itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Một góc Trường Sơn

Một góc Trường Sơn

Một ngọn thác bên đường Hồ Chí Minh

Hơn 30 năm trước, thế hệ cha anh đến với Trường Sơn bằng đôi chân luồn rừng, bằng xe thồ tải lương chuyển đạn, bằng xe tăng, đầu pháo... Nay chúng tôi đến với Trường Sơn bằng ô tô và xe gắn máy, giữa màu xanh của núi rừng và âm thanh của tiếng chày giã gạo, tiếng thú gọi bầy

Từ Đà Nẵng, đường 14 vắt ngang huyện Hoà Vang để nối vào địa phận huyện của Quảng Nam. 50km đường đến Thạnh Mỹ. Tới Bến Giằng – Nam Giang, một đàn cò trắng rập rờn chao liệng trên không như một lời chào. Bên kia cây cầu là quốc lộ 14D đi về phía biên giới Việt – Lào và những ngôi làng hoang sơ của người dân tộc Cơ Tu trên dãy Trường Sơn. Sông Giằng mùa cạn nước trơ ra những thảm đá gập ghềnh suốt quãng đường dài hàng chục cây số, như một tín hiệu cảnh báo về một Tây Nguyên dữ dội và rập rình hiểm nguy.

Đường vắng thoảng lại gặp một ngọn thác tung bọt trắng xoá bên đường, xua đi cái nóng rát mặt của miền trung Tây Nguyên.

Đi qua “thị trấn vàng” Khâm Đức nhỏ bé nằm chênh vênh trên cao nguyên đã từng sôi sục vì “cơn lốc vàng” lại thấy lãng mạn và thanh bình. Một phố núi cô liêu, có chút lạnh lùng và trầm lặng.

Rời Khâm Đức, mây đen ở đâu ùa về, mù dâng lên xoá nhoà đường chân trời. Gió hoang hoải chạy trên sườn núi, nơi đám lá rừng Ngok Lum Heo vừa đỏ, vừa vàng, vừa xanh, giống như bức tranh của hoạ sĩ đã lỡ tay làm đổ những hộp màu.

Phơi khoai mì (sắn) ở dăk Glei

Đến Dăk Glei thuộc Kontum, mới nghe tên đã thấy chất Tây Nguyên rừng xanh núi đỏ dào dạt trong lòng. Thị tứ nhỏ, êm đềm và xinh xắn, giản dị nhưng đầy tình yêu cuộc sống. Đám gà, ngỗng, lợn nghênh ngang đi trên đường quốc lộ. Vài bụi dã quỳ rớt lại đầu đông, vàng óng trong chiều. Góc vườn, cổng rào, mái nhà… nơi tưởng như khô cằn nhất lại là nơi người đất đỏ trồng hoa.

Dọc đường, đồng bào Tây Nguyên đang gom sắn sau một ngày hong nắng. Mùi ngai ngái của sắn bám vào hơi thở. Có bọn trẻ con cần mẫn ngồi cạo sắn nhanh thoăn thoắt bên hiên nhà. Có những người mẹ còng lưng vì nương rẫy, màu da nâu như màu đá núi, không biết nói tiếng Kinh, chỉ biết cười rất hiền với đám lữ khách đường xa.

Thế rồi, cũng đến lúc tạm biệt Dăk Glei, phố núi đầy nắng dưới chân núi Ngọc Linh trên dãy Trường Sơn Nam. Mặt trời chầm chậm ngả về tây. Chạm cửa ngõ Plei Kần, đã nghe gió đưa hương cà phê từ đâu về quấn đầy lên tóc. Những góc rừng cao su mênh mang đang lấn xanh phủ kín đồi đất trọc, dãy Trường Sơn điệp trùng lúc ẩn lúc hiện cuối trời xa.

Plei Kần là thị trấn của huyện Ngọc Hồi, thuộc khu vực ngã ba biên giới Đông Dương (Việt – Lào – Campuchia), một trong hai ngã ba có vị trí địa lý đặc biệt, là giao điểm của ba đường biên giới giữa ba nước trên lãnh thổ

Việt Nam (ngã ba còn lại là ngã ba Việt – Lào – Trung Quốc nằm ở biên giới phía Tây Bắc). Tại điểm xuất phát của quốc lộ 14C, cũng là nơi gặp quốc lộ 14B, quốc lộ 40 theo hướng đông tây dài 20km đưa chúng tôi đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Hoàng hôn thả mình trên đỉnh núi cao hơn 1.000 mét, nơi ấy có cột mốc ngã ba Đông Dương vừa được khánh thành ngày 18.1.2008.

Một hành trình dài, mới chỉ là một góc của Trường Sơn...

Theo SGTT