi 100 triệu đồng. Số tiền này đối với nông dân là "cả một ước mơ”.

Ở Cao Phong, những hộ có diện tích trồng cam thu nhập vài trăm triệu đồng/năm như gia đình chị Mai rất nhiều. Có những hộ như gia đình anh Hà Ngọc Tuyền (đội 7, thị trấn Cao Phong), người vài năm trước đã "liều" rước giống cam canh (Hoài Đức, Hà Tây) về trồng, đã "thắng quả” đậm. Theo lời "khiêm tốn" của anh Tuyền thì "sơ sơ cũng thu được hơn 300 triệu đồng/năm". Cam canh trồng ở Cao Phong rất ngon, giá bán tại vườn đã là 20.000đ/kg, nên câu chuyện 1 tỉ đồng/ha cam là trong tầm tay.

Nỗi khát thương hiệu

Chẳng là cam Cao Phong có nguồn gốc từ giống cam xã Đoài (Phủ Quỳ, Nghệ An), khi mang ra Cao Phong trồng thì hợp nước hợp đất thế nào mà quả cứ to, cành cứ trĩu, hơn hẳn cam gốc. Câu chuyện về thời hoàng kim của nó vẫn còn là niềm tự hào của những người trồng cam Nông trường Cao Phong giai đoạn 1970-1980.

Hồi ấy, loại cam này chẳng những nức tiếng miền Bắc mà còn "vượt biên" đến tận Liên Xô và các nước Đông Âu. Năm 1980, cây cam bắt đầu tụt dốc, nhiều vườn cam bị đốn trong một khoảng thời gian ngắn, đời sống hàng trăm công nhân Nông trường Cao Phong trở nên khó khăn. Tên tuổi cam Cao Phong "lặn" luôn từ dạo ấy.

Đến đầu những năm 1990, với cơ chế giao khoán diện tích đất trồng cho công nhân, loại cam này đã trở lại góp mặt trên thị trường các tỉnh thành phía Bắc. Tuy nhiên, nhiều năm qua nó vẫn bị "dặt dẹo" về tên tuổi. Ông Kẹn - giám đốc Công ty rau quả Cao Phong - kể khi ông mang cam Cao Phong đi tham dự hội chợ ở Hải Phòng, nhiều người khen cam ngon nhưng quả quyết với ông đó là cam Trung Quốc.

Bởi vậy, cam Cao Phong không đường đường chính chính ra thị trường được, đành phải chạy theo một cung đường lắt léo. Từ vườn cam Cao Phong, các chủ buôn ở Vinh mua về và dán nhãn mác cam Vinh (một loại cam nổi tiếng ở phía Bắc) để dễ tuồn vào các siêu thị với giá bán cao hơn. Một số thương lái khác dán nhãn Trung Quốc cho cam Cao Phong rồi đem bán ở Hà Nội, Hải Phòng.

Câu chuyện thương hiệu cho cam Cao Phong đã được đặt ra nhiều năm, nhưng đến giờ vẫn mờ mịt. Kể cả có thương hiệu rồi thì vấn đề kỹ thuật bảo quản cũng chưa có lời giải, Cao Phong chưa có cách nào để giữ cam khỏi hỏng sau vài ngày rời cành.

Theo Tuổi Trẻ