itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / TP.Hồ Chí Minh: Chốt giá các mặt hàng bình ổn năm 2011

TP.Hồ Chí Minh: Chốt giá các mặt hàng bình ổn năm 2011

Chiều 9.4, Sở Tài chính, Sở Công Thương TPHCM cùng các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2011 đã công bố bảng giá mới các mặt hàng bình ổn. Mức giá này được áp dụng từ nay đến hết ngày 31.3.2012, nếu thị trường không có biến động bất thường.

Giá hàng bình ổn được duyệt thấp hơn giá thị trường 10,9 – 25,7%
Để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay, mức giá các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2011 của TPHCM có sự điều chỉnh tăng so với mức giá áp dụng năm ngoái. Song, mức giá này vẫn phải đảm bảo thấp hơn 10% so với giá thị trường hiện nay.
Giá thị trường được xác định dựa vào giá do Cục Thống kê công bố, dựa trên khảo sát thực tế ở bên ngoài, từ đó đưa ra mức giá bình ổn theo nguyên tắc phải thấp hơn giá bán của các sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10%. Giá 9 nhóm hàng lương thực – thực phẩm đã được UBND TP duyệt thấp hơn giá do Cục Thống kê công bố tháng 4.2011 từ 10,9 – 25,7%. Theo đó, bảng giá các mặt hàng bình ổn năm 2011 được công bố cụ thể như gạo trắng thường 5% tấm chốt 10.500 đồng/kg (trên thị trường hiện 12.094 đồng). Đường RE chốt giá bình ổn 21.500 đồng/kg (mức bán ở chợ là 24.000 đồng).
Tuy các DN ngành đường đề xuất tăng giá đường RE lên 22.000 đồng/kg, nhưng TPHCM chỉ chấp nhận cho bán giá 21.500 đồng/kg – rẻ hơn 11,6% so với giá đường trên thị trường mà Cục Thống kê thành phố công bố. Thịt lợn đùi 75.000 đồng/kg và ba rọi ở mức 80.000 đồng, thấp hơn hàng không bình ổn 10,9%, 11,6%. Theo khảo sát của Cục Thống kê, thịt heo đùi, ba rọi ngoài thị trường hiện có giá 83.183 và 89.319 đồng/kg. Thịt gà ta được duyệt giá 90.000 đồng/kg và vịt là 57.500 đồng/kg. Trứng gà, vịt loại 1 tới tay người tiêu dùng lần lượt là 22.500 và 27.500 đồng/vỉ 10 trứng. Dầu ăn Cooking có 2 giá 38.700 đồng/lít (giá áp dụng trong siêu thị, do phải sử dụng thêm chất chống đông, kết tủa) và 35.000 đồng/lít.
Cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt
Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP - điểm mới của chương trình bình ổn lần thứ 10 này là không áp một mức giá cố định trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn, DN sẽ được điều chỉnh giá. Ngược lại, nếu giá thị trường bên ngoài giảm 5% trở lên, DN cũng phải hạ giá bán ngay.
Các DN không thể tự ý thay đổi giá, mà phải đăng ký và thông báo với Sở Tài chính, có giải trình rõ các yếu tố nào tác động đến tăng giá, 2 – 3 ngày sau, khi sở xem xét và chấp thuận thì mới được quyền điều chỉnh. Tuy nhiên, bà Đào cũng lưu ý thêm, với những trường hợp thị trường đột ngột lên cơn sốt giá, DN không được điều chỉnh giá bán theo ngay, bởi đấy chỉ là đột biến. Khi đó, hàng trong kho còn bao nhiêu, DN phải tung hết ra bên ngoài với mức giá vẫn như cũ. Đấy mới chính là lúc cần DN tham gia chương trình bình ổn dẫn dắt thị trường và góp phần bình ổn giá thị trường.
Bên cạnh đó, việc đưa hàng đến tận tay người lao động, dân nghèo ở khu công nghiệp, khu chế xuất, quận, huyện vùng xa cũng được chú trọng hơn với nhiều biện pháp. Ngoài 2.314 điểm bán do 22 DN đăng ký hiện nay, các DN tham gia chương trình phải cam kết tăng thêm 20% điểm bán trong năm nay và dự kiến đến dịp Tết Nhâm Thìn, TPHCM có khoảng 2.800 điểm bán hàng bình ổn. Những điểm bán hàng bình ổn mới sẽ được mở tại khu chế xuất – khu công nghiệp Tân Thuận, Tân Bình, Linh Trung... cùng với việc tăng tần suất bán hàng lưu động. Tại các chợ còn sạp trống sẽ ưu tiên bố trí bán hàng bình ổn.

M.THOA/ Lao Động