itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Nhân tố nào thúc đẩy tích cực sự phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Long An?

Nhân tố nào thúc đẩy tích cực sự phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Long An?

Với vai trò là một trung tâm đa chức năng, TP.HCM đã có những ảnh hưởng to lớn đối với phát triển dịch vụ trên địa bàn tỉnh Long An trong những năm qua và trong tương lai, TP.HCM vẫn sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ tỉnh này. Vậy mối quan hệ hữu cơ về phát triển dịch vụ tỉnh Long An với TP.HCM như thế nào?

Bốn yếu tố cơ bản để phát triển dịch vụ của Long An

Phát triển dịch vụ từ một nền kinh tế nông nghiệp là một thách thức cho những nhà hoạch định chính sách cũng như cho những người thực thi. Khai thác có hiệu quả các yếu tố bên ngoài trong những trường hợp này có tầm đặc biệt quan trọng nâng cao tính khả thi của việc hoạch định và thực thi chính sách. Với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Long An hiện nay, để phát triển dịch vụ phải đảm bảo được bốn yếu tố cơ bản: Một là, phát triển các KCN tập trung; Điều này sẽ góp phần hình thành các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh từ chủ yếu là nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Hai là, phát triển các khu dân cư (KDC) tập trung, gắn liền với quy hoạch đô thị sẽ tạo tiền đề phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ một cách hiệu quả. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ. Bốn là, phát triển thị trường tiêu thụ, hướng đến phục vụ khách nước ngoài và khách trong nước, đặc biệt là TP.HCM.

Chiến lược phát triển kinh tế của TP.HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Chiến lược phát triển kinh tế của TP.HCM trong những năm tới đặt trong mối quan hệ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN), trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương. Theo quan niệm này, những ngành dịch vụ cao cấp sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển, các ngành sản xuất công nghiệp dân dụng nhiều lao động phổ thông sẽ từng bước chuyển dịch đến các địa phương VKTTĐPN. TP.HCM sẽ trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ cao cấp cho cả Vùng, là nơi trung chuyển hàng hóa và khách du lịch quốc tế.

Bản đồ hành chính tỉnh Long An. Nguồn bcvt.gov.vn

Từ mối quan hệ kinh tế giữa hiện tại và tương lại cho hai “láng giềng”…

Như vậy, mối quan hệ kinh tế giữa TP.HCM và tỉnh Long An hiện tại và tương lai trong việc phát triển dịch vụ được thể hiện thông qua đầu tư phát triển trong các KCN tập trung, phát triển các KDC tập trung và phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ trên địa bàn tỉnh Long An. Ngoài ra, TP.HCM là thị trường to lớn trong việc tiêu thụ các các sản phẩm dịch vụ của Long An. Vai trò này thể hiện rõ nét trong những năm gần đây với việc dịch chuyển nguồn đầu tư từ TP.HCM đến Long An ngày càng nhiều. Làn sóng đầu tư phát triển các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh Long An gián tiếp hình thành và phát triển các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, dịch vụ thương mại và dịch vụ vui chơi giải trí. Việc bố trí các KCN ở những địa bàn tiếp giáp với TP.HCM đã tạo nên mối liên kết giữa hai địa phương trong việc khai thác các lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực, thị trường vốn, hệ thống cơ sở hạ tầng….

KCN Tân Đức 

Tân Đức là một trong những KCN đi đầu trong việc nắm bắt chủ trương chuyển dịch nguồn đầu tư từ TP.HCM đến địa bàn Long An. Tọa lạc tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An, cách KCN Tân Tạo 15km và cách trung tâm Thành phố 25km theo hướng quốc lộ 10. KCN Tân Đức hiện là KCN lớn nhất thuộc hệ thống các KCN của Tập đoàn Tân Tạo trên khắp cả nước với tổng diện tích 1.159ha và tổng vốn đầu tư trên 5 nghìn tỷ đồng…

Trong đầu tư phát triển các KDC tập trung, phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở lưu trú…, TP.HCM sẽ trở thành nhà đầu tư chiến lược và Long An là một trong những mắt xích quan trọng. Bên cạnh những thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM là những yếu tố đảm bảo sự thành công của mối quan hệ kinh tế giữa hai địa phương. Mối quan hệ này sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đầu tư vào Long An sẽ đóng vai trò là nguồn cung cấp thị trường tiêu thụ các sản phâm dịch vụ. Các công ty đầu tư vào Long An sẽ đảm nhận vai trò cung cấp khách du lịch. Điều này diễn ra tương tự đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kết cấu hạ tầng, dịch vụ…

Biệt thự bên dòng Vàm Cỏ Tây trong hệ thống E.City của Tập đoàn Tân Tạo

… Đến ý kiến của chuyên gia

Để đảm bảo sự thành công trong phát triển dịch vụ tỉnh Long An và thu hút đầu tư từ TP.HCM và các doanh nghiệp VKTTĐPN, theo TS. Nguyễn Tấn Khuyên - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển: “Lãnh đạo tỉnh Long An cần tập trung chỉ đạo hoàn tất các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng mặt bằng; quy hoạch phát triển đô thị làm cơ sở phát triển các kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ. Đảm bảo tính khả thi và sự ổn định của các quy hoạch được phê duyệt. Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông. Các KCN sớm được đưa vào hoạt động và đảm bảo mặt bằng cho các nhà đầu tư” .

Cũng theo TS. Khuyên, phát triển dịch vụ trên địa bàn tỉnh Long An đặt trong mối quan hệ phát triển kinh tế trên địa bàn TP.HCM theo kịch bản trên sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ. Các ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ sản xuất sẽ từng bước được hình thành và phát triển. Kết cấu hạ tầng dịch vụ được đầu tư và phát triển hài hòa với phát triển đô thị. Để các vấn đề trên trở thành hiện thực, ngoài những nỗ lực của các nhà đầu tư, sự quan tâm, sâu sát và chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo tỉnh sẽ đóng trò quyết định.

 

TS. Nguyễn Tấn Khuyên là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm nghiên cứu chính sách, tư vấn về chiến lược phát triển kinh tế và các vấn đề liên quan đến qui hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Ngọc Hải(*) – Thu Giang

(*) PGS.TS Lại Ngọc Hải - BQP