itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Cho vay tiêu dùng tín chấp: Người vay tiền đang bị “bóp cổ” !

Cho vay tiêu dùng tín chấp: Người vay tiền đang bị “bóp cổ” !

Nhiều ngân hàng (NH) cho vay tiêu dùng tín chấp, hạn mức lên tới hàng trăm triệu đồng, điều kiện vay đơn giản, lãi suất từ 0,75% - 1,15%/tháng. Thấy “hấp dẫn”, người dân rủ nhau đi vay. Thế nhưng, trên thực tế người vay phải gánh chịu lãi suất cao hơn so với lãi suất mà NH đưa ra.

Chưa sòng phẳng

Ngày 20-11, anh Châu Hải, nhân viên một công ty viễn thông, đến NH Sài Gòn – Hà Nội (SHB) tìm hiểu vay vốn tiêu dùng. Tại đây, hạn mức cho vay lên đến 300 triệu đồng, thời hạn từ 12 đến 60 tháng, lãi suất 0,75% - 0,85%/tháng tính theo dư nợ ban đầu suốt thời gian vay. Đối tượng vay là CB-CNV, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, có xác nhận của đơn vị làm việc,...

Anh Hải đề nghị vay 100 triệu đồng. Một nhân viên tín dụng cho biết: Với mức lương 3 triệu đồng/tháng, NH chỉ cho vay 24 triệu đồng. Anh thắc mắc: “Người vay có đủ chứng từ chứng minh thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, liệu NH có chấp thuận giải ngân?”.

Lúc này, cán bộ NH giải thích rằng người vay phải có mức lương tối thiểu 10 triệu đồng/tháng. Cơ sở để NH quyết định hạn mức cho vay là mức lương chính thức. Việc khách hàng có thêm thu nhập ngoài lương chỉ là yếu tố phụ để NH xem xét tăng hạn mức cho vay.

Theo một cán bộ NH An Bình (ABBANK), phần lớn các NH không áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng theo dư nợ giảm dần. Người vay chỉ được vay số tiền gấp 10-12 lần mức lương, lãi suất tính theo dư nợ ban đầu, vốn và lãi trả góp hằng tháng. Riêng hạn mức vay 200 triệu đồng của ABBANK, người vay phải có mức lương 17 triệu đồng/tháng.

Tiếp xúc với một số khách hàng, hầu hết đều tỏ ra thất vọng khi vay vốn tiêu dùng. Họ cho rằng lãi suất mà các NH đưa ra thoạt nghe cứ tưởng là thấp nhưng thực ra ngang bằng với lãi suất cho vay có thế chấp tài sản; cách tính lãi suất theo dư nợ ban đầu là chưa sòng phẳng bởi mỗi tháng họ đã trả một phần vốn cho NH.

Điều kiện vay với số tiền lớn mà NH đặt ra chỉ có những người có thu nhập cao mới đáp ứng được. Ngay cả các nhân viên NH cũng thừa nhận đối tượng được vay số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng là rất ít.

Cần tiền, đành phải chịu

Theo tính toán của chị Lê Thị Ngân, nhân viên kế toán một công ty giao nhận vận tải, với số tiền vay 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, lãi suất 0,83%/tháng, mỗi tháng chị trả góp 5 triệu đồng, tổng cộng phải trả cả vốn lẫn lãi 120 triệu đồng. Toàn bộ quá trình trả nợ đều bị tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, dù số tiền vay gốc đã giảm dần.

Nếu so sánh cách trả trên dư nợ ban đầu với dư nợ giảm dần (nghĩa là số tiền gốc được giảm theo mỗi lần người vay trả) thì người vay chỉ trả khoảng 110,8 triệu đồng, chênh lệch hơn 9,2 triệu đồng. Đó là vay số tiền lớn nên được hưởng lãi suất vừa phải, nếu vay từ 20-30 triệu đồng chắc chắn lãi suất sẽ cao hơn.

Một khách hàng khác lập luận: “NH cho vay tiêu dùng như sửa chữa nhà, mua ô tô... có thế chấp tài sản được trả theo dư nợ giảm dần, nhưng lãi suất lại cao hơn vay tín chấp, suy cho cùng cũng như nhau. Quả là bất hợp lý khi khách hàng đã trả vốn và lãi từng tháng mà lãi suất vẫn bị tính theo dư nợ ban đầu”.

Theo các chuyên gia tài chính, mặc dù lãi suất được tính theo cách thức trên song người ta vẫn ồ ạt vay. Người vay phải chịu lãi suất gần gấp đôi, trong khi ít khách hàng biết được sự lắt léo này. Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên người dân đành chấp nhận vay tín chấp với cách tính lãi suất mà nhiều NH đang áp dụng.

Theo NLĐ