itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đầu tư ngoại, tư vấn ngoại và "bộ lọc"

Đầu tư ngoại, tư vấn ngoại và "bộ lọc"

Tuần qua, bên cạnh con số "giật mình" của mức tăng giá xăng 31%, một con số khác được công bố, 45 tỷ USD cam kết đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã khiến nhiều người phải chau mày tư lự. Nên mừng hay nên lo, lợi hay hại, cả trước mắt và trong dài hạn là vấn đề khó xác định vào thời điểm này.

FDI vẫn chảy về VN là lợi lớn hay hại to là điều khó xác định vào thời điểm này.

Một nước Việt Nam nhỏ bé, với 70% dân số là nông dân nhưng lại có tới 120 sân golf với diện tích khổng lồ để phục vụ ai, hay chỉ là những dự án chiếm đất? Hàng loạt dự án nhà máy lọc dầu được cấp phép mới trong khi nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam vẫn chưa đi vào hoạt động sau 10 năm... Ở rẻo đất miền Trung nhỏ nhưng chi chít cảng biển, mà cảng nào cũng nhỏ.

Đã có những dự án mà thực chất chỉ là "bánh vẽ" với những con số thổi phồng về vốn cam kết, cũng như viễn cảnh lợi nhuận cho nhà đầu và nước chủ nhà. Và cũng có không ít dự án FDI mà bản thân nó thay vì mang tiền vào Việt Nam lại dùng chính đất đai của Việt Nam và lòng tin vào nhà đầu tư ngoại của các ngân hàng thế chấp cho ngân hàng Việt Nam, rút vốn ra, chèn ép khả năng tiếp cận vốn của các DN dân doanh Việt Nam hiện đang gặp khó, một kiểu mà theo bà Chi Lan gọi là "dự án cướp ngân hàng". Bà Chi Lan cho biết, ở Đà Nẵng đã có dự án khiến một ngân hàng quốc doanh đổ tới 30% vốn vào.

Lớn hơn, hiện nay có rất nhiều những dự án hàng nghìn tỷ USD đang ngấp nghé vào Việt Nam. Một ý tưởng đầu tư nước ngoài lớn kéo theo một loạt hạ tầng mới, mà không ít trong số đó phá vỡ quy hoạch được dày công vạch ra theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đó là chưa tính đến những dự án mà đối tác không thực sự muốn đầu tư, không nghiêm túc làm, chỉ đăng kí để bán giấy phép dự án.

Những thực tế đó đang làm đau đầu các chuyên gia kinh tế và giới hoạch định chính sách Việt Nam. Ứng xử như thế nào với các dự án FDI đặt Việt Nam vào tính thế tiến thoái lưỡng nan và đòi hỏi chính sách thích ứng với những vấn đề mới phát sinh, bên cạnh những vấn đề đang nóng lên từng ngày như đình công trên diện rộng, ô nhiễm môi trường...

"Đây là giai đoạn có nhiều biến động và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chính sách, do đó rất cần học tập kinh nghiệm nước ngoài", ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương CIEM nói.

Một nước nhỏ như VN nhưng có 120 dự án sân golf sẽ dành cho ai sử dụng?

Những nghiên cứu đã bước đầu được tiến hành, mà một trong những kết quả ban đầu của nó đã trở thành vụ xì căng đan về tư vấn nước ngoài trong tuần qua, khi những người Việt Nam có mặt tại hội thảo đều thất vọng vì nghiên cứu của chuyên gia "ngoại", các chuyên gia Việt Nam phản pháo, bắt lỗi tư vấn nước ngoài và vị này chỉ biết lặng lẽ phân trần "tôi không thể biết sâu về Việt Nam".

"Việt Nam cần phải biết đặt hàng đúng và trúng", một chuyên gia tư vấn người Việt từng nhiều năm làm việc ở nước ngoài nêu. Thế nhưng, trong trường hợp này, khi ông Nguyễn Đình Cung, trưởng dự án đã đưa rõ đơn đặt hàng với những câu hỏi cần lời giải, thì thất vọng vẫn là cảm giác chung.

Ông Cũng băn khoăn, về mặt quy trình, việc tuyển chọn đã được làm rất kỹ lưỡng, qua nhiều khâu, nhiều vòng, với sự tham gia của nhiều bên sàng lọc, nhưng kết quả làm việc thực tế thì vẫn chưa thể đảm bảo. Được lựa chọn từ 400 hồ sơ đăng kí, qua nhiều vòng lựa chọn, cuối cùng là phỏng vốn qua video, ông Terlier Herve, người 20 năm kinh nghiệm làm tư vấn quốc tế vẫn thất bại tại Việt Nam, mà lí do, theo bà Phạm Chi Lan, chính ở việc "thiếu các nghiên cứu tại chỗ".

Chỉ ở Việt Nam 20 ngày cho một bản báo cáo dày 86 trang được đánh giá đặc biệt quan trọng, dự kiến sẽ trình lên Chính phủ vào thời điểm đặc biệt, khi kinh tế gặp khó khăn của Việt Nam vẫn thu hút được lượng FDI khổng lồ, ông Terlier Herve cũng "ngạc nhiên vì tôi làm một mình", khi bản thân ông có sự khác biệt về ngôn ngữ.

Thông thường, trong 20 năm làm tư vấn, ông ở tại nước đó ít nhất 6 tháng, làm việc cùng một nhóm chuyên gia địa phương, trao đổi các vấn đề. "Quan trọng nhất trong 20 năm đó là tôi chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng năng lực cho các chuyên gia địa phương", ông nói.

Ông cũng cho biết, thường phải mất 2 năm để chứng kiến sự tác động của sự hợp tác giữa ông và các chuyên gia trong nước được thể hiện ra bằng thành quả nghiên cứu của chính các chuyên gia trong nước, sau quá trình mà ông gọi là "chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm ấy".

Cũng giống như câu chuyện đầu tư nước ngoài, tư vấn nước ngoài cũng cần "vốn đối ứng trong nước" chính là lực lượng chuyên gia trong nước, với những hiểu biết sâu về tình hình thực tế và đòi hỏi của Việt Nam.

Cần một cơ chế hợp tác, tham vấn lẫn nhau giữa tư vấn trong và ngoài nước.

Trong việc tư vấn về FDI vừa qua, dường như đội ngũ cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách Việt Nam đã "trưởng thành sau 20 năm đổi mới, đòi hỏi cao hơn", và đã có thể đưa ra những phản biện xác đáng cho khoảng cách giữa kì vọng Việt Nam đặt ra và thực tế thu về của nghiên cứu. Các chuyên gia trong nước đã là bộ lọc tốt cho những sản phẩm từ "người ngoài cuộc", khi soi chiếu vào thực tiễn Việt Nam.

Nhưng, như ông Ân cũng thừa nhận, trách nhiệm không chỉ thuộc về lỗi của chuyên gia tư vấn nước ngoài, và chưa hẳn đã phản ánh đúng trình độ của vị chuyên gia này, dù ông thậm chí còn chưa đáp ứng được yêu cầu sòng phẳng trong khoa học khi không trích dẫn nguồn của những phần nghiên cứu ông trích nguyên văn trong bản báo cáo của mình.

Một cơ chế hợp tác như thế nào cần được nghiêm túc xem xét, cũng cẩn trọng như đối với từng dự án đầu tư, để chọn đúng người và đưa ra sản phẩm đúng kì vọng, đặc biệt khi quyết định đồng ý về nguyên tắc mời chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn chính sách cho DN và các cơ quan chính phủ của Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt còn mới nguyên.

Để người Việt "tự cứu" là chưa hẳn là điều hay, nhưng để chuyên gia quốc tế tự "đánh vật" nghiên cứu về một đất nước hoàn toàn xa lạ cũng không phải là tốt. Một cơ chế để tạo sự cộng hưởng trong hai nhóm trong nước và quốc tế cần được thiết lập, để đáp ứng kì vọng của hai bên.

Cách thức tham vấn ngược của các chuyên gia Harvard khi tiến hành hai bản báo cáo về kinh tế Việt Nam, tìm đến các chuyên gia trong nước để trao đổi, thảo luận, và tham vấn, là một mô hình có thể nhân rộng, tạo môi trường cho nghiên cứu và sáng tạo của cả hai bên.

Trương Định - (Theo Vietnamnet)