itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Qua áng hương trà

Qua áng hương trà

Không có trăng chênh chếch ngoài song, tôi giả vờ với niềm tin của mình về ánh sáng vàng u uẩn hắt từ chiếc bóng điện cũ kỹ qua khung cửa sổ là trăng vậy.

Cuộc sống khiến cho người ta phải biến đổi rất nhiều thứ, kể cả niềm tin của mình để thích nghi với hoàn cảnh mới. Tôi vào Sài Gòn đã được một năm, và đó cũng là một năm tôi lang thang khắp nơi để tìm cho mình một không gian thưởng trà mà hoài công. Sài Gòn ồn ào, Sài Gòn hối hả và Sài Gòn không có (hoặc có thể có mà tôi chưa biết hoặc tìm chưa ra) một không gian để Tĩnh, để Thiền với trà - Thứ trà thưởng thức công phu và cầu kỳ của giới sĩ phu, các cao nhân mặc khách hay tầng lớp quý tộc Hà Thành xưa mà tôi trót nhỡ vương phải từ những người bạn yêu và muốn khôi phục lại một nét đẹp văn hóa của chốn kinh kỳ xưa. Và bởi không tìm được chỗ nên tôi lui lại về nhà - căn phòng trọ 24m2 tuềnh toàng cạnh khu công nghiệp - và cũng là nơi, tôi tự hào và say sưa trong những buổi hầu trà bạn thân và đồng nghiệp về trà đạo Việt Nam. Đặc biệt là nói về trà nhài.

Tôi thường bắt đầu với bạn bè như thế nào nhỉ? Là lời giới thiệu đều đều về các loại trà, rằng trà Việt có rất nhiều và người ta tạm phân chia làm 3 loại: trà mộc, trà hương và trà bổ dưỡng, trong 3 loại trà ấy lại có rất nhiều loại trà khác nhau; trà mộc thì có trà tà Sùa, trà Shan Tuyết, trà móc câu, trà Thượng Sơn…; trà hương thì có trà sen, trà nhài, trà mộc (hoa mộc), nhà ngâu, trà sói, trà bạch ngọc….; trà bổ dưỡng thì có trà mật ong (tôi không hứng thú với dòng trà này nên không biết nhiều tên của chúng). Tùy theo sở thích, khẩu vị và tính cách của mỗi người mà họ sẽ chọn cho mình một loại trà thích hợp.

Trà nhài

Tôi đặc biệt thích trà hương có lẽ bởi sự cầu kỳ của nó, cầu kỳ từ việc lựa trà, chọn hoa cho đến sao tẩm. Các công đoạn này hoàn toàn được các nghệ nhân làm theo phương pháp thủ công truyền thống, tức là sao trà bằng tay trên chảo gang và ướp hoa tự nhiên theo những phương pháp bí truyền. Ví dụ như để ướp được một kg trà sen thì phải cần đến khoảng 1.200 bông sen và người nghệ nhân phải dậy từ khoảng 5h sáng, chèo thuyền ra Hồ Tây hái sen, không đi sớm quá vì sương vẫn còn nặng, sẽ bết cơm sen, không đi muộn quá vì khi ấy nắng đã lên rồi, đóa sen đã nở hết và gió sẽ làm giảm lượng cơm sen… Ngày còn ở Hà Nội, khi nghe bạn tôi - nghệ nhân Hoàng Anh Sướng - giới thiệu, thế mà tôi vẫn không khỏi kinh ngạc. Trả trách trà sen lại đắt đến thế, giá từ ngàn năm nay không đổi và được tính theo giá vàng, luôn là 3 chỉ vàng/kg dù thời cuộc có biến thiên thế nào.

Công phu cũng lắm một thú chơi!... 

Để pha một ấm trà ngon, trước tiên phải có ấm, chén và thuyền trà (dùng để ngâm nóng ấm đang hãm chè). Vì nghệ thuật thưởng trà chia làm 3 cung bậc: độc ẩm (một mình), song ẩm (hai người) và quần ẩm (nhiều người) nên bộ ấm, chén, thuyền trà cũng phải chia làm ba loại với kích cỡ phù hợp. Dù đã có đúng các bộ đồ trà nhưng màu sắc, chất liệu của chúng cũng giữ vai trò quan trọng trong một buổi uống trà. Nếu loại chè Thái Nguyên, suối Giàng (Yên Bái) được đem ra đãi khách thì ấm, chén để pha chắc chắn phải làm bằng đất. Bởi lẽ, loại chè này có đặc biệt là cho thứ nước xanh tươi. Ấm, chén đất có màu da lươn nhưng trong lòng chén, nơi tiếp xúc với nước trà thì nhất thiết phải tráng một lớp men trắng. Nghệ thuật uống trà không chỉ cần thưởng thức mùi vị mà yêu cầu mắt cũng cần bắt được cái sóng sánh, tinh tuý của nước chè. Tương tự, nếu thưởng thức trà ướp hương, đặc biệt là trà sen, phải chọn cho được loại chén mỏng, màu trắng ngần hoặc hồng để tôn lên thứ màu hổ phách bắt mắt của nước chè sen.

"Hương biếc tràn quanh nắp đậy bờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen thoảng ngát, trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ?"
(Vũ Hoàng Chương)

Đối ẩm cùng trăng

Thế nên hiếm khi lắm tôi mới tự thưởng cho mình một ấm trà sen, tặng vật của thời trân Hà thành ấy. Thứ trà tôi yêu thích và luôn mang bên mình là trà nhài. Cũng giống như mọi loài hoa trắng có hương khác, nhài khoác trên mình một mùi hương ngây ngất lạ lùng. Chỉ khác là, không giống như trà ngâu hay trà sen có thể được đặt lên bàn thờ, trà nhài vĩnh viễn từ xưa đến nay luôn bị gạt ra khỏi danh sách những tặng phẩm hay cung tiến dù cho, vị nó rất đậm đà, hương rất nồng nàn…

Vì sao vậy? Vì chính cái nồng nàn ấy là thủ phạm. Ngày xưa, các cụ vẫn ví những cô gái mang vẻ đẹp đến mê mẩn, đẹp đến rờ rỡ là loài đàng điếm, là thứ hư hỏng. Chả phải tại vì các giai nhân làm gì hư hỏng mà chỉ bởi các cô đẹp quá, đẹp đến lòng người khó cưỡng khỏi những ham muốn bản năng. Và tội của trà nhài cũng thế. Hoa nhài, cũng theo quan niệm về chuẩn mực mỹ học xưa, hoa gì mà cứ ngây ngất hơn về đêm dù mọc ở bụi bờ, hương gì mà trời cứ càng lạnh, cứ càng mưa lại càng nồng nàn và ngây ngất hơn. Có phải vì cái rung cảm về chữ “hồng nhan đa truân” hay quan niệm về cái đẹp ngày nay đã khác xưa, mà tôi mê mẩn thứ trà có hương thơm mê mị ấy đến thế. Tôi mê mẩn những buổi chiều hay tối Bắc hà mưa, cơn mưa liu riu ướt ẩm lòng người, ngồi bên ấm trà hương, đối ẩm với tri âm, không ai nói lời nào bởi thanh âm chỉ còn là tiếng lòng đồng điệu hòa quyện hương trà vương vít khắp không gian…

Độc ẩm trà khuya giữa Sài Gòn

…Sài Gòn không có không khí se sắt lạnh, không có những đường mưa giăng tớ trên tóc tình nhân như những sợi tơ tình. Tôi một mình ngồi giữa căn phòng trống thênh, ánh đèn neon màu vàng hắt qua song cửa u hoài như màu trăng non của miền ký ức miên viễn, ngọn nến chỉ đủ soi sáng một chén trà sóng sánh…

Lại Thu Giang