itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Miền Tây: Trái cây cao giá, nhà vườn không vui

Miền Tây: Trái cây cao giá, nhà vườn không vui

Đầu mùa trái năm nay, hợp tác xã vú sữa lò rèn Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) trúng lớn với giá bán bình quân 110.000đồng/kg. Năm ngoái, đơn vị này đã xuất khẩu 10 tấn vú sữa sang thị trường Anh.

Mùa trái năm nay, các đối tác này tăng khối lượng trái theo hợp đồng lên 50 tấn. Thêm vào đó, các đơn hàng mới của các khách hàng Singapore khiến cho đơn vị này ít nhiều lo lắng cho các mùa trái tiếp theo. Lý do là biến đổi khí hậu tác động lớn đến người làm vườn.

Sản lượng giảm

Hợp tác xã (HTX) vú sữa lò rèn Vĩnh Kim có tổng diện tích khoảng 2.800ha, trong số này có hơn 55ha canh tác theo quy chuẩn Global GAP. Ông Nguyễn Văn Ngàn, chủ nhiệm HTX cho biết, nếu thời tiết ủng hộ, tổng sản lượng trái hàng năm cầm chắc mức 30.000 tấn thì có khoảng 400 tấn sản xuất theo chuẩn quốc tế đã xây dựng. Tuy nhiên mùa trái năm 2010 là một nỗi buồn của nhà vườn trồng vú sữa ở Vĩnh Kim.

Ông Ngàn nói rằng, mùa nắng năm rồi người làm vườn ở Vĩnh Kim cảm nhận rõ nhất những bất lợi từ yếu tố tự nhiên. Mùa khô kiệt nước, cây phải chống chịu với nước phèn. Nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập vào các sông rạch nhỏ. Thêm vào đó, nhiệt độ ngày nắng tăng quá cao khiến cây vú sữa khó đậu trái. Những trái non may mắn còn lại trên cây trong đợt ra bông lần thứ 2 đã kéo mùa vụ trễ hơn một tháng lại còn èo uột chậm lớn.

Theo đánh giá của ông Ngàn, kích cỡ trái vú sữa năm nay nhỏ hơn mọi năm khoảng 20%, cộng với kết quả đậu trái giảm sút nên sản lượng trái năm nay chỉ đạt khoảng 70% so với các năm. Tỉnh ven biển Bến Tre, tình trạng xâm mặn còn nặng hơn. Phần lớn diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh này tập trung ở huyện Chợ Lách. Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết, chỉ có khoảng 30% diện tích trong tổng số gần 9.600ha vườn cây ăn trái ở huyện được bảo vệ an toàn trong các vùng đê bao. Năm ngoái, xâm nhập mặn sâu vào các nhánh Cửu Long, tất cả diện tích ngoài đê bao đều ít nhiều bị mặn tấn công.

Ở Đồng Tháp, ông Lê Văn Tâm, chủ tịch hội Làm vườn buồn xo khi gần 1.200ha quýt hồng ở huyện Lai Vung sản lượng trái năm nay ước khó đạt 30.000 tấn, so mức hàng năm xấp xỉ 40.000 tấn trái, do năm rồi nhiệt độ không khí tăng cao, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, mưa lại thất thường... Vậy mà vẫn còn đỡ hơn các nhà vườn trồng xoài ở huyện Cao Lãnh. Tỷ lệ đậu trái của cây xoài Cao Lãnh năm nay đạt dưới 50%. Mấy năm trước, với 23.000ha xoài mỗi năm, nhà vườn toàn tỉnh Đồng Tháp thu tổng sản lượng hơn 130.000 tấn trái. Nhưng năm nay, nếu đạt mức 80.000 tấn là một may mắn lớn. Ông Tâm nói, năm nay nhà vườn Đồng Tháp bị thiên tai giáng họa.

Chủ nhiệm HTX vú sữa lò rèn Vĩnh Kim lo lắng, cứ cái đà trái đất nóng lên này, điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt, mùa sau lại tiếp tục thất bát hơn mùa trước. Khổ nỗi, trồng cây ăn trái phải tính bằng năm chứ làm sao tính toán từng vụ 3 tháng như trồng lúa (?).

Mất 17 tỉ USD mỗi năm vì biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 280.000ha cây ăn trái, cung cấp 70% sản lượng trái cây cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sự gia giảm về năng suất có đảm bảo giữ được tổng sản lượng 2,5 - 2,7 triệu tấn/năm trong những năm tiếp sau nữa hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Lan, đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đánh giá, biến đổi khí hậu đang xảy ra một cách nhanh chóng và tác động bất lợi rõ rệt đến nông nghiệp, nhất là khoảng 5 năm gần đây. Bà Lan cho rằng, hiện tượng El Nino và La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ với tần số nhiều hơn và cường độ mạnh hơn. Tác động biến đổi khí hậu làm gia tăng tần số, cường độ, tính biến động và cực đoan của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, tố, lốc; các thiên tai liên quan đến nhiệt độ và lượng mưa như khô nóng, lạnh giá, hạn hán, xâm mặn, ngập úng... Do vậy, biến đổi khí hậu tác động lớn đến thời vụ gieo trồng, tốc độ sinh trưởng, tăng nguy cơ sâu bệnh… làm giảm năng suất cây trồng.

Tổng cục Môi trường dẫn nguồn dự báo từ Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC), nhiệt độ sẽ gia tăng +1°C vào những năm 2010 – 2039; và +3°C đến +4°C vào 2070 – 2099. Cùng thời gian này, mực nước biển dâng cao 6cm mỗi năm, đạt mức 20 cm vào 2030, và 88 cm vào 2100.

Theo tính toán của tổ chức này, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì Việt Nam sẽ thiệt 17 tỉ USD mỗi năm, 1/5 dân số mất nhà cửa. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập mặn và lũ lụt chưa từng thấy, ngay cả TP.HCM cũng bị thiệt hại nặng nề vì ngập lụt do triều cường… Tuy nhiên, đó chỉ mới là những dự báo mang tính lý thuyết trên cơ sở phỏng đoán, nếu như không kết hợp thêm tác động từ các thiên tai xảy ra bất ngờ. Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (đại học Cần Thơ), nếu nước biển dâng 1m thì 38,5% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, tương đương khoảng 11.500 cây số vuông, bị ngập. Toàn bộ các sông khu vực này cũng sẽ bị nhiễm mặn và hầu như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều bị ngập. Tỉnh Bến Tre ngập nặng với 51% diện tích, Long An ngập 49,4% và TP.HCM cũng bị ngập 43%. Mưa lớn bất thường (lượng mưa lớn hơn 100 mm/ngày) tập trung các vùng ven biển bán đảo Cà Mau, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu…

Đầu năm 2010 là một minh chứng, mới thời điểm giữa tháng 3, theo ghi nhận của tổng cục Môi trường (bộ Tài nguyên môi trường) độ mặn đo được ở Gò Công Tây (Tiền Giang) đã là 6,65‰, cao hơn 1998 là 1,6‰; tại Cầu Nổi (Gò Công Đông - Tiền Giang) 9,89‰; tại Lộc Thuận (Bến Tre) độ mặn tăng lên 10,4‰, tại Mỹ Thanh – Sóc Trăng độ mặn lên đến 23,9‰. Ở từng địa phương, độ mặn tăng cao và tiến sâu vào sông rạch, tác động xấu đến toàn ngành nông nghiệp, trong đó có nghề làm vườn. Rồi gần đây là những trận mưa trái mùa kèm theo gió lốc cùng với nhiều tác động khác đã khiến nhà vườn lo rầu chuyện thất mùa ngay cả đang trong lúc đang trúng giá trái cây.

Theo SGTT