itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Hàng tiêu dùng Việt sẽ đổ mạnh sang thị trường Myanmar

Hàng tiêu dùng Việt sẽ đổ mạnh sang thị trường Myanmar

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các sản phẩm phục vụ đời sống, tiêu dùng đối với thị trường Myanmar. Thị trường Myanmar là một thị trường mới mở cửa với rất nhiều cơ hội mới, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng vọt trong 3 năm gần đây, cụ thể năm 2013 đã tăng tới 94% so với năm trước.

Còn nhiều dư địa

Báo cáo Xúc tiến xuất khẩu 2013-2014 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dân số của Myanmar năm 2013 là khoảng 60 triệu người; tốc độ tăng dân số 1,7%/năm.

Trong đó, khoảng 50% dân số là tầng lớp trung bình và người giàu. Khoảng 10% dân số Myanmar là người giàu, có thu nhập khoảng 10.000USD/người/năm trở lên. Nhóm người này cần hàng hóa chất lượng cao cấp, chấp nhận mua với giá cao, thường là hàng ngoại, với thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Khoảng 40% dân số tiếp theo là tầng lớp trung bình với thu nhập khoảng từ 365 USD/người/năm đến dưới 10.000 USD/người/năm. Nhóm người này cần hàng hóa chất lượng trung bình, giá cả phải chăng, thường là hàng ngoại từ các thị trường Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, ASEAN.

Tuy nhiên, sản xuất mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu ở trong nước, 80% nhu cầu về hàng công nghiệp cần phải nhập khẩu. Giá cả trên thị trường trong nước và giá cả hàng hóa xuất khẩu của Myanmar thường thấp hơn so với giá cả thị trường thế giới.

Về tiềm năng thương mại, năm 2012, thương mại hàng hóa của Myanmar đạt khoảng 17 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 8 tỷ USD; nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 9 tỷ USD. Tuy nhiên dự báo trong những năm tới, tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Myanmar là trên 20%/năm.

Những nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Myanmar là: Thực phẩm; nông sản; khoáng sản các loại; dệt may, giày dép; đá quý, kim loại quý...

Những nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu của Myanmar gồm: Thực phẩm chế biến, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá; hóa chất; chất dẻo và đồ nhựa; cao su; kim loại, máy móc thiết bị...
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), các nhà cung cấp hàng hóa chủ yếu cho thị trường Myanmar đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị trường gồm Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Australia, Đài Loan, Ả rập Xê út…

Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, hơn 1% trong tổng nhập khẩu của Myanmar. Như vậy, đối với các doanh nghiệp từ Việt Nam, thị trường Myanmar còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng.

Tập trung vào gì?

Thị trường Myanmar là một thị trường mới mở cửa với rất nhiều cơ hội mới, đặc biệt xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng vọt trong 3 năm gần đây, cụ thể năm 2013 đã tăng tới 94% so với năm trước.

Xét về thứ hạng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam so với các thị trường thuộc khu vực châu Á, Myanmar mới chỉ ở vị trí khá khiêm tốn (đứng thứ 20 về xuất khẩu và 21 về nhập khẩu).

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong những năm gần đây, tốc độ buôn bán hai chiều đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 21%/năm trong giai đoạn 2005 - 2010 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 3 lần từ 58 triệu USD lên 152 triệu USD.

Đặc biệt từ năm 2011, khi Myanmar hoàn toàn mở cửa nền kinh tế, tốc độ tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar nhanh hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ Myanmar đã giúp cho cán cân thương mại giữa hai nước ngày càng cân bằng.

Năm 2011 xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tăng gần 67% và nhập khẩu giảm mạnh 16,7%. Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu xuất siêu sang Myanmar sau hơn 10 năm hoàn toàn nhập siêu từ thị trường này.

Năm 2012 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 42%, nhập khẩu tăng 29%. Đến năm 2013, xuất khẩu tăng mạnh ở mức 94% và nhập khẩu chỉ tăng 12,9% đưa con số xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này đạt 104,34 triệu USD, gấp hơn 12 lần so với năm 2012.

Những mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu tới Myanmar: Thép các loại, nguyên phụ liệu
may mặc; thuốc và thiết bị y tế; vật liệu xây dựng, phân bón hóa học; nguyên phụ liệu các ngành công nghiệp khác, thiết bị điện và điện tử, phụ tùng máy móc...

Những mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Myanmar: Gỗ và lâm sản; nông sản; nguyên phụ liệu hàng dệt may...

Báo cáo nhận định, đầu tư phục vụ sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp sẽ là xu hướng của nền kinh tế Myanmar về dài hạn, trong đó lưu ý về khả năng sản xuất hữu cơ.

Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị, với lợi thế gần về khoảng cách địa lý nên có thể giảm chi phí vận chuyển, các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, tiếp cận và xúc tiến các sản phẩm phục vụ sản xuất.

Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các sản phẩm phục vụ đời sống, tiêu dùng đối với thị trường này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường Myanmar cần phải kiên trì, chịu khó nghiên cứu, khảo sát thị trường, có thể chấp nhận thua lỗ thời gian đầu. Phương pháp tốt nhất là liên doanh để sử dụng đối tác Myanmar trong việc mở rộng quan hệ, xử lý các thủ tục hành chính, nghiên cứu cung - cầu và giá cả thị trường, báo cáo khuyến nghị.

Theo VM

Diễn đàn Đầu tư