itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Ai Cập công bố tài sản gia đình ông Mubarak

Ai Cập công bố tài sản gia đình ông Mubarak

Truyền thông Ai Cập ngày 4-6 cho hay gia đình cựu tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak có hàng trăm triệu USD trong các tài khoản ngân hàng, 40 căn biệt thự cùng nhiều đất đai khác.

Bắt thiếu tướng Hassan Abdel Rahman

Báo Al-Masry Al-Youm dẫn thông báo của Cơ quan chống thu nhập bất chính Ai Cập (IGA) cho hay họ đã tổng thanh tra khối tài sản của ông Mubarak, bà vợ Suzanne, hai con trai Alaa, Gamal, hai con dâu Heidi Rasekh, Khadiga al-Gammal.

Kết quả cho thấy người giàu nhất là Alaa và vợ, sau đó tới Gamal và vợ, bà Suzanne và cuối cùng là ông Mubarak.

Vợ chồng Alaa có 140 triệu bảng Ai Cập (tương đương 23 triệu USD) trong tài khoản. Người con trai cả này còn điều hành một sàn giao dịch chứng khoán với sự trợ giúp của các cựu giám đốc thời ông Mubarak, trong đó có người giúp anh ta kiếm 30 triệu bảng Ai Cập (gần 5 triệu USD) mỗi tuần. Alaa còn kiếm hàng triệu USD từ Công ty Golden mà anh ta thành lập ở nước ngoài cùng các quỹ đầu tư mang tên Horus 1, 2 và 3. Alaa cũng sở hữu một trang trại gia cầm rộng 27 mẫu Anh có khả năng sinh lời hàng chục triệu USD.

Vợ chồng Gamal có 100 triệu bảng Ai Cập (hơn 16 triệu USD) trong tài khoản.

Hai anh em còn có khoảng 352,5 triệu USD tại Thụy Sĩ, hơn 2 tỉ bảng Ai Cập (331 triệu USD) và cổ phiếu ở các công ty trên đảo Cyprus, Anh và Mỹ. Ngoài ra, họ còn rửa tiền ra nước ngoài thông qua các công ty hải ngoại. Họ còn kiếm nửa tỉ bảng Ai Cập khi bán Ngân hàng Al-Watany.

Ông Mubarak có 147 triệu USD trong tài khoản có thể gửi vào rút ra tùy ý. IGA tiết lộ khoản lương hưu, các huân huy chương và những ưu đãi suốt hơn 30 năm tại vị đã phản ánh chính xác những nguồn thu của vị cựu tổng thống.

Chủ tịch IGA Assem al-Gohary cho hay mọi cuộc điều tra đã hoàn tất. Ông nói Alaa và Gamal đã dùng vị thế của cha mình để có được những khoản tiền mặt khổng lồ, xe hơi đắt tiền, đất đai, 40 căn biệt thự ở Sharm el-Sheikh, Cairo.

Ông Gohary cho biết cơ quan tư pháp Thụy Sĩ đã đồng ý coi Ai Cập là một bên trong phiên tòa xét xử Alaa và Gamal về tội rửa tiền. “IGA sẽ công bố tên tuổi của những người liên quan đến vụ việc”, ông Gohary nói.

Cùng ngày 4-6, Ai Cập đã bắt thiếu tướng Hassan Abdel Rahman - cựu giám đốc Cơ quan tình báo an ninh quốc gia (SSIS) - 15 ngày để chờ điều tra. Thẩm phán Mohamed Shawky buộc tội ông Rahman hủy hoại các văn bản an ninh nhà nước.

Hồi tháng 3-2011, hàng trăm người dân đã quây lấy văn phòng SSIS ở Cairo và các văn phòng chính phủ khác sau khi biết thông tin ông này hủy tài liệu làm bằng chứng cho các vụ tham nhũng và lạm dụng chức vụ.

Người dân đã lấy được nhiều văn bản chưa kịp tiêu hủy và giao lại cho các nhà điều tra.

SSIS từng được chính quyền sử dụng làm cơ quan trấn áp các phong trào chính trị.

Theo Phan Anh (TTO)