itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Nguy cơ từ những cây cầu do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư

Nguy cơ từ những cây cầu do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư

Ngày 11/10, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan đến sai phạm và chất lượng của 37 cây cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra dự án đầu tư xây dựng 37 cầu giao thông nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng 38 cầu giao thông nông thôn ở 17 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tổng mức đầu tư là 581,1 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Nhật viện trợ 494,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 86,6 tỷ đồng.

Cuối năm 2001, số cầu xây dựng được quyết định giảm một chiếc, còn 37 cây nhưng mức đầu tư của dự án lại được điều chỉnh lên thành 589,2 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2004, khi cầu xây xong đưa vào khai thác, PMU18 lại đề nghị quyết toán 604,1 tỷ đồng, tăng 38,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Theo kết luận của cơ quan chức năng, dự án 37 cầu thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã lạm quyền, tự ra quyết định phê duyệt đầu tư. Tiền đầu tư của dự án tăng nhưng chất lượng một số cây cầu qua thanh tra lại có dấu hiệu chưa đảm bảo an toàn.

Cụ thể, qua kiểm tra hiện trường và tài liệu liên quan của các cầu được thanh tra cho thấy tại nhiều cây cầu xuất hiện hiện tượng bị lún, nứt đường hai đầu cầu. Đặc biệt, cầu Xẻo Dừa và Saintard (tỉnh Sóc Trăng), theo khuyến cáo của Thanh tra Chính phủ, cần phải được kiểm tra, xử lý ngay nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người dân trong quá trình sử dụng, khai thác.

Cơ quan chức năng phát hiện, mặc dù đoàn chuyên gia Nhật Bản đã khảo sát, thiết kế nhưng Bộ Giao thông vận tải và PMU18 vẫn thuê các đơn vị tư vấn trong nước khảo sát, thiết kế sơ bộ làm phát sinh, sai phạm hơn 1,5 tỷ đồng. PMU18 còn trích chi phí từ vốn ngân sách trái phép số tiền 5,7 tỷ đồng ở 17 cầu.

Chất lượng lập hồ sơ mời thầu cũng được xác định là có nhiều sai phạm và việc chọn đấu thầu hạn chế sai quy định đã dẫn đến kết quả đấu thầu thiếu khách quan, giá trị bỏ thầu thấp nhất vẫn lớn hơn giá trị dự toán, làm vỡ thầu nhưng PMU18 và các cơ quan liên quan không tổ chức đấu thầu lại mà tự lập và trình, duyệt kết quả đấu thầu, làm tăng giá trị công trình ở gói thầu số 1 và 2 lên trên 14 tỷ đồng…

Mặc dù vụ tai nạn xảy ra đã hơn hai tuần nhưng người dân các nơi vẫn kéo về
tham quan hiện trường vụ sập cầu Cẩn Thơ. Ảnh: Bùi Nhung

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm được xác định chủ yếu thuộc về Bộ Giao thông vận tải, đại diện chủ đầu tư là PMU18 và một số đơn vị liên quan. Nguyên nhân dẫn đến sai phạm được xác định là do buông lỏng quản lý trong quá trình triển khai, thực hiện dự án, chấp hành không đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng, thiếu kiểm tra giám sát…

Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo PMU18 và các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, xử lý theo quy định các tập thể, cá nhân có sai phạm; xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng, đảm bảo an toàn cho công trình trong khai thác, sử dụng và thực hiện quyết toán toàn bộ dự án theo quy định.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về chi phí Ban Quản lý dự án và giám sát thi công cho phù hợp với quy định và thực tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng ODA trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng xem xét, xử lý các nội dung về kinh tế theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Việc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra phải được báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng trong tháng 10/2007.

Phạm Lê Phương