itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Hà Nội – kinh kỳ và kẻ chợ

Hà Nội – kinh kỳ và kẻ chợ

Phố phường tấp nập.

Trong vốn ngôn ngữ và địa lý Việt, không có đô thị nào ngoài Hà Nội gắn hai chữ “phố phường” và đã trở thành một đặc trưng của đất thượng kinh Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.

“Hà Nội, 36 phố phường”, từ lâu đã đi vào ca dao cổ, những thiên tuỳ bút sống động của Thạch Lam, Vũ Bằng... và cái danh xưng ấy đã ăn sâu vào tâm thức của người Hà Thành. Không phải ngẫu nhiên Hà Nội được gọi là “phố phường”. Phố là nơi buôn bán, phường là nơi tập trung người thợ làm cùng nghề, như nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề chạm bạc phố Hàng Bạc... Như vậy, Hà Nội vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi sản xuất hàng hoá.

Từ xa xưa, Hà Nội còn được tiếng là “kẻ chợ”. Dân ở đây cũng được gọi Nôm là “dân kẻ chợ”, theo thuật ngữ ngày nay gọi là “dân buôn bán”. Lịch sử ghi lại rằng trước khi vua Lý Công Uẩn hạ chiếu rời đô từ Hoa Lư ra nơi đây thì ngoài dấu tích thành Đại La của người phương Bắc dựng làm trị sở, đã có cộng đồng dân cư người Việt trú ngụ đông đúc làm ăn buôn bán khá trù phú và thực sự Hà Nội bấy giờ là một cái chợ lớn của cả một vùng quanh lưu vực sông Hồng. Lớp dân cư sớm nhất sống ở đây hội tụ từ các làng quê tứ xứ tụ họp làm ăn, sống thành từng phường hội để mang nghề thủ công và sản vật từ làng quê mình trao đổi buôn bán. Do đó, Hà Nội vừa là nơi hội tụ của giới thương gia, lại là nơi hội tụ các cộng đồng các làng nghề. Ngoài phố buôn, ngày ấy Hà Nội có nhiều chợ, nơi bán các sản vật quanh vùng như chợ Bưởi, chợ Hàng Bè. Nói là chợ nhưng không có quán hàng, người bán hàng tập trung hàng hoá ngay trên hè đường. Hà Nội không những có chợ họp buổi sáng mà còn có chợ họp chiều hôm như chợ Hôm – Đức Viên.

Lề lối gia phong người HN

Một trung tâm buôn bán lớn của cả lưu vực sông Hồng phải cói tới chợ Đồng Xuân - được xây dựng năm 1889 trên cơ sở của 2 chợ cũ: Bạch Mã và Cầu Đông. Có người đã ví, nếu Hà Nội là một cơ thể, thì Văn Miếu là cái đầu; Hồ Tây, Hồ Gươm là hai lá phổi; giữa một lá phổi có quả tim là đền Ngọc Sơn; chợ Đồng Xuân là cái dạ dày; sông Hồng là động mạch chính, sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ Giang là mạch máu phụ.

Từ thế kỷ XI, Hà Nội đã là trung tâm kinh tế. Khi Kinh đô Đại Việt định vị ở Thăng Long, thì Hà Nội là nơi hội tụ quyền lực quốc gia. Trước đó, Hà Nội từng là vị trị sở của người phương Bắc. Qua đó, dân “kẻ chợ” đã tiếp thu được tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa. Rồi bảy thập kỷ bị người Pháp đô hộ, cũng là cơ hội để người Hà Nội tiếp nhận nét đẹp của văn minh phương Tây, càng làm cho trí tuệ và lối sống người Hà Nội thêm phong phú. Hà Nội vừa là “kẻ chợ” vừa là Kinh đô, lại là Tràng Thi và là nơi tiếp xúc các nền văn minh Đông – Tây tạo nên một tổng hoà đặc trưng mà không một nơi nào có được, để hình thành nên cái tinh hoa của mình, mà cũng là tinh hoa của một quốc gia.

Mạnh Thường / Thế giới Ảnh