itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Tín dụng ĐBSCL dồn vào nông nghiệp

Tín dụng ĐBSCL dồn vào nông nghiệp

Đã có khoảng 160.000 tỷ đồng từ các ngân hàng chảy vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau 9 tháng. Con số này đạt trên 48% tổng dư nợ tại vùng và chiếm khoảng 22% so với dư nợ cho vay nông nghiệp toàn quốc.

Hàng năm, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và cung cấp 52% sản lượng và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Nhưng có một thực tế là tăng trưởng nông nghiệp của khu vực này vẫn chủ yếu dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên (tăng diện tích đất, thâm dụng nước tưới để tăng vụ…) làm cho hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn thấp.

Để phát triển bền vững, đòi hỏi vùng này phải tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng.

"Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt năm ngoái là cơ sở để tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời chính sách tín dụng ngân hàng sẽ là nhân tố quan trọng để thực hiện quá trình tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây luôn cao hơn tăng trưởng trung bình của toàn hệ thống. Đến 30/9/2014, tổng dư nợ tại khu vực này đạt hơn 331.000 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với cuối năm ngoái, chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế (toàn hệ thống đến 24/10 tín dụng tăng 7,85%).

Trong đó, riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 160.000 tỷ đồng (chiếm trên 48% tổng dư nợ), tăng 7,5% so với cuối năm 2013, chiếm tỷ trọng 22% trên tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Tuy nhiên, vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (trong năm 2011 mới đáp ứng được 66,4% nhu cầu vay vốn của vùng; đến năm 2013, tỷ lệ này là 81,82%). "Một phần vốn cho vay được điều chuyển từ các khu vực khác sang đầu tư cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này phản ánh những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc ưu tiên đầu tư phát triển đối với khu vực", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng được ngành đặc biệt quan tâm và đáp ứng vốn kịp thời với lãi suất phù hợp. Dư nợ cho vay thu mua lúa gạo 9 tháng đầu năm tăng gần 23% so với cuối năm 2013; cho vay nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản tăng 9%... đã góp phần thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu của vùng.

Hoài Thu/ VnExpress