itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Ấn tượng Tà Lài

Ấn tượng Tà Lài

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Mạ ở Tà Lài

(ĐSCT) Trong kháng chiến chống Pháp - Mỹ, Tà Lài là chốn rừng thiêng nước độc, là “tọa độ lửa” ghi dấu nhiều chiến công oai hùng của hai tộc người bản địa là Mạ và S’tiêng. Khép lại quá khứ bi hùng một thuở, Tà Lài giờ đây là vùng đất tràn đầy sức sống, thi vị với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ cùng những dấu tích xưa vẫn còn hiện hữu ở các buôn làng.

Tà Lài là xã vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên - “vương quốc” của bò tót, voi rừng, tê giác... và nhiều loài thú quý hiếm khác như voọc chân đen, culi (còn gọi cù lần), tê tê (xuyên sơn giáp)... Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Chủ nhiệm Nhà văn hóa Tà Lài - cho biết, du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên phần lớn đều ghé thăm các bản làng người Mạ và S’tiêng ở Tà Lài, chủ nhân lâu đời của núi rừng nơi đây. Đồng bào Mạ và S’tiêng gồm 270 hộ sống ở ấp 4 bên kia sông Đồng Nai. Trước năm 2005, khu vực sinh sống của đồng bào gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Sau này nhờ tỉnh quan tâm đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng cầu treo nên ấp 4 không còn là ốc đảo giữa rừng.
Sáng mờ sương, cầu treo Tà Lài dài 164m vắt ngang sông Đồng Nai chìm trong gió lạnh. Cầu treo lắc lư mang theo dáng hình tràn đầy sức sống của những cô gái người Mạ, người S’tiêng mặc thổ cẩm, lưng đeo gùi, tay cầm bình nước hồ lô là những quả bầu khô. Âm thanh róc rách của nước chảy xô vào đá vang mãi không ngừng. Đó đây tiếng vượn hú từ ngàn xanh vọng lại... Những hình ảnh trên đan xen, điểm xuyết khiến bình minh ở Tà Lài huyền ảo đến lạ.

Phụ nữ Mạ nổi tiếng khéo tay với việc đan gùi, dệt thổ cẩm

Bên này cầu treo, trong những ngôi nhà sàn truyền thống với mái tranh, sàn vách lồ ô, bếp lửa rừng rực cháy, có đến 4 - 5 thế hệ cùng quây quần sưởi ấm. Đàn ông ngồi uống trà, các bà các chị cặm cụi bên khung dệt, đám trẻ con nô đùa... Thời gian như chậm lại. Lúc này khói từ những nóc nhà cổ quyện vào sương, tan trong sương, gà gáy sáng, mặt trời dần lên cao, trâu lững thững ra đồng, một ngày mới bình lặng, êm đềm nữa lại đến với đất rừng Tà Lài.
Rảo chân vào các xóm làng Mạ và S’tiêng, thật bất ngờ trước những dấu xưa của một thuở núi rừng hồng hoang vẫn còn in đậm. Đó là những già làng để ngực trần, ngậm tẩu thuốc được làm từ ngà voi lên nước bóng loáng đang vót lồ ô đan gùi. Cùng với đó là hình ảnh các bà các mẹ với đôi dái tai lòng thòng, vành tai nong rộng đang cần mẫn lau những chiếc hoa tai bằng ngà voi to như cuộn chỉ đã lưu giữ được hơn 200 năm. Họ là hiện thân của tục căng tai một thuở. Ngày trước đồng bào nơi này tin rằng đàn ông và phụ nữ nếu có dái tai rộng là đẹp và sang...
Đêm ở Tà Lài không đèn hoa rực rỡ, không tràn ngập người xe mà sâu lắng, chan chứa tình đất tình người. Lúc này ở phía nhà văn hóa, lửa bập bùng cháy xua tan cái giá lạnh của sương đêm. Cơm lam được bày ra, con cá bắt ở suối nướng lửa hồng vàng hươm gọi mời... Lúc này người làng gồm nam phụ lão ấu cùng nắm tay các vị khách, ngất ngây trong men rượu cần thơm lừng với những điệu múa cổ truyền trong tiếng chiêng giòn giã thúc giục.

Nguyễn Thành Sỹ/CA