itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Việt Nam mất sức hấp dẫn đối với giới đầu tư

Việt Nam mất sức hấp dẫn đối với giới đầu tư

Người phụ nữ này đang xem kĩ

giá niêm yết trước khi chọn mua

(Ảnh: www.dantri.com.vn)

Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đang cảnh báo rằng lạm phát phi mã, bất ổn lao động gia tăng và bong bóng bất động sản có thể làm sói mòn sức hấp dẫn của nước này, vốn là điểm đến của giới đầu tư.

Tại một hội nghị hàng năm giữa các cấp chính quyền và thành viên của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hôm thứ Hai, ông Michael Pease, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam, kêu gọi Hà Nội hành động nhanh chóng để phục hồi sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Lời kêu gọi diễn ra chỉ sau vài ngày khi tin cho hay lạm phát đã tăng đến 25,2% vào tháng Năm, mức cao nhất kể từ năm 1992. Tốc độ phi mã này bắt nguồn từ sự leo thang của giá thực phẩm và vật liệu xây dựng.

Trong bài diễn văn của mình, ông Pease - người đứng đầu hãng Ford Việt Nam - tuyên bố, “Sự thành công của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu được xây dựng trên cơ sở đánh giá về sự ổn định chính trị và kinh tế”.

Việt Nam hiện cần thực hiện “hành động kiên quyết và khẩn cấp” để kiềm chế bong bóng bất động sản do nạn đầu cơ, vốn “không chỉ đe dọa đến khu vực tài chính, mà còn làm suy yếu sức cạnh tranh lâu dài của Việt Nam so với các nước láng giềng, khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm sút”.

Sự gia tăng chi phí lao động cũng là “mối quan ngại đối với doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam”, và sự mất ổn định lao động ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề kinh tế vĩ mô.

Kể từ khi gia nhập WTO vào tháng 1-2007, nhờ mức tăng trưởng nhanh, trung bình 7,5% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua cùng với dân số năng động và trẻ trung, Việt Nam đã trở thành nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã nhận được 15,3 tỷ Mỹ kim tiền đầu tư nước ngoài trong khoảng giữa tháng Giêng và tháng Năm, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2007, vốn ngoại tệ chảy vào nước này là 15 tỷ Mỹ kim, chủ yếu là nhờ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, và kiều hối.

Nhưng các nhà kinh tế cho biết sự dư thừa ngoại tệ đã và đang làm mất ổn định nguồn tiền này làm cản trở sự đầu tư vì chính nó gây ra tình trạng tăng trưởng tín dụng quá mức, đẩy tốc độ lạm phát lên cao.

Chi phí tiêu dùng gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt là giá thực phẩm khiến giới công nhân nhận thấy họ không còn có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nên đã dẫn đến đình công liên tục, đôi khi bằng cả bạo lực, và đòi tăng lương.

Việt Nam nói rằng sự kiềm chế lạm phát là ưu tiên kinh tế hàng đầu, nhưng những nỗ lực để hạ nhiệt nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất vẫn chưa mấy tác dụng.

Ông Pease thừa nhận “giới công nhân có những quan ngại chính đáng về sức mua của họ đang giảm xuống so với đồng lương”, nhưng ông nói chính phủ nên can thiệp nhiều hơn để ngăn chặn hoặc giải quyết các vụ đình công bằng cách “giúp đỡ để giới công nhân và nhà quản lý doanh nghiệp nước ngoài hiểu nhau hơn”.

Ông còn gọi tham nhũng là “một trong những thách đố lớn nhất cho sự phát triển ở Việt Nam” và cho rằng chính phủ phải bảo vệ, chứ không trừng phạt những người tố cáo cũng như các nhà báo điều tra các vụ tham nhũng.

Tháng trước chính quyền Việt Nam đã bắt hai nhà báo đưa tin về vụ bê bối có liên quan đến các viên chức trong Bộ giao thông, những người đã sử dụng công quỹ để cá độ bóng đá.

Thao Nguyễn (theo The Financial Times)