itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Dự án trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang): Mở lối giải bài toán “đói điện”

Dự án trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang): Mở lối giải bài toán “đói điện”

Một đoạn đê chắn sóng ngoài khơi

Tình trạng “đói điện” như đã xảy ra ở miền Bắc mùa hè vừa qua là vấn đề cấp thiết cần có lời giải. Làm gì? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Mới đây, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã tới dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang) do Tập đoàn Tân Tạo thực hiện với những nỗ lực vừa kiên trì, vừa táo bạo, có thể gợi mở hướng đi mới để giải bài toán “đói điện” hiện nay...

Dấu chấm đỏ mới trên bản đồ điện lực quốc gia

Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương là một dự án trọng điểm quốc gia đã có trên bản đồ Tổng quy hoạch 6 từ đầu thập kỷ, với tổng công suất 4.400MW, từng là ước mơ nhiều năm của những người quy hoạch điện, là “quả đấm thép” đáp ứng nguồn năng lượng cho các tỉnh phía Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhưng từ ước mơ đến hiện thực là một chặng đường nhiều khó khăn. Cách đây hơn 7 năm, đã có đối tác Ô-xtrây-li-a tìm đến, khảo sát để vào cuộc. Nhưng rồi, sau nhiều lần đi lại, đối tác cũng… lắc đầu, với rất nhiều khó khăn như: Khu vực ấp Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, nơi dự kiến xây dựng các nhà máy là vùng biển hoang sơ, là nơi duy nhất có núi đá phục vụ nguyên liệu nhưng lại thiếu cảng vận chuyển nguyên liệu. Nguồn than từ các tỉnh phía Bắc ngày càng cạn kiệt, Chính phủ không cho phép đưa nguồn than này về phía Nam. Đó là chưa kể quy mô dự án quá lớn, tổng mức đầu tư lên tới 6 đến 7 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm....

Từ năm 2007, khi bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) đề xuất việc tham gia xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, không ít người hoài nghi việc “đội đá vá trời”. Bởi từ trước tới nay, các doanh nghiệp tư nhân chỉ tham gia làm nhà máy thủy điện quy mô nhỏ, còn dự án trọng điểm quốc gia như ở Kiên Lương thì chưa. Không ít sự phản biện từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bà Yến quyết tâm vào cuộc bởi bà là người đã từng “mở lối” xây dựng khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam do một đơn vị ngoài quốc doanh thực hiện thành công từ năm 1996 đến năm 2002, mở ra một mô hình mới cho việc xã hội hóa các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các khu công nghiệp.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến cùng Tập đoàn Tân Tạo đã thuê những chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới nghiên cứu suốt hai năm trời để tìm ra giải pháp xây dựng cảng biển nước sâu trên đảo Nam Du, nằm trong vịnh Kiên Giang; chủ động đàm phán với đối tác Ô-xtrây-li-a, được nước bạn đồng ý xuất khẩu than đá cho ta vận hành Trung tâm nhiệt điện.

Sau nhiều lần thẩm định, đầu năm 2009, Bộ Công Thương đã chính thức phê chuẩn các bản thiết kế cơ sở. Ngày 23-7-2009, UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1. Đặc biệt, theo đề xuất của Bộ Tài chính, Dự án nằm trong quy hoạch điện 6 về phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 nên ngày 27-7-2009, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bảo lãnh cho dự án Kiên Lương 1. Có thể nói, Tập đoàn Tân Tạo đã ghi một dấu chấm đỏ mới trên bản đồ phát triển điện lực Việt Nam bằng chính nỗ lực không mệt mỏi của mình.

Dời non lấp biển vì dòng điện Tổ quốc

Nhóm phóng viên báo Quân đội nhân dân từng 3 lần đoạt giải nhất cuộc thi “Tuyên truyền tiết kiệm điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức, vẫn không khỏi kinh ngạc khi tận mắt chứng kiến thực tế xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương. Một đại công trường với hàng trăm xe tải rầm rập chở đá cát lấp biển làm mặt bằng. Hơn 100ha mặt biển mênh mông, có độ sâu từ 3 đến 13 mét đang được san lấp từ tháng 9-2009 đến nay.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được mọc lên ở khu vực các bãi sú vẹt, đầm tôm ven biển Ba Hòn, nhưng chủ đầu tư đã vấp phải “đá tảng” bởi tình trạng đầu cơ đất kiểu “đánh hơi” dự án, khiến giá đất bồi thường bị đẩy lên cao hơn cả TP Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư phải “tự bơi” bằng cách san lấp gần 600ha mặt biển ven bờ với tổng khối lượng san lấp lên đến 48 triệu m3. Phương án này quả là quá táo bạo và là một cuộc dời non lấp biển thực sự. Cái khó nữa là nguồn nguyên liệu san lấp. Các mỏ nguyên liệu như Hòn Heo, Trà Đuốc, núi Vĩnh, núi Mây, Mũi Cọp... sau nhiều nỗ lực đề nghị đều được địa phương trả lời đã hết hoặc là khu vực cấm. Vì vậy, chủ đầu tư phải đi mua nguyên liệu ở rất xa. Tổng mức đầu tư cho riêng việc san lấp đã lên tới 2000 tỷ đồng. Hiếm có nhà đầu tư nào chưa khởi công dự án đã nỗ lực đầu tư và triển khai quyết liệt như vậy.

Ấn tượng công nghệ mới

Từng có mặt tại nhiều dự án quai đê, lấn biển như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện ở Bình Thuận... với sự tham gia của các doanh nghiệp quân đội như Công ty Lũng Lô, Tổng công ty Đông Bắc, chúng tôi thêm một lần ấn tượng với công nghệ lấn biển mới của ITACO. Đã có tới hàng nghìn cây cừ Lasen bằng bê tông cốt thép có chiều rộng 1m và dài từ 28 đến 44m, nặng 15 đến 25 tấn, được sản xuất theo công nghệ độc quyền của hãng Misubishi (Nhật Bản), dùng hệ thống cẩu và búa máy lớn đóng ép xuống đáy biển, tạo thành một dãy tường kè vững chãi. Nhờ công nghệ này, có thể chế ngự được sóng lớn, thủy triều, giúp cho mặt bằng vững chắc, không bị cuốn trôi như cách làm cũ. Đến nay, nhà thầu đã thi công được 6,5km/8km cừ vây đê bao chắn sóng.

Kỹ sư Lê Văn An, Anh hùng Lao động, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện nông nghiệp và thủy lợi cho biết: “Đây là đê bao chắn sóng lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam sử dụng hệ thống cừ Lasen từ trước tới nay”. Còn theo bà Đặng Thị Hoàng Yến, công nghệ này với sự tiên phong của ITACO, có thể mở ra kinh nghiệm, hướng đi mới trong xây dựng các công trình ven biển ở Việt Nam. Đây sẽ còn là một nhà máy nhiệt điện đầu tiên ở Việt Nam “xanh, sạch, đẹp” giống như nhiều nhà máy nhiệt điện hiện đại ở Nhật Bản mà bà Yến từng tận mắt chứng kiến. Với nhà máy này, ITACO mong muốn sẽ mang đến một hình ảnh nhiệt điện mới, không còn là nỗi ám ảnh về môi trường với người dân như nhiều nhà máy nhiệt điện hiện nay.

Tập đoàn Tân Tạo khẳng định, với tiến độ như hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 sẽ được khởi công vào tháng 12-2010.

 

Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc ITACO: Những thông tin về việc ITACO đang khó khăn về vốn nên dự án bị “đắp chiếu” là hoàn toàn bịa đặt do một số nhà thầu thứ cấp gian lận về hạng mục san lấp bị loại khỏi dự án đưa ra.

Ông Phạm Vũ Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, ghi nhận chủ đầu tư đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ đóng cừ, kè san lấp. Thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chủ đầu tư về cơ chế chính sách.

Bài và ảnh: ĐỨC TOÀN - NGUYÊN MINH