itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / 'A còng' - bài hát gợi nhắc về những lá thư thời chiến

'A còng' - bài hát gợi nhắc về những lá thư thời chiến

Người vợ 30 năm tìm mộ chồng liệt sĩ từ lá thư anh gửi. Những xấp thư trong ba lô người lính bị chôn vùi hàng chục năm dưới lòng đất, mang nhiều chuyện đời cảm động... là cảm hứng để một ca khúc ra đời.

A còng (@) là tên sáng tác mới của Trần Bắc Hải, nguyên đại úy - giảng viên học viện Quân y. Bài hát gợi cho người nghe nhớ về một thời xa của "những ngày hè đỏ lửa" hay "81 ngày đêm chấn động địa cầu".

"Tôi hy vọng, ca khúc này có thể kể cho người nghe một phần về câu chuyện của những lá thư liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị", anh nói. (Xem lời bài hát)

Trần Bắc Hải chia sẻ, anh đọc câu chuyện về lá thư viết trước lúc hy sinh của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trên báo. Lá thư khiến anh rơi nước mắt và nghĩ ngay đến những nốt nhạc đầu tiên của bài A còng. Lá thư của của liệt sĩ Huỳnh đến tay vợ anh là chị Nguyễn Thị Xơ 5 tháng trước ngày chị nhận tin báo tử của chồng. Thư viết: "Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn...".

Chị Xơ đã lặn lội đi tìm anh 30 năm. Khi chị tìm được tấm bia khắc tên anh thì mộ đã lạc giữa một bãi sắn mênh mông. Chị cùng các đồng đội cũ của anh đào suốt 3 ngày. Không kết quả, tất cả đều tuyệt vọng nhưng chị thì tin chắc anh đang nằm đâu đây. Và cuối cùng, nỗ lực của họ được đền đáp. Họ đã tìm thấy được mộ anh.

Không chỉ từ lá thư đầy xúc cảm của người liệt sĩ trên, Trần Bắc Hải cho biết, những lá thư hàng chục năm nằm dưới lòng đất khu Thành Cổ, chờ được mang ánh sáng mặt trời, đã khiến anh suy tư viết nên nhạc phẩm. "Tôi từng nghe câu chuyện, khi mọi người làm ống dẫn nước trong Thành Cổ, gặp chỗ đường ống cao quá thiết kế, các kỹ sư đào xuống và gặp một căn hầm với 6 di hài liệt sĩ. Di vật trên người các liệt sĩ đều han rỉ, mục rữa, nhưng những bức ảnh và thư trên người một liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn", nhạc sĩ kể.

Đó là lá thư cuối cùng của người vợ chưa cưới báo tin họ sắp có con. Những lá thư lặn lội những dặm đường dài chiến tranh để cùng anh đi vào lòng đất, và bây giờ trở về với người gửi. Gia đình họ tìm lại được nhau. Tên chị là Phạm Thị Biển Khơi, con trai là Lê Quảng An. Và tên anh là Lê Binh Chủng. Chính những lá thư đã nằm chờ đằng đẵng dưới lòng đất 30 năm để làm nên điều kỳ diệu ấy.

"Thời đại bây giờ, cần nhắn nhủ gì nhau đã có điện thoại, hay thư điện tử. Ai cũng vội vàng, chẳng mấy người còn viết thư bằng giấy mực. Nhưng tôi tin rằng những lá thư giấy mực sẽ không bao giờ bị quên lãng. Và chúng ta có thể tin rằng trên quê hương chúng ta hãy còn nhiều lắm những lá thư của những người lính như thế, đang chờ đến ngày về nhà", nhạc sĩ nói.

Bài A còng bắt đầu bằng nhịp điệu nhanh. Sau 4 câu nhạc kế tiếp liên tục và hối hả ở những cung bậc trung bình và trầm, giai điệu ở đoạn trung chuyển (bridge) đột ngột dãn nhịp chậm lại (a a a a...), bay lên, rồi từ từ xuống đến nốt thấp nhất của bản nhạc, sau đó chầm chậm trở về nốt gốc của hợp âm chủ. Đó là biểu tượng nhắc nhở sự trở về của ký ức trong đoạn điệp khúc.

Theo nhạc sĩ Quỳnh Hợp, A còng là khúc ca nhẹ nhàng mang âm hưởng bồi hồi, xao xuyến, khiến người nghe nghĩ về một miền cỏ xanh trong Thành cổ hay những bia mộ vô danh trong nghĩa trang… "Bài hát bồi đắp cho mỗi chúng ta cái đẹp, cái cao thượng để biết ghi nhớ, tri ân, sống thế nào cho cho xứng với máu xương của cha anh đã đổ", nữ nhạc sĩ chia sẻ cảm nhận.

"Tháng bảy lại về gợi nhắc một ngày đáng nhớ trong năm là ngày Thương binh liệt sĩ Việt Nam 27/7, tôi hy vọng bài A còng là một món quà nho nhỏ để tặng đến những gia đình liệt sĩ", nhạc sĩ Trần Bắc Hải bày tỏ.

Theo VnExpress