itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Gương mặt tuổi trẻ / Tuổi trẻ sống vì cộng đồng

Tuổi trẻ sống vì cộng đồng

Ảnh: N.L

Ấp ủ ước mơ, hoài bão lớn, có tri thức, làm kinh tế giỏi, biết sống vì cộng đồng... là những phẩm chất nổi bật của lớp thanh niên tiên tiến miền Đông Nam Bộ ngày nay.

160 gương mặt tiêu biểu hội tụ tại TP.HCM trong liên hoan "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" diễn ra sáng nay 25.5.
20 tuổi, Mai Ngọc Hưng (huyện Tân Phú, Đồng Nai) đã là chủ cơ sở xử lý, chế biến rác thải có tiếng trong vùng.

Hồi đi học, Hưng rất trăn trở khi nhìn thấy người dân vứt rác bừa bãi. Học xong lớp 12, chàng trai này bắt đầu thu gom rác, dùng tay giặt từng chiếc nylon. Sau hai năm, Hưng tích cóp được ít tiền. Vay mượn thêm của gia đình, người quen, Hưng dốc chí mua chiếc máy băm rác giá vài chục triệu đồng. Có máy móc, Hưng lập cơ sở xử lý, kinh doanh rác thải.

Hiện cơ sở Ngọc Hưng có 30 nhân công trẻ với mức lương 900 ngàn - 1 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tuần, cơ sở này cho xe thu gom khoảng 20 tấn rác ở 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận và Lâm Đồng. "Mình không nghĩ có ngày được tuyên dương thế nàỵ. Mình chỉ thấy công việc mình có ích vì đã góp phần bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương...", Ngọc Hưng nói.

Nhắc đến những người góp công quảng bá vùng đất Bình Thuận phải kể đến anh Trần Ngọc Bửu (31 tuổi, chuyên viên marketing Công ty Bảo Việt nhân thọ Bình Thuận). Từ năm 1999, Bửu ấp ủ ý tưởng làm "cái gì đó" để giới thiệu Bình Thuận đến những Việt kiều, du khách phương xa và nhà đầu tư. Khi còn là sinh viên trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, chàng trai này đã mạnh dạn gõ cửa UBND tỉnh Bình Thuận và một số sở, ban ngành để thu thập thông tin, số liệu phát triển kinh tế, du lịch.

Tháng 4.2000, www.binhthuantoday.com do Bửu thiết kế đã được ra mắt trong niềm vui của nhiều người. Để trang web vươn ra ngoài biên giới, Bửu đã mày mò dịch các bài viết từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Tiếp đó, Bửu nhờ những anh em du học sinh tại các nước tiếp tục chuyển tải sang nhiều ngoại ngữ khác như: Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trang web 7 thứ tiếng này chuyên giới thiệu về du lịch, kinh tế đầu tư, gương người tốt việc tốt, từ thiện...

Trong khi đó, thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thanh Hòa, Phó phòng Kế hoạch kinh doanh kiêm Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Tây Nam Quân khu 7 được xem là một trong những gương mặt tiêu biểu cho hình ảnh "Người lính làm kinh tế giỏi". Theo thiếu úy Hòa, nhiệm vụ làm kinh tế trong quân đội cũng không kém phần quan trọng so với những người lính trực tiếp cầm súng, nhằm góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Được biết, suốt 3 năm nay, thiếu úy Hòa luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua vì những đóng góp đáng kể của anh trên lĩnh vực công tác Đoàn và nhất là lĩnh vực kinh doanh.

Từ nhu cầu bức bách của khách hàng cộng với đặt hàng của ban giám đốc, chị Trần Huỳnh Châu (Phó phòng Đăng ký Trung tâm Thông tin kỹ thuật tài nguyên - môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM) đã quyết tâm cùng đồng nghiệp thực hiện hai công trình thanh niên: Cải cách quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; Thử nghiệm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xóa đăng ký thế chấp - bảo lãnh. Trong đó, việc rút ngắn thời gian xóa đăng ký thế chấp từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc đã được người dân vui mừng ủng hộ. Để biến điều này thành hiện thực, các anh chị chấp nhận làm thêm giờ, có khi "lấn" sang ngày thứ bảy và nhiều hôm đến 6-7 giờ tối mới về nhà. "Phải vào hoàn cảnh người dân mới hiểu được nỗi khổ của họ khi đi đăng ký, chứng nhận hồ sơ, giấy tờ. Giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức, tụi mình thấy rất vui. Nhưng, áp lực trên vai tụi mình vẫn chưa nhẹ tí nào đâu!", chị Châu bộc bạch.

Nguyễn Như