itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Cồn Hến - Hòn ngọc "treo"

Cồn Hến - Hòn ngọc "treo"

Cồn Hến. Ảnh NLD

Nằm bên cạnh làng xưa Vỹ Dạ trữ tình, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với những khu nhà vườn, nhà cổ đã từng đi vào thơ ca. Từ cầu chợ Dinh nhìn lên cồn Hến xanh mướt, trong như viên ngọc, hai bên là sông Hương Giang êm đềm ôm trọn cồn Hến vào lòng.

Cồn Hến từ lâu đã trở thành tên gọi thân thương đi vào tâm thức của người dân xứ Huế và biết bao du khách khi có dịp ghé thăm vùng đất cố đô này, cồn không chỉ nổi tiếng vì có những công trình kiến trúc đồ sộ hay những trung tâm mua bán, kinh doanh sầm uất mà cồn Hến còn có một không gian rất nên thơ làm say đắm những ai một lần đến với Huế.

Nằm bên cạnh làng xưa Vỹ Dạ trữ tình, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với những khu nhà vườn, nhà cổ đã từng đi vào thơ ca. Từ cầu chợ Dinh nhìn lên cồn Hến xanh mướt, trong như viên ngọc, hai bên là sông Hương Giang êm đềm ôm trọn cồn Hến vào lòng, phía Nam của cồn Hến là những địa điểm dừng chân nổi tiếng với cảnh quan đẹp tựa bức tranh như khách sạn Hương Giang, Century, Tân Hoàng Đế…Đêm đêm, hò Huế trên sông Hương cất cao trong vút với nhịp gõ phách hòa vào tiếng đàn bầu thật quyến rũ và lay động hồn người.

Cồn Hến từ xa xưa đã có những ngành nghề mang đậm bản sắc riêng không nơi nào có được, và người dân ở cồn bám trụ với nghề cho đến ngày hôm nay dù trải qua bao năm tháng thăng trầm. Đó là nghề làm hến và trồng bắp cồn, hai loại đặc sản dân dã này không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn xa ra khỏi ranh giới nước ta theo đoàn khách du lịch từ các nơi trên mọi miền thế giới tận Châu Mỹ, Châu Âu…

Ngày nay, cồn Hến đẹp nhưng lại mang vẻ buồn u uất. Từ năm 2002 nơi đây thụộc diện quy hoạch treo làm khu du lịch, mọi việc đều phải “chờ” nhưng bao lâu thì quả là câu hỏi khó. Người cồn Hến không rõ dự án được triển khai như thế nào, từ khâu chuẩn bị, thời điểm thực hiện, địa điểm tái định cư, mức độ đền bù…và điều quan trọng hơn hết là phương án giải quyết công ăn việc làm cho người dân như ra sao. Đa phần người dân ở đây cuộc sống gắn liền con hến, trái bắp đã bao đời, vì vậy 700 hộ định cư ở cồn dao động tinh thần không biết nơi ăn chốn ở, việc làm mình rồi sẽ ra sao. Cay đắng cho câu “an cư thì lập nghiệp!”.

Những hộ dân sinh sống ở hai bên bờ sông Hương bức xúc khi nhìn càng ngày bờ sông bị ăn lở vào cả mét, nhà ở không được xây cất và kinh phí làm kè không phải là nhỏ mà ở diện quy hoạch thì liệu chi phí đó được tính toán ra sao. Các hộ dân nơi đây phần lớn còn nghèo nên họ đành sống chung với hiện trạng như trên, chính vì vậy nhiều nhà có hàm ếch khá sâu khi lâu ngày đất bị xoáy mòn mà không có biện pháp phục hồi vô cùng nguy hiểm. Sống trên miệng “hà bá” là điều cảnh báo và việc lở sụp đất ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người dân như ở khu vực Thanh Đa – Tp. Hồ Chí Minh là bài học không xa.

Quy hoạch cồn Hến thành khu du lịch là ý tưởng hay, một suy nghĩ mà nhiều người nghĩ đến. Song, quy hoạch cần phải cân nhắc, có kế hoạch cụ thể và tránh “treo” lâu vì như vậy cồn Hến rồi sẽ đi vào quên lãng, cuộc sống người dân cũng khó khăn và gây nhiều bức xúc. Người dân cố đô vẫn chưa quên những dự án ban đầu thì rầm rộ, to tác như Công viên Ngự Bình, Nhà máy đường Phong Thu, Chương trình Nuôi tôm trên cát của các huyện dọc phá Tam Giang, Khu vui chơi Hồ Thủy Tiên và gần đây nhất là đồi Vọng Cảnh, đầu tư thì nhiều nhưng tính khả thi thì chẳng bao nhiêu. Những bức xúc, lo lắng chính đáng của người dân cồn Hến khi nào được giải đáp ổn thỏa hãy còn “treo”.

Minh Kỳ (Ưng Bình, phường Vỹ Dạ, Cồn Hến, thành phố Huế)