itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / 5 cây cầu thể hiện sự chuyển mình của Việt Nam

5 cây cầu thể hiện sự chuyển mình của Việt Nam

Cây cầu là biểu tượng của quốc gia, là sự chuyển mình về kinh tế của đất nước và là cầu nối của Việt Nam với thế giới.

Khi nền kinh tế tăng trưởng đều đặn, cho phép một đất nước hẹp và dài như Việt Nam với rất nhiều dãy núi bắt nguồn của nhiều sông suối, kênh rạch chằng chịt với hệ thống giao thông phát triển, nhiều công trình thiết kế, xây dựng như các cây cầu thì một Viện bảo tàng cho riêng ngành thiết kế, xây dựng cầu chắc chắn sẽ thành hiện thực. Bởi, các công trình thiết kế kiến trúc cầu ở nước ta rất đa dạng, mang hình thức kiến trúc và cả Quy trình kỹ thuật của nhiều Quốc gia trên thế gíơi như: Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Liên bang Đức, Nga, Úc …

Cầu Mỹ Thuận

Tổng chiều dài 1.535 mét, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam: cầu Mỹ Thuận trở thành một công trình thể kỷ của sự hợp tác giữa những chuyên gia hàng đầu, kỹ sư và công nhân hai nước: Việt Nam - Úc. Hiện nay mỗi ngày có khoảng trên 13.000 tấn hàng hóa được lưu thông qua nó và tiết kiệm cho Việt Nam cả hơn hằng trăm tỉ đồng mỗi năm. Không chỉ đem lại những giá trị thiết yếu về mặt giao thông và kinh tế, cầu Mỹ Thuận thật sự đã đáp ứng lòng mong mỏi và hy vọng của tất cả mọi người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Bên cạnh đó, chiếc cầu này con mang một nét tuyệt vời về giá trị thẩm mỹ, thu hút khách du lịch từ mọi miền đất nước. Và trên hết, công trình này chính là một thành quả, một niềm hãnh diện của người dân Việt sau 30 năm thống nhất đất nước.

Cầu sông Hàn

Đà Nẵng có biển, và vốn nơi nào có biển, nơi đấy cũng có một chất mặn mòi. Từ trên cao nhìn xuống, đường bờ biển Đà Nẵng xanh và cong như một bờ lưng con gái thon thả. Thế nhưng có lẽ nét mềm mại nhất của Đà Nẵng không nằm ở biển, mà chính ở sông Hàn.

Cây cầu bắc qua sông Hàn là một trong những cây cầu đẹp nhất, và cũng đặc biệt nhất Việt Nam. Người ta gọi nó là cầu Sông Hàn, hoặc một cái tên giản dị và thân thiết hơn: Cầu quay. Cái tên này nếu người nào chưa biết sẽ thấy tò mò, còn khi biết rồi, thì lại thấy cái tên đó thật ... đúng. Vào 1h30 hằng đêm, các khớp nối của cây cầu rời ra, và cây cầu sẽ tự động xoay một vòng. Đến khoảng 4h, thì cây cầu lại quay trở lại vị trí cũ. Người ta nói rằng, đó là để cho tàu bè qua lại được dễ dàng và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Cầu Trường Tiền

Nằm giữa thành phố Huế, vắt ngang qua dòng Hương cổ kính và thơ mộng, cầu Trường Tiền (hay cầu Tràng Tiền) đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố Huế và đi vào trong thơ ca nhạc họa, trong tình yêu và nỗi nhớ của mỗi người dân xứ Huế khi đi xa, của mỗi bước chân lữ khách khi dừng bước ghé thăm trong hành trình của mình...

Vào những đêm cuối tuần, cầu Trường Tiền nổi bật và rực rỡ trong bộ cánh lấp lánh đủ sắc màu của ngàn ánh điện lung linh.

Đi thuyền trên sông Hương và ngắm sắc màu cầu Trường Tiền trong đêm, càng cảm nhận thêm sự trầm lắng nhưng sâu nặng những ân tình từ cảnh và người nơi đây...

Cầu Rạch Miễu

Cầu có tổng chiều dài 8.331m, trong đó xây dựng cầu Rạch Miễu dài 1.878,4m được thiết kế với nhịp cầu dây văng, rộng 12-15m và trụ tháp cao 110m; cầu số 2 có chiều dài 990m; cầu Ba Lai dài 241,4m; còn lại là đường dẫn vào cầu và bốn nút giao thông. Công trình được đầu tư theo phương thức BOT với tổng kinh phí 998,4 tỉ đồng. Cầu Rạch Miễu là cầu dây văng đầu tiên do chính người VN thiết kế và xây dựng.

Khách ghé thăm cầu đa phần ở miền Tây, đông nhất là người Bến Tre, Tiền Giang. Nhiều người không giấu niềm tự hào về chiếc cầu “made in Việt Nam” trên quê hương Đồng Khởi.

Khu vực có nhiều người tụ tập nhất là phần chóp uốn cong trên thân cầu. Từ vị trí này có thể phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng để ngắm nhìn dòng sông cuộn chảy và những dãy cồn xanh biếc nhộn nhịp khách du lịch.

Cầu Thủ Thiêm

Cầu Thủ Thiêm hoàn thành góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của TP HCM, kết nối trung tâm thành phố với bán đảo Thủ Thiêm, biến bán đảo này thành một khu đô thị mới hiện đại. Cây cầu cũng giúp liên kết mạng lưới giao thông giữa TP HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, giải quyết được một phần bức bách nâng cấp hạ tầng cơ sở trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, với kết cấu kiểu dáng đẹp cùng với các hạng mục được thiết kế mỹ thuật, cầu Thủ Thiêm trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu, góp phần tạo nên mỹ quan đô thị của TP HCM.

Nhiều chuyên gia về đô thị hy vọng, trong tương lai, bán đảo Thủ Thiêm nghèo nàn xưa kia sẽ trở mình thành phố Đông Sài Gòn, tương tự như phố Đông Thượng Hải - một thành phố có quan hệ kết nghĩa với TP.HCM từ năm 1999 - để trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ quan trọng.

Từ trên cao nhìn xuống, cầu Thủ Thiêm có hình dáng như cung tên mà mũi tên đang hướng thẳng về phía đông, sẵn sàng vươn tới tầm xa.

H.N (tổng hợp)