itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Đàm phán TPP hoàn tất

Đàm phán TPP hoàn tất

"Chúng tôi, Bộ trưởng Thương mại Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam xin vui mừng thông báo chúng tôi đã đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP", Đại diện Thương mại Mỹ tuyên bố.

"Xin chào quý vị, cuối cùng thì chúng tôi cũng tiến hành được cuộc họp báo sáng nay", ông Michael Froman mở đầu cuộc họp báo tại Alanta, sau gần một tuần làm việc liên tục của Bộ trưởng Thương mại 12 nước tham gia TPP. Buổi họp báo chính thức bắt đầu sáng 5/10, tức 8h20 tối Hà Nội, sau nhiều lần trì hoãn vì đàm phán kéo dài.

“Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận sẽ hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, củng cố phát triển và thúc đẩy đột phá trong khu vực châu Á – Thái Binh Dương”, ông nói và khẳng định thỏa thuận này sẽ có lợi cho tất cả người dân các nước. Đại diện Việt Nam tham gia họp báo là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Trước đó Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết các Bộ trưởng đã đạt thỏa thuận về TPP trong chiều nay. Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đã hoan nghênh thỏa thuận này. Ông cho biết TPP "là thành quả lớn cho cả Nhật Bản và tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương". Dù vậy, hiệp định hoàn chỉnh sẽ vẫn cần Quốc hội 12 nước tham gia thông qua.

Trong phiên họp tại Hawaii (Mỹ) cuối tháng 7, các Bộ trưởng Tài chính đã không thể đạt thỏa thuận về TPP, dù nhiều vấn đề cốt lõi đã được giải quyết. Những điểm còn vướng mắc là thuế nhập khẩu sữa và phụ tùng ôtô, cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm.

Vì vậy, phiên họp tại Atlanta lần này rất được kỳ vọng sẽ hoàn tất TPP. Sau 4 ngày họp của các trưởng đoàn đàm phán, từ 26/9 đến 29/9, Bộ trưởng Thương mại các nước cũng họp bàn từ 30/9. Các cuộc nói chuyện dự kiến kết thúc vào 1/10, nhưng sau đó liên tục được kéo dài khi các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm không ra về nếu không ký được TPP.

Đến ngày 4/10, đàm phán TPP vẫn còn vướng mắc quanh vấn đề mở cửa thị trường sữa. Trong khi đó, bảo hộ độc quyền dược phẩm và miễn thuế nhập khẩu ôtô đã tìm được tiếng nói chung.

TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này được đàm phán từ tháng 3/2010, gồm 12 quốc gia - Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Chính quyền Tổng thống Obama cũng kỳ vọng Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhì thế giới, cuối cùng sẽ phải chấp nhận các tiêu chuẩn do TPP đặt ra, đặc biệt nếu các quốc gia khác, như Hàn Quốc tham gia như dự kiến.

Đàm phán TPP luôn giữ bí mật về chi tiết các điều khoản trong thỏa thuận. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng lợi lộc từ TPP chủ yếu sẽ rơi vào các tập đoàn lớn.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2% vì TPP.

Hà Thu

Vnexpress