itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Châu Mỹ Latin và CNXH của thế kỷ 21

Châu Mỹ Latin và chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21

Châu Mỹ Latin

Năm 2006 đã là năm khẳng định một chọn lựa chính trị “khác” bên cạnh chọn lựa “kinh tế thị trường” (còn gọi là “TBCN”). Cơ bản, đó chính là chọn lựa của đa số dân chúng các nước Venezuela, Chile, Argentina, Bolivia, Brazil, Nicaragua, Ecuador... bằng lá phiếu dành cho cánh tả.

Lựa chọn bằng lá phiếu

Tất cả những thay đổi này đã diễn ra trong khuôn khổ của các cuộc bầu cử phổ thông, tự do và hợp pháp. Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Chavez ở Venezuela hôm 10-1 vừa qua là một minh chứng cho xu hướng “trong ôn hòa” này sau khi đã rút ra những bài học xưong máu.

Năm 1992, ông Chavez đã định cướp chính quyền qua một cuộc đảo chính bị đập tan. Mười năm sau, khi ông Chavez đã cầm quyền, cánh hữu cũng đã tổ chức một cuộc chính biến nhằm lật đổ ông sau gần một năm tổ chức xuống đường liên tục, song thất bại.Từ đó, hai phe thôi không dùng vũ lực để thanh toán nhau nữa mà dùng lá phiếu cử tri.

Lần đầu tiên sau một cuộc bầu cử, đại diện cánh hữu, ứng cử viên Manuel Rosales, đã sòng phẳng nhìn nhận 61% cử tri đã bỏ phiếu cho ông Chavez. Song, ngược lại, cánh của ông Rosales cũng có thể tự tin với điều mà thủ lĩnh của họ gọi là “các kết quả cho thấy chúng ta là thiểu số, song là một thiểu số chưa từng mạnh mẽ như bây giờ (31% số phiếu, song là cao nhất từ trước tới giờ). Ông Chavez cần hiểu ý nghĩa của các kết quả bầu cử là như thế”. Nhắn nhủ sau cùng này của ông có nghĩa: đa số phải tôn trọng thiểu số. Chớ tìm cách “nuốt”!

Cái được lớn nhất cho người dân Venezuela qua cuộc bầu cử vừa qua là chính họ, chứ không phải ai khác, đã chọn con đường và người dẫn họ đi trên con đường đó. Nay dân chúng có thể chọn một chính phủ cánh hữu, mai có thể chọn một chính phủ cánh tả. Điều này, thật ra, cũng đã diễn ra tại Pháp năm 1981, khi cánh tả của ông Mitterrand thắng cử và lưu lại trong 14 năm, sau đó lại là cánh hữu. Những đổi thay đó xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh triệt để để sinh tồn.

Cũng thế ở Nicaragua, bãi chiến trường của cuộc nội chiến giữa chính phủ Sandinista và phe phiến loạn Contra trong những năm 1980, cuối năm ngoái cũng đã trải qua một cuộc bầu cử phổ thông. Lãnh tụ phong trào Sandinista là ông Daniel Ortega, “đối tượng” lật đổ của chính quyền Reagan, sau khi bị thua trong cuộc bầu cử năm 1990 trước đối thủ cánh hữu (bà Violeta Chamorro), nay đã trở lại cầm quyền bằng đa số phiếu của cử tri.

Ở Bolivia, cánh tả với ông Evo Morales cũng đã thắng, ở Chile với bà Bachelet... Sự chọn lựa bằng lá phiếu của cử tri là tối thượng chứ không phải bằng bạo lực đã thay đổi màu sắc của các chính phủ ở châu Mỹ Latin. Vigévani của Trung tâm CEDEC nhấn mạnh: “Xu hướng chung là những mảng bị gạt ra bên lề xã hội nhiều nhất nay đang có tiếng nói của họ và có khả năng gây sức ép lớn hơn” (nguồn: “Defining Latin Americas Leftist Governments”, Mario Osava, IPS 27-12-2006).

Có thể thấy ở đầu thế kỷ 21 này vai trò của lá phiếu trong các diễn biến nêu trên. Thế nhưng, cũng có một chút thận trọng cần thiết: “Dẫu sao, những diễn biến này cũng gắn liền với một vài cá nhân ngoại hạng và do đó, mọi việc có thể sẽ thay đổi chỉ trong các cuộc bầu cử tới”

Bối cảnh chọn lựa

Tổng công hiện có khoảng 325 triệu/550 triệu dân châu Mỹ Latin đang sống cùng các chính phủ cánh tả mà họ đã bầu lên. Sự phân hóa chính trị tả/ hữu đã được thể hiện rất rõ qua các kết quả bầu cử ở từng nước này. Sự phân hóa xã hội không chỉ trong quan hệ đối kháng giàu/nghèo, mà còn có gắn với “dây mơ rễ má” nhóm chủng.

Tại châu Mỹ Latin, 32% dân số là người da trắng, 44% dân số là người lai, 11% người thổ dân... Trong nhóm da trắng, đầu tiên là gốc Tây Ban Nha (Bồ Đào Nha ở Brazil), sau đó là gốc châu Âu, sau này (đặc biệt từ sau 1960, từ trào tổng thổng Kennedy) là gốc Mỹ.

Cái giàu nghèo có liên quan đến gốc gác nhóm chủng này “gia truyền” từ đời này sang đời khác: ở đây có thể là tài nguyên dầu hỏa, ở kia là ruộng đất...và hầu như thảy thuộc về người da trắng. Bần cùng nhất là người gốc thổ dân.

Từ sự phân hóa đó, đầu thế kỷ 19 nổi lên cuộc cách mạng mang tên Simon Bolivar, còn được mệnh danh là “George Washington của châu Mỹ Latin” (lúc đó chưa chia thành từng quốc gia riêng rẽ như sau này) và vẫn đang tiếp diễn đến bây giờ. Tiêu biểu là việc Đất nước Venezuela vừa đổi tên nước là República Bolivariana de Venezuela (Cộng hòa Bolivar ở Venezuela).

Nếu như mục tiêu ban đầu, độc lập khỏi “mẫu quốc”, đã giải quyết xong, thì lại không giải quyết được vấn đề phân hóa giàu nghèo do “gốc gác tổ tiên mẫu quốc” này. Nhà ngữ học kiêm hoạt động chính trị nổi tiếng toàn cầu trong suốt mấy mươi năm qua Noam Chomsky viết như sau về vấn đề này:

“Lịch sử thực dân ở châu Mỹ Latin để lại tại mỗi nước một sự phân hóa nội bộ nặng nề giữa một thiểu số tinh hoa giàu sụ và một đại đa số người nghèo. Sự liên hệ với nhóm chủng là rất gần gũi. Giới tinh hoa giàu có là da trắng, gốc Âu và phương Tây hóa so với quần chúng nghèo... Mối liên hệ chặt chẽ đó còn tiếp tục đến tận bây giờ” (Historical Perspectives On Latin American And East Asian Regional Development, Noam Chomsky Jan 10, 2007.

Có thể thấy điều đó ở Venezuela năm 2002 qua những cuộc xuống đường của cánh giàu nhằm tự bảo vệ trước các quyết định gắt gao của ông Chavez, như quốc hữu hóa ngành dầu hỏa. Ở Venezuela, người da trắng (29% dân số) giàu có, số còn lại 60% người lai, 8% gốc châu Phi, 1% gốc thổ dân... Ở Peru, sắc màu “gốc gác” này còn nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Evo Morales đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng khốn khổ của đại đa số là dân bản địa.

Các nước này hầu như cùng trải qua những chặng đường lịch sử giống nhau: thực dân, độc tài, kinh tế thị trường, khủng hoảng kinh tế tài chính... Mexico, Brazil... đã nổi tiếng với những món nợ không trả nổi cùng những hậu quả của việc trở thành “học trò giỏi” của IMF để “kinh tế thị trường” quá máy móc.

Cánh tả thế kỷ 21 như thế nào?
Nhà xã hội học Marcos Novaro (Đại học Buenos Aires, Argentina) xác lập rằng có ít nhất hai cánh tả ở châu Mỹ Latin. Một là “dân túy, chống đế quốc, chống Mỹ và chống chủ nghĩa tân tự do” như là Chavez ở Venezuela, Morales ở Peru và Obrador (thất cử ở Mexico tháng sáu năm ngoái). Hai là “dân chủ xã hội ôn hòa” như Lula Da Silva ở Brazil, Michelle Bachelet ở Chile, Nestor Kirchner ở Argentina, Tabare Vasquez ở Uruguay...

Tuy nhiên, theo Marta Lagos, giám đốc Tổ chức quan sát dư luận “Latinobarometro” vừa tiến hành nghiên cứu các cuộc bầu cử ở 18 nước châu Mỹ Latin, “ngày nay các đảng “tân tả” không còn gọi là cánh tả nữa mà là dân chủ xã hội.

Các chính phủ này nhấn mạnh đến việc xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội cần thiết cho việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong khi vẫn không dứt khoát với quá khứ tự do kinh tế của các nước này. Từ ngữ “cánh tả” có thể gây ngộ nhận, đồng hóa các chính phủ này với các phong trào như của Che Guevara, Salvador Allende ở Chile và chính cuộc cách mạng Cuba.

Các chính phủ với gốc gác tả này, như trường hợp chính phủ Vasquez ở Uruguay, trong đó có bao gồm một số đảng viên Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội, song chính sách vẫn không “tả”, trong ý nghĩa thực hiện công bằng xã hội và tập thể hóa phương tiện sản xuất. Họ cũng không tìm cách lấn chiếm quyền hành trong chính phủ. Sức mạnh của chủ nghĩa tân tự do kinh tế, bộ máy sản xuất, hệ thống quốc tế ngày càng làm giảm đi khả năng “tả hóa” thật sự tại các quốc gia này.

Nôm na mà nói, guồng máy chính trị đang dựa trên lá phiếu bầu, kinh tế thị trường đang vận hành, có thể trục trặc đâu đó ở khâu phân phối, song không thể vì thế mà có thể phá bỏ chúng, nhất là khi kinh tế thế giới đang vận hành như thế.
Những diễn biến ở châu Mỹ Latin cho thấy nhiều bài học lớn:

1/ Người dân là tối thượng và vạn đại.

2/ Chống lại phân hóa giàu nghèo.

3/ Không có một công thức chung “bào chế sẵn” hay “giáo điều”, mỗi nước phải tự tìm tòi để đáp ứng những điều kiện riêng của mình.

Danh Đức