itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Dự báo Kinh tế Việt Nam phục hồi từ cuối năm 2009

Dự báo Kinh tế Việt Nam phục hồi từ cuối năm 2009

Tiêu chí nhận định nền kinh tế đã hồi phục là tỷ lệ việc làm tăng lên

Ngày 20.6, gần 80 diễn giả gồm các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính cả nước đã đưa ra nhiều đánh giá về khả năng phục hồi và triển vọng kinh tế Việt Nam hậu khủng hoảng tại hội thảo do Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM tổ chức.

Theo GS-TS. Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM: Nhìn vào mức tăng trưởng kinh tế do Chính phủ điều chỉnh từ 6,5% xuống 5% (năm 2009) có thể có nhiều nhận định khác nhau về khả năng phục hồi của kinh tế VN. Song, xét trên 2 nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến suy giảm kinh tế thì kinh tế nội sinh đang có chuyển biến tích cực (tăng 2,8%), còn ngoại lực vẫn là trở ngại lớn mà tiêu điểm của ảnh hưởng đó là sự giảm sút đáng kể lượng kim ngạch xuất khẩu, đang chiếm giữ khoảng 70% GDP của VN; theo đó là sự biến động bất lợi của tỷ giá hối đoái, dẫn đến diễn biến khó lường của giá vàng và những yếu tố khác làm cản ngại cho sự phục hồi kinh tế.

Vốn đầu tư nước ngoài được duy trì 5 tháng đầu năm lên đến 6,8 tỉ USD. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cho ra sản phẩm và sẽ đưa vào hoạt động 15 nhà máy điện cùng nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng nhưng tăng chậm và sự hồi phục thị trường chứng khoán với chỉ số Vn-Index trên 470 điểm trong khi 94/116 quốc gia không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn nằm trong 22 quốc gia có mức tăng trưởng dương (dù thâm hụt ngân sách có thể là 8%).

Theo GS-TS. Nguyễn Thanh Tuyền: Từ những dữ liệu trên cùng với nhận định của đại diện Ngân hàng Thế giới “kinh tế Việt Nam có dấu hiệu phục hồi”, dự báo phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ trải qua hai bước: Bước 1 là thời kỳ khởi đầu của phục hồi diễn ra từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Bước 2 là thời kỳ phục hồi diễn ra từ năm 2011.

Tín hiệu khả quan của kinh tế Việt Nam còn thể hiện qua việc đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng của VN trong 10 năm tới của Tổ chức Giám sát Doanh nghiệp (DN) quốc tế (BMI).

Ngoài ra, tốc độ tăng nhập khẩu hằng năm sẽ giảm xuống còn khoảng 10%, dưới mức tăng xuất khẩu sẽ làm thay đổi cán cân thương mại khi Việt Nam sản xuất được ô tô, hàng tiêu dùng...

Các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ rất khiếm khuyết nếu nói khủng hoảng tài chính chỉ để lại những hậu quả tiêu cực. Nếu tỉnh táo nhận diện sẽ có nhiều cơ hội đi kèm, trong đó nổi lên hai cơ hội cải cách, tái cấu trúc kinh tế và cơ hội đón đầu tăng trưởng. Những thời cơ ở giai đoạn hậu khủng hoảng đó là đổi mới tư duy tăng trưởng kinh tế chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên thô, nguồn nhân lực chất lượng thấp... chuyển sang tăng trưởng kinh tế chiều sâu, dựa vào các yếu tố năng suất tổng hợp.

ItaExpress (tổng hợp)