itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Ai được nuôi con sau “hôn nhân lừa dối”?

Ai được nuôi con sau “hôn nhân lừa dối”?

ảnh: VTC

Sau ly hôn, trên thực tế có những cuộc tranh chấp quyết liệt về chuyện cha hay mẹ sẽ là người được trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con (dưới 18 tuổi).

Vậy ai được quyền nuôi con? Theo điều 92 Luật hôn nhân và gia đình hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành, tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần, để quyết định giao con cho ai nuôi. Đối với đứa con từ chín tuổi trở lên, tòa án cần xem xét nguyện vọng của đứa bé, còn đối với con dưới ba tuổi thì về nguyên tắc chung được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Người viết bài này đã có tham khảo ý kiến một số vị thẩm phán giải quyết những vụ ly hôn. Do luật chỉ quy định chung chung, nên tòa án luôn phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định và việc quyết định này thường thể hiện đậm nét ý chí chủ quan, niềm tin nội tâm nơi người xét xử.
Thực tế cho thấy không phải người có điều kiện kinh tế tốt hơn (có nhiều tiền để cho con ăn ngon mặc đẹp, đi học trường quốc tế, đi du lịch nước ngoài thường xuyên...) là đương nhiên được trực tiếp nuôi con. Điều này chỉ là một trong những yếu tố bảo đảm, khi chứng minh được việc đứa con ở với người đó sẽ không bị xáo trộn cuộc sống (nay ở nơi này, mai ở nơi khác, thay đổi nơi học thường xuyên...), không bị ảnh hưởng xấu bởi tư cách, lối sống sinh hoạt hằng ngày của mình...

Không được ưu tiên
Những quy định nói trên không chỉ áp dụng đối với những người có cuộc hôn nhân hợp pháp, mà còn áp dụng với những trường hợp có yếu tố “lừa dối”. Thí dụ ông A kết hôn với bà B chỉ vì muốn kiếm con, sau khi có con thì ly hôn với bà B và giành quyền nuôi con. Trong trường hợp này, nếu có chứng cứ chứng minh được ông A đã dùng lời nói “có cánh”, hành động giả dối để làm cho bà B tin rằng ông A yêu thương mà đồng ý kết hôn thì bà B có quyền yêu cầu tòa án hủy cuộc hôn nhân trái pháp luật với lý do bị lừa dối.
Khi giải quyết việc hủy hôn nhân trái pháp luật, quyền lợi của con chung giữa ông A và bà B cũng được xem xét như trường hợp ly hôn. Điều đó có nghĩa là bà B không được ưu tiên trực tiếp nuôi con nếu con trên ba tuổi, mà việc ai là người được giao trực tiếp nuôi con sẽ được tòa án giải quyết theo pháp luật.
Cũng có ý kiến cho rằng như vậy là quá thiệt thòi cho những người phụ nữ như bà B vì đã gặp bất hạnh trong chuyện tình yêu và hôn nhân, nay lại không được ưu tiên nuôi con. Thế nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định thì không thể nào cho ưu tiên được. Mặt khác, theo nguyên tắc chung hiện nay, trong các vụ án, vụ việc có liên quan đến tranh chấp nuôi con, đứa con và lợi ích của đứa con mới là vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần giải quyết chứ không phải là cha (mẹ).
Do vậy, việc giao cho ai trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hay sau khi cuộc hôn nhân trái pháp luật bị hủy phải xuất phát từ lợi ích mọi mặt của đứa con, chứ không phải vì lợi ích, sự thiệt - hơn của cha (mẹ).

Được xin thay đổi quyền nuôi con
Không được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con ngay sau khi ly hôn không có nghĩa là vĩnh viễn không được quyền này. Bởi lẽ, theo điều 93 Luật hôn nhân và gia đình, khi đôi bên có thỏa thuận mới hoặc khi thấy người kia không còn đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con nữa, thì người còn lại vẫn có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, nếu con chưa thành niên.
Do vậy, điều quan trọng nhất không phải là ai được tòa tuyên giao cho quyền nuôi con, mà ở chỗ ai mới thật sự là người vì con. Điều này thể hiện qua việc dù không được trực tiếp nuôi con nhưng vẫn thăm nom, cấp dưỡng cho con; khi bản thân thấy rằng không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con tốt hơn thì tự nguyện giao lại cho người kia; hoặc khi thấy người kia không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con nữa thì biết cách đấu tranh sao cho đừng làm tổn thương thêm cho mình, cho con và cả cho người mà mình đã từng trìu mến gọi là “mình ơi!”.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM