itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Làm ăn với Mỹ khi USD mất giá

Làm ăn với Mỹ khi USD mất giá

“Cứ xuất khẩu một ký lô tôm sú sang thị trường Mỹ, tôi mất đứt 2.000 đồng, do tỷ giá giữa USD và đồng tiền Việt Nam biến động trong thời gian qua”. Đó không là câu chuyện riêng của một doanh nghiệp khi kinh tế Mỹ suy thoái và USD mất giá.

Tỷ giá giữa VND và đồng USD đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Giá tôm sú xuất khẩu sang Mỹ ký hợp đồng ở mức 10 USD/kg khi tỷ giá 15.900 đồng/USD. Nhưng giao hàng xong thu tiền về thì tỷ giá tụt còn 15.700 đồng/USD.

“Chỉ tính việc biến động về tỷ giá USD/VND, xuất khẩu sang Mỹ một ký tôm, chúng tôi đã bị mất 2.000 đồng”, ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Hải (Sexprodex Minh Hải) nói như vậy.

Khó khăn chồng chất

Một doanh nghiệp xuất khẩu cá basa cũng than trời, khi thu ngoại tệ là USD về, doanh nghiệp bán USD ra để trang trải chi phí đã bị lỗ nặng. “Để giảm lỗ, không còn cách nào khác hơn, chúng tôi phải hạ giá thu mua nguyên liệu xuất khẩu từ nông dân”, vị giám đốc doanh nghiệp nói trên khẳng định.

Và khi không còn lợi nhuận, nông dân sẽ không nuôi thuỷ sản. Đầu vào nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu không có, khó khăn lại được “đá” trở về doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang vướng vào lòng lẩn quẩn này.

Theo ông Trần Thiện Hải, một việc quan trọng trong bối cảnh này là liên kết chặt chẽ với người nông dân để ổn định đầu ra cho nguồn nguyên liệu. Giữ giá nguyên liệu, giá thành ổn định, tăng năng suất nuôi trồng là vấn đề “hậu cần”, nhưng rất quan trọng để các doanh nghiệp thuỷ sản vượt qua khó khăn hiện nay ở thị trường Mỹ.

Đối với ngành dệt may, hiện các doanh nghiệp vẫn đang giao những đơn hàng cuối cùng của đợt hàng xuân hè, do các nhà nhập khẩu từ Mỹ đặt hàng từ trước. Tuy nhiên, về lâu dài, khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu đi xuống, theo ông Diệp Thành Kiệt, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Thêu đan Tp.HCM (Agtex), những đơn hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ trong thời gian tới sẽ giảm cả về số lượng lẫn về giá.

Vẫn có những cơ hội?

Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh này, vẫn có cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ.

Đối với ngành dệt may, giá thành mỗi sản phẩm dệt may của Trung Quốc đang tăng lên từ 20 - 30%, khi xuất khẩu vào Mỹ. Việc tăng giá này do Chính phủ Trung Quốc cắt giảm chế độ hoàn thuế 13% đối với những doanh nghiệp xuất khẩu, bản thân Trung Quốc cũng đang bị lạm phát.

Do vậy, toàn bộ giá cả, chi phí sản xuất tại Trung Quốc cũng đang tăng nên nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tăng giá xuất khẩu. Vì những lý do này, lợi thế của Việt Nam vẫn còn.

Hiện hàng dệt may của Việt Nam, vẫn đang tranh chấp vị trí thứ ba với Ấn Độ sau khi vượt qua Indonesia khi xuất khẩu vào Mỹ. Hai quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ dẫn đầu là Trung Quốc và Mexico.

Hiện tại kinh tế Mỹ đang suy thoái, nhà nhập khẩu hàng dệt may Mỹ có thể phải giảm giá để bán được hàng cho người tiêu dùng. Họ có thể huỷ đơn hàng do bị trễ hạn và tìm một nhà nhập khẩu khác với giá rẻ hơn. Do vậy, cách tận dụng cơ hội tốt nhất vẫn là ổn định chất lượng và giao hàng nhanh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng điều tiên quyết nhất vẫn là đa dạng hoá thị trường, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Đi đôi với việc này là đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu, đẩy mạnh những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và quan trọng nhất là giữ vững chất lượng sản phẩm để giữ chân người nhập khẩu.

 
(Theo Sài Gòn tiếp thị)