itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Hiểu và dùng trái nho

Hiểu và dùng trái nho

Nho còn có những tên gọi khác như Thảo long châu, Bồ đào, Lý đào, vốn có xuất xứ từ Tây Á, sau đó được trồng phổ biến ở rất nhiều nơi trên thế giới. Quả nho có màu sắc đẹp, hương thơm, vị ngọt, hơi chua, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành các loại sản phẩm khác nhau như: rượu nho, nước ép nho, nho khô... được coi là một trong những loại quả quý.

Ở Việt Nam quả nho đã được các danh y như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh đề cập trong những tác phẩm nổi tiếng như Nam dược thần hiệu, Hải Thượng Y Tông Kim Giám do tác dụng chữa bệnh của nó. Theo đông y, quả nho có tác dụng thông thủy đạo, trừ phong hàn tê thấp, làm nhẹ mình mẩy, tăng cường thần trí.

Tác dụng trị liệu

Phòng và trị các chứng bệnh tim, não, huyết quản: vỏ nho và hạt nho chứa polyphenol đây là một chất bảo vệ tế bào và các chất nguyên sinh trong cơ thể, chống lại các gốc tự do, làm hạn chế quá trình đông vón của tiểu cầu, ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông, do đó làm giảm bệnh nhồi máu cơ tim.

Kháng lão hóa: Trong nho chứa chất kháng ô xy hoá rất lớn, có thể thanh trừ những chất có gốc tự do trong cơ thể, kháng lại quá trình lão hóa.

Phòng ung thư: Trong nho hàm chứa một loại nguyên tố vi lượng có tác dụng kháng ung thư, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Bảo vệ gan: Chất Monosacarit trong nho có tác dụng bảo vệ gan rất tốt.

Kiện tỳ vị: Chất Monossacarit và lượng lớn chất tửu thạch toan trong nho có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, thường xuyên ăn nho với lượng thích hợp có thể làm khỏe tỳ vị.

Nâng cao khả năng miễn dịch: Phụ nữ sau khi sinh nên ăn nho hoặc uống một chút rượu nho sau bữa ăn sẽ hỗ trợ tuần hoàn máu, tăng sắc tố đường huyết, nâng cao sức miễn dịch.

Liệu pháp trị liệu

Trị khản tiếng, viêm dây thanh: 500g nho, 500g mía. Đem nho và mía ép lấy nước riêng, sau đó lấy nước ép nho và mía mỗi loại 150 ml trộn lẫn nhau, đem đun nóng và uống. Mỗi ngày 3 lần.

Trị chứng chán ăn: 15 quả nho, 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa mật ong. Nho đem ép lấy nước cho thêm nước cốt chanh và mật ong vào hòa đều rồi uống.

Trị chứng táo bón: 20 quả nho, 1 quả chuối tiêu, 100ml sữa bò, 1 thìa mật ong, một chút đá xay. Nho bóc bỏ vỏ, chuối tiêu bỏ vỏ cắt miếng, cho sữa bò và đá vào đánh đều, thêm mật ong vào rồi ăn.

Trị cảm mạo: 200g nho tươi, 1 thìa mật ong. Đem nho nghiền nát, ép lấy nước, cho thêm mật ong vào trộn đều, uống nguội.

Trị cao huyết áp: Nước ép nho, nước ép rau cần mỗi thứ một bát con. Đem trộn đều hai loại, uống ngày 2 lần.

Chọn mua và bảo quản

Khi mua nho nên chọn những quả càng tươi càng tốt, quả còn nguyên vẹn, tránh dập nát, vỏ căng, quả thưa, đều quả. Nhấc chùm nho lên, đung đưa nhẹ thấy quả chắc, không rơi rụng, đó chính là nho tươi.

Khi bảo quản lượng ít, bạn có thể cho vào túi ni lông, nhưng phải buộc chặt miệng túi và để chỗ râm mát. Khi bảo quản trong tủ lạnh, nên để trong túi giấy là tốt nhất, không nên dùng túi ni lông, vì túi ni lông khiến bề mặt quả nho bị kết sương, dễ thối, nát.

Cách ăn

Nên ăn cả vỏ là tốt nhất, vì trong vỏ nho có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, dinh dưỡng trong nước ép nho không cao bằng vỏ nho.

Người thiếu máu, huyết áp cao, suy nhược thần kinh, phù thũng, dễ mệt mỏi... và những phế hư, phong thấp, viêm khớp, tứ chi mỏi mệt... và trẻ em, phụ nữ mang thai nên ăn nho thường xuyên sẽ có lợi cho cơ thể.

Không nên ăn nho cùng các loại hải sản tươi sống, vì trong nho chứa chất có thể cản trở việc hấp thụ protein trong hải sản, gây cảm giác buồn nôn, đầy bụng, dễ đi ngoài. Nhìn chung, nên ăn nho và hải sản cách nhau khoảng 4 giờ.

Hàm lượng đường trong nho rất cao, người bị tiểu đường cấm không được ăn nho. Người tỳ vị yếu, người béo phì nên ăn ít nho.

Theo Món Ngon