itaexpress / Tin ITA / Tân Tạo hôm nay / Sự kiện / Tập đoàn Tân Tạo khởi kiện Báo Người cao tuổi, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa và phóng viên Hồng Lĩnh

Tập đoàn Tân Tạo khởi kiện Báo Người cao tuổi, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa và phóng viên Hồng Lĩnh

Ngày 29/08/2011 Tập đoàn Tân Tạo đã khởi kiện Báo Người cao tuổi, Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa và phóng viên Hồng Lĩnh vì đăng tải các thông tin sai sự thật, bịa đặt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và thiệt hai về tài sản của Tập đoàn Tân Tạo tại các bài báo “Doanh nghiệp lao đao vì Tập đoàn Tân Tạo” ngày 12/8/2011; Tran Jimmy: “Nếu Bộ Công an gọi, tôi sẵn sàng về hợp tác làm rõ” ngày 16/8/2011 và “Dự án nhiệt điện của Tập đoàn Tân Tạo tại Kiên Giang: Đại công trường thành Đại công nợ” ngày 18/8/2011

Kính gửi: Tòa án nhân dân quận Ba Đình

Người khởi kiện:

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo

Giấy đăng ký kinh doanh số: 0302670307

Do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp ngày 03/2/2010

Đại diện pháp luật: ông Thái Văn Mến Chức vụ: Tổng Giám đốc

Địa chỉ: Lô 16, đường số 2, KCN Tân Tạo, Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh

Người bị kiện:

1. Báo Người Cao Tuổi, địa chỉ 12 Lê Hồng Phong - Ba Đình - Hà Nội;

2. Ông Kim Quốc Hoa,Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi;

3. Phóng viên Hồng Lĩnh, đăng bài trên báo Người Cao Tuổi.

NỘI DUNG

Chúng tôi khẳng định nội dung các bài báo nêu trên là hoàn toàn bịa đặt, vu khống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam khi nói sai sự thật về các dự án trọng điểm Quốc gia và Tập đoàn Tân Tạo – Một trong những Doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong suốt 17 năm qua đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Đất nước, tạo hàng triệu công ăn việc làm, biến những vùng đất ngập mặn, không giá trị sản xuất nông nghiệp thành những khu CN Xanh – Sạch – Đẹp, đóng góp tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, vào hoạt động giúp cho sự nghiệp giáo dục và cộng đồng xã hội trên cả nước Việt Nam.

Các thông tin đăng sai sự thật và bịa đặt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn Tân Tạo, hàng chục ngàn cổ đông, kéo theo ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong các Khu CN với hàng triệu lao động đang làm việc trong các Khu Công nghiệp của Tập đoàn Tân Tạo trên cả nước.

CỤ THỂ:

1. Bài báo cho rằng Dự án do Tập đoàn ENSHAM (Úc) đang thực hiện suôn sẻ, theo đúng quy trình, thủ tục thì phải ngưng vì Dự án Nhiệt điện Kiên Lương được giao cho Tân Tạo vào đầu năm 2008.

Đây hoàn toàn là thông tin bịa đặt, vu khống vì trên thực tế việc Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Tân Tạo thực hiện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương là theo văn bản số 1385/TTg-KTN ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ dựa trên đề xuất của các bộ ngành tại các công văn số 6593/BCT-NL ngày 30/7/2008 của Bộ Công thương; số 5612/BGTVT-KHĐT ngày 30/7/2008 của Bộ Giao thông vận tải, số 734/UBND-TH ngày 06/8/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Trong đó, đặc biệt là văn bản số 6593/BCT-NL ngày 30/7/2008 của Bộ Công thương có ghi rõ “UBND tỉnh cũng đã có văn bản giới thiệu, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho phép các nhà đầu tư nêu trên (trong đó có ESHAM) tham gia đầu tư, tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu các nhà đầu tư đã tự rút lui”. Như vậy, hoàn toàn không thể có chuyện tập đoàn ESHAM đang triển khai dự án suôn sẻ, theo đúng quy trình, thủ tục thì bị ngưng vì quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời trước khi được Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, trong suốt nhiều năm nghiên cứu Dự án với sự tham gia của các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế và trong nước, Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng và nhận được sự chấp thuận và ủng hộ của các bộ ngành khác như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng… (có văn bản kèm theo).

Như vậy, việc Thủ tướng giao cho Tập đoàn Tân Tạo thực hiện dự án đã thực hiện đúng quy trình và hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật của Việt Nam .

  • Với những chứng cứ trên đã khẳng định bài báo đã vu cáo trắng trợn, không tôn trọng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam. Bài báo làm giảm nghiêm trọng hình ảnh và môi trường đầu tư tại Việt Nam mà Đảng, Chính phủ và mọi người dân Việt Nam đã và đang bền bỉ dày công xây dựng. Sự xuyên tạc này sẽ làm cho các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá sai về Việt Nam, cho rằng môi trường đầu tư và các quyết định của Chính phủ Việt Nam là không minh bạch.
  • Với việc xuyên tạc, bịa đặt này đã bôi xấu hình tượng của Tập Đoàn Tân Tạo – một tập đoàn đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài – Đã được thưởng 02 Huân chương Lao động Hạng 3 và 01 Huân chương Lao động hạng 2 cùng nhiều cờ xuât sắc thi đua dẫn đầu của Thủ Tướng Chính phủ, đã được tặng danh hiệu siêu sao kinh doanh. Làm lẫn lộn giữa cái tốt và cái xấu, gây hoang mang đến nhà đầu tư. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang đóng góp 20% GDP của cả nước, do vậy thiệt hại vô cung to lớn.
  • Xuyên tạc Tập đoàn Tân Tạo chính là đánh vào các doanh nhân, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã được Nghị Quyết TW Đảng khẳng định là một lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay các DN Tư nhân đã tạo 42.2 triệu công ăn việc làm chiếm trên 87% lao động của cả nước, đóng góp 48% GDP của cả nước, làm doanh nghiệp suy yếu dẫn đến đất nước suy yếu, an ninh xã hội sẽ thách thức sự ổn định của đất nước.
  • Về thiệt hại trực tiếp: Làm cho cổ phiếu của ITA sụt giảm, gây thiệt hại. Đặc biệt nếu xác định PV Hông Lĩnh là người cùng phóng viên Hà Phan ( vừa bị Tòa án TP.HCM xử 7 năm tù giam) viết chung bài báo sai sự thật đăng trên báo Tiền Phong dẫn đến sự thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần: Về vật chất: trước khi bài báo đăng ngày 22/9/2010, giá cổ phiếu ITA đang là 18.800VND/cổ phiếu, sau khi đăng bài trên báo tiền phong vào ngày 22/9/2010 đến nay với các loạt bài vu khống trên báo Người Cao Tuổi – Việc sụt giảm CP ITA từ bài báo đầu tiên đến nay là do chính PV Hồng Lĩnh, Báo Người cao tuổi và Ông Kim Quốc Hoa gây ra. Tính thiệt hại vật chất là hơn: 3.283 tỷ VND.

2. “Việc xây dựng cảng nước sâu tại quần đảo Nam Du là cảng trung chuyển than cũng đã có ý kiến phản ứng, cho rằng không hợp lý”. “Phía tư vấn Tập đoàn ENSHAM trước đó đã nghiên cứu giải pháp sử dụng luồng tuyến của Công ty xi măng Holcim, theo đó nạo vét sâu thêm, giai đoạn I bảo đảm cho tàu 6 vạn tấn (60.000DWT), giai đoạn II cho tàu 12 vạn tấn (120.000DWT). Nghĩa là nguồn nhiên liệu than phải vào thẳng nhà máy chứ không cần qua cảng trung chuyển tốn kém thời gian, tiền bạc”.

Đây là những thông tin vô căn cứ, không có cơ sở pháp lý cũng như khoa học, thể hiện sự coi thường, không tôn trọng các nghiên cứu và các văn bản pháp lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông, Cục Hàng Hải, các công ty tư vấn cảng biển quốc tế và trong nước đã phải nhiều năm tốn kém nhiều tỷ đồng ngân sách để nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng các cảng trung chuyển than cho các trung tâm điện lực tại miền Nam cho đến khi Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du của Tập đoàn Tân Tạo trình lên đã được đánh giá như là một cứu cánh có tính khả thi cao và giải được bài toán nhập khẩu than trong tương lai của Việt Nam.

Cụ thể:

+ Quyết định số 2190/2008/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó có quy định rõ tại điều 2 , quy định nhóm 6 nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam) theo đó “Cảng chuyên dung nhập than cho các nhà máy điện gồm đấu mối tiếp chuyển ngoài khơi cho tàu 100.000-200.000 DWT và bến tại nhà máy cho phương tiện nhỏ”. “Phía Tây đồng bằng sông Cửu Long đầu mối tiếp chuyển than tại quần đảo Nam Du; bến của nhà máy tại Kiên Lương – Kiên Giang”. Theo quy hoạch này, các bến tại Kiên Lương và các bến khác ven bờ đều có cỡ tàu là 2.000-5.000 DWT. Bến Bình Trị, Kiên Lương thiết kế cho cơ tàu 5.000-7.000DWT.

+ Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 18/5/2010 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về cân đối than cho các nhà máy nhiệt điện có nêu rõ giao Ban chỉ đạo nhập khẩu than thúc đẩy việc xây dựng cảng trung chuyển nhập khẩu than.

+ Văn bản số 1432/CHHVN-KHTC ngày 30/6/2010 của Cục Hàng hải Việt Nam về thỏa thuận vị trí và quy mô cảng chuyên dung trung tâm điện lực Kiên Lương khẳng định trọng tải tàu tối đa vào cảng Kiên Lương là 10.000 DWT.

+ Các báo cáo khảo sát, nghiên cứu và quy hoạch của Tập đoàn FHDI, Royal Haskoning (chưa kể đến các nghiên cứu gần đây của các đơn vị tư vấn quốc tế và trong nước khác như JPC, Portcoast, TEDIport, CMB), đơn vị tư vấn khảo sát, quy hoạch và thiết kế đều chứng minh rằng luồng tàu hiện tại và điều kiện tự nhiên chỉ cho phép thiết kế cảng Kiên Lương tiếp nhận tàu đến 10.000 DWT và chỉ cảng Nam Du mới có thể tiếp nhận được tàu từ 100.000 -200.000 DWT.

Để có thể vận chuyển than từ Indonesia và Úc về Việt Nam thì tàu nhỏ nhất đối với khu vực gần của Indonesia là 15.000-40.000DWT và từ Úc hoặc khu vực xa của Indonesia, phải chở bằng tàu, tối thiểu là 50.000-60.000DWT mới đảm bảo khả năng kỹ thuật tuy nhiên về mặt hiệu quả sẽ rất thấp do đội giá thành lên rất cao. Để cho hiệu quả thì tàu chuyên chở than phải có trọng tải từ 80.000 DWT - 150.000 DWT.

Như vậy, việc xây dựng cảng Nam Du là đặc biệt cần thiết và quan trọng trong chương trình an ninh năng lượng quốc gia. Thông tin bài báo đưa ra là cảng Kiên Lương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 60.000 DWT(giai đoạn 1) và 120.000 DWT (giai đoạn 2) là không có căn cứ pháp lý, kỹ thuật và hoàn toàn đi ngược lại các quyết định của Thủ tướng, Cục Hàng hải cũng như các kết quả nghiên cứu của các đơn vị tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín trong lĩnh vực phát triển cảng biển. Những thông tin bịa đặt này làm ảnh hướng nghiêm trọng đến quá trình triển khai Dự án cảng Nam Du, gây khó khăn cho việc thu xếp tài chính…làm tổn hại đến hiệu quả đầu tư của Tập đoàn nói riêng và ảnh hướng nghiêm trọng đến chương trình bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia.

3. Việc bà Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo mua bức ảnh trị giá một triệu USD của ông Trần Lam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Mục đích mua bức ảnh là để làm từ thiện. Nhưng vì sao không mua của người khác mà lại mua của ông Trần Lam? Phải chăng bà Đặng Thị Hoàng Yến muốn trả ơn ông Trần Lam vì đã có công đưa bà Yến tới dự án Nhiệt điện Kiên Lương?

Đây không chỉ là hành động vu khống trắng trợn, xuyên tạc những cử chỉ tốt đẹp, đền ơn đáp nghĩa mà còn bôi nhọ nhân cách của các đồng chí lãnh đạo lão thành.

Bức ảnh do ông Trần Lam chụp lăng Hồ Chủ tịch với tiêu đề “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” với chữ ký tặng của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2010. Đây là bức ảnh có ý nghĩa hết sức thiêng liêng, thể hiện được tấm lòng của người con miền Nam ra thăm Lăng Bác. Bức ảnh đã được ông Trần Lam tặng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) tỉnh Kiên Giang để bán lấy tiền cứu chữa bệnh nhân nghèo.

Tại Lễ tôn vinh những tấm lòng vàng” nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Hội Bảo trợ trẻ em nghèo tỉnh Kiên Giang tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo - đã mua bức ảnh này với giá 1 triệu USD thông qua cuộc bán đấu giá từ thiện. Ông Trần Lam không nhận khoản tiền này. Nhờ nguồn tiền thu được từ đấu giá mà 500 trẻ em bị bệnh tim ở ĐBSCL được cứu sống.

Như vậy, rõ ràng ông Trần Lam không hề có quyền lợi cá nhân gì trong việc đấu giá và mua tranh này. Cuộc đấu giá là công khai với nhiều người chứng kiến. Nếu chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo không tham gia đấu giá thì hoàn toàn có thể có doanh nghiệp khác mua bức tranh này. Với truyền thống làm từ thiện từ nhiều năm, ý nghĩa của bức ảnh và đặc biệt là mục đích cuộc đấu giá nên Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo đã mua bức tranh này. Việc bài báo cho rằng đây là trả ơn ông Trần Lam là hoàn toàn vu khống, xúc phạm danh dự ông Trần Lam và Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo, bà Đặng Thị Hoàng Yến.

4. “Đại công trường” hoang vắng. Bài báo miêu tả khu TTDL Kiên Lương như là một khu đất hoang “cổng vào sình lầy, cỏ mọc hoang tàn”. Bài báo kèm theo một bức ảnh nhà tranh, nền đất.

Bài báo đã cố tình bôi nhọ hình ảnh của một dự án trọng điểm quốc gia, đưa thông tin sai lệch và phiến diện gây ảnh hưởng nghiêm trọng .

Để thực hiện việc xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương ra khu lấn biển đòi hỏi Chúng tôi sẽ phải nạo vét toàn bộ khối lượng bùn dưới biển và sau đó phải sử dụng loại vật liệu đất, đá, cát đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để san lấp mặt bằng tại khu lấn biển nâng cao độ từ (âm) -4m đến -13m đến cao độ +3,27m. Nhu cầu về cát san lấp lên tới trên 48 triệu m3. Đến nay mặt bằng và hạ tầng của giai đoạn 1 của TTĐL Kiên Lương đã cơ bản hoàn thành.

Không chỉ riêng dự án ĐLKL mà tất cả các dự án trong tổng sơ đồ VI đều phải cần thời gian khá dài để chuẩn bị mặt bằng, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện, bảo lãnh chính phủ và thu xếp vốn vay quốc tế và dự án sẽ chỉ khởi công khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Dự án Điện Kiên Lương đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục pháp lý để ký hợp đồng mua bán điện và thu xếp tài chính. Việc khởi công sẽ chỉ được thực hiện khi Thủ tướng cho phép.

Những bức ảnh chụp dưới đây để thấy rõ nỗ lực của chúng tôi.

Ảnh minh họa: Trên: Sân đậu trực thăng, công viên của TTĐL Kiên Lương;

Dưới: Tòa nhà Trụ sở VP Kiên Lương Star và khu lấn biển.

Tuy nhiên, tác giả đã chụp một túp lều tạm chứa dụng cụ xây dựng để bôi bác dự án. Thực tế bất cứ ai, từ Đoàn Đại biểu Ban Dân nguyện Quốc Hội, đến đoàn của Phóng viên các tờ báo lớn chính thống như: Báo Quân đội Nhân dân, Báo Lao động, Pháp Luật, Thời báo kinh tế Việt Nam, và rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến thăm quan đều phát biểu nói lên sự kinh ngạc và cảm phục nỗ lực cố gắng vượt bậc của Tập đoàn Tân Tạo trong việc dời non, lấp biển để xây dựng TTĐL Kiên Lương và đặc biệt ngay ở nơi mênh mông trời nước, công viên cây xanh và những hàng cây xanh rì đang chống trả lại bão gió để vươn lên thể hiện triết lý kinh doanh của tập đoàn dù ở bất cứ dự án nào cũng luôn quan tâm đến môi trường Xanh – Sạch – Đẹp.

Rõ ràng mục đích của bài báo là bôi nhọ hình ảnh dự án.

5. “Đại công nợ”; “hiện Tập đoàn Tân Tạo đang nợ nhiều tỷ đồng”. “Tổng số tiền nợ là rất lớn nhưng việc đòi nợ vô cùng gian nan”.

Tập đoàn Tân Tạo là một đơn vị công khai minh bạch và hoàn toàn lành mạnh về tài chính. Tập đoàn Tân Tạo trong đó Công ty cổ phần Đầu tư & Công Nghiệp Tân Tạo là công ty đại chúng, đã niêm yết và có gần 20.000 cổ đông trong và ngoài nước. Mọi thông tin về Công ty đều minh bạch, đã được Kiểm toán Ernst & Young kiểm toán suốt từ năm 2004 đến nay và bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy các báo cáo về tài chánh trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong suốt 17 năm hoạt động, tổng dư nợ trên tổng tài sản của Tập đoàn luôn ở dưới mức 30%. Thậm chí trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế như hiện nay dư nợ/tổng tài sản của chúng tôi cũng chỉ là 28%. So sánh với hàng trăm doanh nghiệp niêm yết, có bao nhiêu doanh nghiệp có dư nợ/tổng tài sản lên đến 100% và nhiều hơn thế. Không hiểu tác giả có kiến thức về kinh tế hay không khi cho rằng mức dư nợ/ tổng tài sản là 28% hiện nay của Tân Tạo là “đại công nợ” hay tác giả cố tình đánh lừa các cổ đông và nhà đầu tư về tình hình tài chính của Tân Tạo với ý đồ xấu. Việc tác giả lập lờ khi cho rằng “chưa có con số thống kế, hiện Tập đoàn Tân Tạo đang nợ mấy trăm hay mấy nghìn tỉ đồng” là vô căn cứ vì bất kỳ một ai cũng có thể kiểm chứng trong báo cáo kiểm toán công khai của Tập đoàn.

Ngoài ra, bài báo cũng đưa những thông tin thất thiệt về tranh chấp hợp đồng giữa Tân Tạo và các đối tác. Mối quan hệ giữa Tập đoàn Tân Tạo và các đối tác là mối quan hệ kinh tế với quyền và nghĩa vụ các bên được quy định rõ trong Hợp đồng kinh tế. Theo đó, khi có phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, các bên sẽ phải thực hiện theo đúng các điều khoản của Hợp đồng (cụ thể là sẽ mời Trọng tài Kinh tế hoặc Tòa án phán xét), không được bôi nhọ đối tác và tuyệt đối không được sử dụng những từ ngữ như báo nêu và đưa thông tin phiến diện một chiều.

Liên quan đến nội dung này, bài báo đã cố tình xuyên tạc tình hình tài chính của Tập đoàn Tân Tạo gây thiệt hại nặng nền cho hoạt động của Tập đoàn và gây thua thiệt cho các nhà đầu tư và các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu ITA.

Công ty Cổ Phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm đơn này kính đề nghị Quý Tòa án nhân dân quận Ba Đình thụ lý Đơn khởi kiện này và đưa ra xét xử nghiêm minh:

Buộc Báo Người Cao Tuổi, Ông Kim Quốc Hoa –Tổng biên tập và Phóng Viên Hồng Lĩnh:

1. Phải đăng bài cải chính xin lỗi các Bộ, Ban ngành liên quan đến việc xét duyệt dự án Cảng biển Nam Du và TTĐL Kiên Lương, xin lỗi Tập đoàn Tân Tạo, xin lỗi toàn thể Cổ đông của Tập đoàn, đồng thời đền bù các thiệt hại do các thông tin sai sự thật nêu trên gây ra;

2. Phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vật chất do sụt giảm cổ phiếu trên sàn Chứng khoán, đình trệ sản xuất - kinh doanh, gây trở ngại trong viêc ký kết, thực hiện hợp đồng với đối tác,…vì thông tin thất thiệt, sai sự thật, vu khống;

3. Phải bồi thường việc gây đình trệ công việc, mất thời gian của Lãnh đạo Tập đoàn, bồi thường tiền lệ phí luật sư;

4. Bồi thường về danh dự cho Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch tập đoàn, Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên do bị xúc phạm và có thể bị nhân dân hiểu nhầm.

5. Đề nghị Tòa Án xem xét những hành động vi phạm pháp luật, các hành động mang tính chất phá hoại nền kinh tế có hệ thống của Phóng viên Hồng Lĩnh từ việc cùng phóng viên Hà Phan viết và đăng bài xuyên tạc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, Tập đoàn Tân Tạo để tống tiền, đến hành vi phỏng vấn tội phạm, vi phạm Luật tố tụng hình sự, có dấu hiệu đồng phạm với tội phạm bị truy nã … Cần đề nghị các cơ quan chức năng: Rút thẻ nhà báo để khởi tố điều tra xét xử nghiêm minh theo Luật pháp.

6. Đề nghị Tòa án xem xét việc tiếp tay của Tổng biên Tập báo Người cao tuổi cho phóng viên Hồng Lĩnh, tiếp tay cho tội phạm truy nã. Đặc biệt nghiêm trọng: Mở thư mục Bạn đọc, nhưng chỉ đăng tải thông tin một chiều, loại bỏ toàn bộ các ý kiến của bạn đọc cũng như của chính Tập Đoàn gởi cho Mục Bạn đọc nhằm tiếp tục kích động nhân dân tin vào những thông tin bịa đặt, xuyên tạc để tạo thành phong trào phá hoại sự ổn định kinh tế chính trị của đất nước. Cần đề nghị các cơ quan chức năng: Rút thẻ nhà báo, cách chức Tổng biên tập của ông Kim Quốc Hoa để khởi tố điều tra xem xét tính chất nghiêm trọng của ông Tổng biên tập đang lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để hoạt động phá hoại nền kinh tế và bôi nhọ các cơ quan Lập pháp, hành pháp, các Đại biểu Quốc Hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Các tài liệu gửi kèm theo:

1. Các bài báo liên quan

2. Văn bản số 1385//TTg-KTN ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ; công văn số 6593/BCT-NL ngày 30/7/2008 của Bộ Công thương; số 5612/BGTVT-KHĐT ngày 30/7/2008 của Bộ Giao thông vận tải, số 734/UBND-TH ngày 06/8/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang

3. Quyết định số 2190/2008/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Văn bản số 1432/CHHVN-KHTC ngày 30/6/2010 của Cục Hàng hải Việt Nam

4. Các báo cáo khảo sát, nghiên cứu và quy hoạch của Tập đoàn FHDI, Royal Haskoning

5. Hình ảnh, các bài báo phản ánh trung thực về Kiên Lương,

6. Các báo cáo kiểm toán.