itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Hồi ức đau buồn của một chiến binh trẻ em

Hồi ức đau buồn của một chiến binh trẻ em

Cuốn sách "A LONG WAY GONE" là 1 trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2007 do báo TIME bình chọn. Tác giả cuốn sách Ishmael Beah chính là một trong 300.000 trẻ em (theo thống kê của UNICEF) đã từng tham gia vào các cuộc chiến tranh với những trải nhiệm đau thương và kinh hoàng.

Tên sách: A LONG WAY GONE - MEMOIRS OF A BOY SOLDIER
(Tạm dịch: Chặng đường dài đã qua - Hồi ức của một chiến binh trẻ em)
Tác giả: Ishmael Beah
Phát hành: Farrar, Straus and Giroux

Ishmael Beah hiện tại là chuyên gia quốc tế về ảnh hưởng của chiến trận đối với trẻ em cho dù khi cuốn sách A Long Way Gone được xuất bản, cậu mới chỉ là một chàng thanh niên 26 tuổi đời. Có lẽ bởi những gì cậu trải qua là quá đầy đủ và phi thường.

A Long Way Gone có thể coi là tiểu sử của Ishmael từ năm 12 tuổi (khi nội chiến ở Sierra Leon phá hủy ngôi làng của cậu) cho đến năm 17 tuổi (khi cậu trốn từ Sierra Leon sang Mỹ).

Khoảng 50% cuốn sách ghi lại quá trình Beah cố gắng thoát khỏi sự khốc liệt của cuộc nội chiến. Tình cờ, Beah và các bạn của mình có mặt ở một ngôi làng xa nhà khi phiến quân tập kích vào ngôi làng của cậu. Làng bị phá hủy, hầu hết dân cư đều bị sát hại. Những người may mắn sống sót (trong đó có cả gia đình của Beah) thì tị nạn rải rác ở các vùng lân cận.

Không còn gia đình, không có nhà cửa, thậm chí không cả những điều kiện tối thiểu để duy trì cuộc sống (thức ăn, tiền bạc..vv…), Beah đã trải qua hơn 1 năm lang thang vô định, lê la từ ngôi làng xa lạ này đến ngôi làng xa lạ khác, học cách sống sót qua từng ngày.

Cậu đã thoát được những cuộc tập kích phiến loạn trong gang tấc, không còn nơi nào để trú chân (bởi ở đâu cậu cũng bị nghi ngờ là gián điệp của phiến quân), phải tận mắt chứng kiến những cái chết tức tưởi. Beah rút cục nhận ra một điều cay đắng: cậu không có cách nào thoát khỏi sự khốc liệt cứ hiển hiện trước mắt, thoát khỏi những cơn đói, nỗi cô đơn từng giây từng phút giày vò, hành hạ, cậu chỉ có một con đường sống: tham gia vào quân đội chính phủ.

Cũng thật dễ hiểu khi Ishmael đã dần bị lôi kéo vào các cuộc chiến đấu cùng quân đội chính phủ. Bởi cuối cùng, cậu cũng được trú ngụ trong một nơi đem lại cảm giác an toàn, cậu được ăn, một tốp lính chia ra bảo vệ ngôi làng cho đến khi làng bị quân phiến loạn vây ráp, không để hở một lối thoát nào hết. Tất cả nam giới (kể cả những cậu bé mới 6 hay 8 tuổi) đều phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ mạng sống của mình.

Nếu tất cả bắt đầu như vậy, và chỉ xét đến khía cạnh “tích cực”, thì một người nào đó buộc phải cầm súng đơn giản là để bảo vệ mạng sống của anh ta, chứ không hề gây đổ máu cho gia đình, người thân, đồng loại của mình.

Thế nhưng mọi thứ không bằng phẳng và tươi sáng như thế. Ishmael nhanh chóng bị cuốn vào mặt đen tối của cuộc chiến, nơi thật khó phân định người tốt – kẻ xấu. Cũng chẳng lường trước được khi nào cậu sẽ bước qua cái ranh giới mong manh ấy và trở thành một kẻ sát nhân máu lạnh sẵn sàng xả súng giết hại một người vô tội nào đó? Câu hỏi ấy thật nhức nhối và đau đớn.

16% của cuốn sách ghi lại thời gian hai năm trong quân đội chính phủ của cậu bé. Nó được khắc họa bằng những hình ảnh chân thực và ác liệt: Beah nhắc lại những lần huấn luyện sử dụng vũ khí, trận chiến đấu đầu tiên (sát cánh bên cạnh và chống lại những binh lính “trẻ con” khác như cậu), những lần hút hít, và cảm giác hoàn toàn thiếu thốn sự cảm thông giữa đồng loại. Cậu miêu tả chân thực về cái chết của những người bạn, về những niềm vui giấu giếm, nỗi cáu giận nuốt vào trong…

Phần còn lại của A Long Way Gone ghi lại quá trình hồi phục và trở về với cuộc sống bình thường của Beah. Bất ngờ thoát khỏi quân đội và được đặt dưới sự giám hộ của UNICEF, Beah đã trải qua một quá trình trị liệu, cai nghiện rất dài và chậm chạp.
Giai đoạn này đánh dấu bởi sự tái phát những cơn cuồng nộ bất thường và những hành động hung dữ không thể kiểm soát hay triệu chứng tự kỷ do dư chấn của những kí ức buồn đau khó nguôi ngoai.

Dần dà, Beah cũng bắt đầu lấy lại được lòng tin với những người xung quanh cậu và hồi phục thần kỳ, đến mức Liên hợp quốc đã đặt vấn đề mời cậu làm phát ngôn viên về vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bới chiến cuộc.

Trong cuốn sách này, Ishmael không đi sâu vào miêu tả những thay đổi tình cảm, hay sự giằng xé day dứt giữa động cơ và hành động thực, hay cách cậu đi đến thỏa hiệp với chính mình.
Đó có lẽ là một điểm khiến người đọc chưa hài lòng – chúng ta muốn cậu đi sâu hơn nữa miêu tả tâm lý và những cảm xúc mà cậu đã trải nghiệm. Không phải bởi tò mò, nghi ngờ, mà bởi chúng ta muốn chắc chắn rằng lúc này – cậu đã hoàn toàn ổn thỏa. Tôi, bạn, bất cứ độc giả nào cũng sẽ như thế, bởi chẳng ai khi đọc cuốn sách này không thấy trong mình dâng lên nỗi xót xa và cảm thông, cùng nỗi bận tâm về cuộc sống thực của cậu bé.

Những gì Ishmael này trải qua khiến người ta thấy đau buồn, nhưng có một khía cạnh đáng an ủi, đó là cuối cùng cậu đã sống sót. Hi vọng rằng một ngày gần đây thôi, sẽ không còn trẻ em nào phải can dự vào chiến tranh. Và tốt hơn nữa là ngay cả những người lớn – không ai phải cầm súng chiến đấu hay đổ máu vô nghĩa như thế!

(theo Tuanvietnam.net)