itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Pháp: thuế VAT “công bằng xã hội”

Pháp: thuế VAT “công bằng xã hội”

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Valérie Pécresse loan báo thuế VAT xã hội sẽ được thực thi “trước bầu cử tổng thống” - Ảnh: Getty Images

Trong giai đoạn khủng hoảng sâu, hầu như các nước đều “nặn óc” để đưa ra những chính sách vừa nhằm đảm bảo thu chi ngân sách, vừa nhằm tái lập hoặc đảm bảo công bằng xã hội.

Ngày 3-1-2012, Bộ trưởng Ngân sách Pháp Valérie Pécresse đã loan báo chính phủ nước này sẽ “đánh” một sắc thuế giá trị gia tăng (VAT) mới ngay trước cuộc bầu cử tổng thống, gọi là “VAT xã hội” (TVA sociale).

Sở dĩ gọi như thế là vì sắc thuế mới này sẽ vẫn duy trì được hệ thống an sinh xã hội hiện hữu vốn đang là “nhà nước chu cấp” (y tế, giáo dục miễn phí). Có khác chăng là nguồn thu VAT sẽ thay đổi một cách “thông minh” nhất, để không những vẫn giữ được năng lực sản xuất của toàn thể xã hội mà còn tăng mạnh được năng lực đó, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Pháp, từ đó tạo thêm công ăn việc làm.

Cho đến nay, giống như ở các nước, phí bảo hiểm xã hội của Pháp vẫn do chủ doanh nghiệp và người lao động cùng đóng. Và để an sinh xã hội chất lượng hơn, một số nước vẫn đều đều tăng phí bảo hiểm xã hội năm sau cao hơn năm trước, cho dù có tăng chi phí sản xuất, đội giá thành hay dịch vụ. Từ nay, Chính phủ Pháp sẽ hạ phí đóng góp bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp sẽ đóng góp ít hơn, giá thành giảm, người lao động cũng đóng ít đi, sức mua tăng hơn mà không cần tăng lương. Bù lại thuế VAT sẽ cao hơn, tùy theo nhóm mặt hàng và dịch vụ, sao cho vẫn đảm bảo được bảo hiểm xã hội.

Được biết hiện nay thuế VAT đánh trên báo chí và thuốc men chỉ là 2,1%, thực phẩm 5,5%, nhà hàng ăn uống 7%, hàng hóa khác 19,6%. Với sắc thuế mới này, đối với những hàng hóa đang có mức thuế 19,6%, nhất là hàng tiêu dùng nhập khẩu, sẽ phải chịu thuế VAT tăng lên, có thể lên đến ngưỡng trần 25% mà EU khống chế.

Chính sách “VAT xã hội” này còn là một chính sách bảo hộ hàng nội địa trá hình khó có thể bị bắt bẻ. Tỉ như đối với một máy hút bụi, giá bình quân hiện nay là 119,60 euro/cái, thuế VAT hiện là 19,6% thì tới đây sẽ tăng đến 22%. Giá bán hàng nhập khẩu sẽ tăng với thuế VAT mới, song giá hàng nội địa sẽ không tăng cho dù cùng chịu thuế VAT mới là 22%, do lẽ giá thành giảm nhờ doanh nghiệp và người lao động được giảm đóng phí bảo hiểm xã hội. Nhờ đó, hàng nội địa tăng sức cạnh tranh, công ăn việc làm đang có được duy trì, công ăn việc làm mới sẽ tăng.

Thật ra, Pháp cũng mới chỉ là đi theo Đan Mạch và Đức trên định hướng “VAT xã hội” này. Đan Mạch, một nhà nước vào hạng “nhà nước chu cấp” (y tế, giáo dục) bậc nhất và thanh liêm hạng nhất trên bảng xếp hạng “Chỉ số cảm nhận tham nhũng”, đã áp dụng chính sách này từ những năm 1987 qua việc tăng VAT lên đến 25%, bù lại là giảm đóng góp bảo hiểm xã hội cho chủ doanh nghiệp từ 50% xuống còn 30%. Nhờ đó, Đan Mạch vẫn bảo đảm được chế độ an sinh xã hội “khét tiếng” của mình và sức cạnh tranh của hàng hóa trên các thị trường xuất khẩu.

Đức cũng áp dụng chính sách này từ ngày 1-1-2007 với việc nâng thuế VAT từ 16% lên 19%, giảm đóng góp bảo hiểm xã hội, nhờ đó Đức vẫn tiếp tục nền kinh tế hướng đến xuất khẩu và đảm nhận vai trò “đầu tàu” kinh tế - tài chính của Liên minh châu Âu (EU).

Đảm bảo công bằng xã hội là định hướng và định nghĩa muôn thuở của mọi chính phủ. Đảm bảo thu chi ngân sách là nhiệm vụ thường trực của mọi chính phủ. Cân bằng được hai yêu cầu này chính là vì sự sinh tồn của các chính phủ. Bao nhiêu chính phủ EU đã sụp đổ năm ngoái vì không chu toàn được hai chức trách này!

Ngay cả một chính phủ cánh hữu Pháp như của ông Sarkozy, năm tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, cũng đã phải ráng giành lấy mảng “xã hội” này. Vấn đề là làm sao định hướng cho đúng các chính sách đó, và mặt khác đồng thời với tăng thuế một cách “thông minh”, cũng dứt khoát giảm chi một cách rốt ráo để xã hội được công bằng hơn.

DANH ĐỨC/TTO