itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / “Lạm phát đang là thách thức lớn nhất của Việt Nam”

“Lạm phát đang là thách thức lớn nhất của Việt Nam”

Trong báo cáo hàng năm mang tên Triển vọng Phát triển châu Á 2008 (ADO) vừa công bố ngày 2/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, lạm phát tăng cao là thách thức trước mắt lớn nhất của kinh tế Việt Nam.

Lạm phát cao nhất trong một thập kỷ
Trong báo cáo này, ADB đặc biệt cảnh báo vấn đề lạm phát leo thang ở châu Á, trong đó có Việt Nam, và thúc giục các nhà hoạch định chính sách của châu lục cần theo dõi sát sao vấn đề này.
Bất chấp các biện pháp kiểm soát và trợ giá của chính phủ các nước, mức lạm phát hiện đã cao ở châu Á được ADB dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Theo số liệu và cách tính của ADB, tính đến tháng 3 năm nay, lạm phát ở Việt Nam đã tăng tới 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.
Để chống lạm phát, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, nới lỏng tỷ giá và đang tìm kiếm các biện pháp tài khóa khác.
Những biện pháp này, cùng với nhu cầu giảm sút của thị trường bên ngoài, sẽ kéo lùi tăng trưởng tốc độ kinh tế Việt Nam trong năm 2008 này. ADB dự báo, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 7%. Năm ngoái, kinh tế Việt Nam tăng 8,5%, đánh dấu năm tăng trưởng thứ 3 liên tiếp trên 8%.
Cùng với đó, luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng sẽ tăng chậm lại và tỷ lệ FDI so với GDP sẽ giảm xuống mức 34% trong năm nay, so với mức 40,4% trong năm ngoái. Tiêu dùng trong nước cũng sẽ sụt giảm do giá cả tăng cao.
Trong khi đó, do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm xuống còn khoảng 18% trong năm nay, so với mức 21,5% năm 2007. Cùng với đó, thâm hụt cán cân vãng lai được dự báo sẽ tăng tới mức xấp xỉ 10% GDP trong năm 2008 này, so với mức khoảng 8% GDP trong năm ngoái.
Phải đánh đổi
Các biện pháp chống lạm phát của Việt Nam được các chuyên gia ADB cho là sẽ dần phát huy tác dụng trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, theo ADB, mức lạm phát cả năm 2008 vẫn sẽ là 18,3%, sau đó sẽ hạ xuống mức 10,2% trong năm 2009.
Vấn đề lớn nhất trước mắt của Việt Nam là phải kiềm chế lạm phát để tránh tâm lý cho rằng, lạm phát là vấn đề không thể giải quyết. Tâm lý này có thể gây hại đến các hoạt động đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.
ADB cho rằng, để chống lạm phát, Việt Nam phải chấp nhận sự đánh đổi. Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ là một cản trở đáng kể đối với ngành tài chính của Việt Nam - vốn mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển và có nhiều điểm yếu. Mặt khác, chính sách tài khóa thắt chặt sẽ kéo theo sự suy giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, cũng là một cản trở đối với khả năng tăng trưởng về sau.
Còn xét trong trung hạn, ADB cho rằng, thách thức đối với kinh tế Việt Nam là phục hồi tốc độ tăng trưởng trong khi duy trì tốc độ lạm phát trong tầm kiểm soát. Mục tiêu này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp, bao gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng hiệu quả các dự án công, đẩy mạnh cải cách, đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở hạ tầng…
Mặc dù còn nhiều trở ngại như trên, triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn được các chuyên gia của ADB đánh giá là khả quan.
Cũng giống như Việt Nam, dự báo của ADB dành cho các nước châu Á khác cũng giảm đáng kể. Theo ADB, ở khu vực Đông Nam Á, chỉ có kinh tế Thái Lan là tăng tốc trong năm nay do tình hình chính trị ổn định trở lại.
Cách đây 6 tháng, ADB dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 8,1% trong năm 2008 này, nhưng trong báo cáo lần này, con số này đã bị giảm xuống còn 7,6%. Nếu mọi cái diễn ra đúng như những gì mà ADB dự báo, năm nay sẽ là năm mà kinh tế châu Á tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2003.
Các chuyên gia của ADB nhận định, những khó khăn mà kinh tế châu Á đang phải đối mặt bao gồm sự yếu đi cùng lúc của các nền kinh tế lớn, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, và cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ. Lạm phát trên toàn châu Á nói chung được ADB dự bao sẽ đạt mức 5,1% trong năm 2008, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

Theo TBKTVN