itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Giá phân bón leo thang: Giọt nước tràn ly...

Giá phân bón leo thang: Giọt nước tràn ly...

Giá phân bón trên thế giới đang ở mức kỷ lục trong 50 năm qua khiến cho thị trường phân bón trong nước liên tục tăng vọt... Tất cả như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly đầy bất trắc trong đời sống sản xuất của nông dân ĐBSCL trước khi bước vào mùa vụ mới.

"Sốt" giữa biển nước

Thời điểm này, ĐBSCL đang trong mùa lũ, nhu cầu tiêu thụ phân bón gần như... không. Thế nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, phân bón đã 2 lần tăng giá với mức tăng bình quân từ 20.000-50.000 đồng/bao (50kg) so với tháng trước. Trong đó, urê (Phú Mỹ) tăng từ 15.000-25.000 đồng/bao. Tương tự, phân DAP (Trung Quốc) tăng thêm khoảng 10.000-40.000 đồng/bao.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là giá bán phân tồn kho. Trên thực tế, phân mới nhập về tại các cửa hàng có giá cao hơn. Hiện phân NPK Đầu Trâu 20-20-15 (Bình Điền) và NPK 20-2015 (Cò Bay) ở mức 350.000-360.000 đồng/bao; phân NPK 16-16-8 (Việt Nhật).

Theo nhận định của giới chuyên môn, với đà tăng như hiện nay, nhiều khả năng giá phân bón rất khó giảm vào vụ đông xuân tới. Bởi thực tế cho thấy khó có thể kìm được giá phân bón trong nước khi mà việc cung vẫn phần lớn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng khi phần lớn nông dân phải mua hàng cao hơn giá thực tế. Anh Danh Đức, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) lý giải: Không đủ tiền phải mua chịu, sau kỳ thu hoạch mới thanh toán nên chủ cửa hàng cộng luôn tiền lãi vào giá bán.

GS-TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo: Gia nhập WTO, không thể có chuyện trợ giá, cũng không thể ngồi cầu nguyện cho giá phân giảm mà chúng ta phải chủ động giải quyết vấn đề bằng cách hướng dẫn nông dân bón phân cân đối theo phương pháp 3 giảm - 3 tăng.

Bởi hiện còn trên 50% nông dân ĐBSCL có thói quen bón thừa phân (nhất là phân đạm). Điều này không chỉ làm tăng chi phí đầu tư một cách không đáng có mà còn làm gia tăng khả năng nhiễm sâu bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng, cũng như sản lượng của cây lúa.

Giọt nước tràn ly
Chuyện tăng giá phân có thể không thật nặng nề, nhưng nếu đặt trong chuỗi đời sống sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL thì nó như giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly...

GS-TS Võ Tòng Xuân - thành viên Hội đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển phân bón thế giới (IFDC) - cho biết: "Do giá dầu hoả đang cao hơn 3 lần bình quân hàng năm, nên một số nhà sản xuất lớn đã chủ động giảm sản lượng, dẫn tới giảm cung là nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón trong nước leo thang".
Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà bán lẻ, giá phân bón Việt Nam đang trong cảnh một cổ hai tròng. Bởi bên cạnh ảnh hưởng thị trường thế giới, còn có yếu tố đầu cơ của một số nhà phân phối.

Giới bán buôn phân bón ở ĐBSCL đang phàn nàn về việc cung cấp phân bón có địa chỉ của Nhà máy đạm Phú Mỹ, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh đành phải mua lại từ một vài nhà phân phối với giá cao hơn. Vì vậy, khả năng khan hàng và sốt giá phân bón cục bộ trong vụ đông xuân 2007-2008 là rất lớn.
TS Nguyễn Tri Khiêm - Chủ nhiệm khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh (ĐH An Giang) nhận xét: "Tuy có gặp khó khăn, nhưng DN nào cũng sẽ có lãi theo cái lý: Mua cao-bán cao. Chỉ tội cho nông dân phải gánh trọn sự cố này. Bởi khi mua vật tư giá cao, nhưng họ không hề biết giá bán sản phẩm khi thu hoạch. Đằng sau đó lại là một biển nỗi lo... tăng giá khác, như thuốc trừ sâu bệnh, giá xăng dầu, nhân công...

TS Nguyễn Tri Khiêm tổng kết: Vài năm gần đây, tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp ở mức gấp đôi và giá các mặt hàng phục vụ sinh hoạt của nông dân tăng gấp 5-6 lần so với giá lúa gạo. Trong khi đó, họ chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trong chuỗi giá trị lợi nhuận từ mặt hàng nông sản bởi sự chia sẻ bất hợp lý của các cơ quan trung gian...

GS-TS Võ Tòng Xuân: Sẽ rất nguy hiểm với trật tự mới 

Việc mua bán lúa gạo trên thế giới chiếm tỉ lệ rất thấp (5% tổng sản lượng). Vì vậy nếu chúng ta không sớm có biện pháp hữu hiệu trong việc hợp lý hoá lợi nhuận thì tới đây hạt lúa VN sẽ gặp nguy hiểm với trật tự mới. Bởi gần đây nhiều quốc gia ở Châu Phi bắt đầu tập trồng lúa để tiến tới tự cung cấp, trong khi đó một khi Myanmar cải thiện chính sách thì đất nước này sẽ là đối thủ có thừa lợi thế so với VN và Thái Lan trong cuộc cạnh tranh cả về chất lượng lẫn giá thành.

Lục Tùng