itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Giật mình kiểu đầu tư cảm tính

Giật mình kiểu đầu tư cảm tính

Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng nhà nước vừa công bố kết quả xếp hạng 20 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.

Thông tin này đã làm không ít người ngỡ ngàng. Nếu như tại sàn Hà Nội, các nhà đầu tư kỳ vọng nhiều vào cổ phiếu của các “ông lớn” như chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng Á Châu... thì trong danh sách xếp hạng của CIC, các tên tuổi này lại nằm ở vị trí chót bảng. Ngược lại, các loại cổ phiếu không phải là “hot” lại lọt vào tốp đầu. Ở sàn TP.HCM, tình cảnh cũng vậy. những đại gia như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Sacombank... mang danh cổ phiếu ngoại hạng hay blue-chip trên sàn nhưng lại sắp sau cổ phiếu Cáp treo Núi Bà Tây Ninh.

Tại sao kết quả lại tréo ngoe thế này? Ông Đào Quang Thông, Phó Giám đốc CIC, cho biết các doanh nghiệp do CIC công bố xếp hạng tín nhiệm được xét về lợi nhuận ròng trên nguồn vốn chủ sở hữu, lợi nhuận ròng trên tổng tài sản và doanh thu trên một cổ phiếu. Phương pháp thực hiện dựa theo thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam. Như dựa vào các bản cân đối tài chính, kết quả kinh doanh, cơ cấu vốn, khả năng huy động vốn và tình hình dư nợ ngân hàng... Thậm chí xét đến năng lực lãnh đạo của hội đồng quản trị, ban kiểm soát. Kết quả đánh giá này, CIC cung cấp chủ yếu cho các tổ chức tín dụng làm cơ sở phục vụ việc cấp vốn.

Do vậy, nhìn vào top 10 doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu theo thứ tự là Công ty CP Khoáng sản Bình Định, FPT, Cao su Hòa Bình, Gạch ngói Nhị Hiệp, Kinh Đô miền Bắc, Sudico, Cáp treo Núi Bà Tây Ninh, Vinamilk, Dược Hậu Giang, Sacombank chắc hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên về những đầu tư cảm tính của mình lâu nay.

Dưới góc độ giá trị, đây cũng được xem như một lời cảnh tỉnh cho các đại gia blue-chip vì các giá trị mà nhà đầu tư vẫn đánh giá cao như quy mô, giá trị thương hiệu, nền tảng kinh doanh... từ nay doanh nghiệp chẳng nên kể vào nữa mà hãy lo phát triển bền vững và ít nợ ngân hàng đi.

Theo PL