itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Từ kết quả kiểm toán Đề án 112: Cùng xâu xé chiếc bánh ngân sách

Từ kết quả kiểm toán Đề án 112: Cùng xâu xé chiếc bánh ngân sách

* Chi hơn 1.000 tỉ đồng thì có hơn 200 tỉ đồng sai phạm. * Bộ, ngành, địa phương cũng "chia phần".

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có trong tay những "con số nóng" về việc chi sai nguyên tắc, gây thất thoát, lãng phí hàng trăm tỉ đồng trong việc thực hiện Đề án Tin học hoá quản lý hành chính nhà nước (ĐA112). Điều nổi cộm nhất từ bản báo cáo này là sai phạm không chỉ thuộc về Ban điều hành (BĐH) đề án; mà rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã cùng "xâu xé" chiếc bánh ngân sách.

Chi khống - chi vượt - chi bừa
Theo kết quả từ KTNN thì trong số hơn 1.159 tỉ đồng kinh phí sử dụng cho đề án, KTNN đã phát hiện hơn 200 tỉ đồng chi vô nguyên tắc.
Đối với nguồn kinh phí từ ngân sách T.Ư, số tiền mà KTNN đánh giá là không đủ điều kiện quyết toán lên tới 55,7 tỉ đồng. Con số này chiếm gần 10% tổng vốn đã phân bổ. KTNN chỉ rõ, khoản tiền chi sai này có phần không nhỏ việc các địa phương trang bị máy tính cá nhân, chi sai mục đích và sai phân cấp nguồn vốn. Thậm chí BĐH còn chi cho "người ngoài" như ông Bùi Thế Hồng 74,9 triệu đồng, ông Đặng Hữu Đạo 340 triệu đồng... Trong số 116 đơn vị đầu mối được cấp vốn đầu tư thì có tới 43 đơn vị được cấp vốn vượt mức dự toán. Số tiền "thừa" lên đến hơn 109 tỉ đồng bị "bắt phải chi" cũng là nguyên nhân của nhiều sai phạm.
Dường như đã trở thành cơ chế và hệ lụy, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương cũng là chiếc bánh béo bở. Hàng loạt các khoản chi được "người ngoài" thực hiện rồi moi tiền của Nhà nước. Bất chấp hơn thế là ngay cả các khoản chi không thuộc nhiệm vụ, phạm vi ĐA112 nhưng cũng được các địa phương duyệt chi. Thậm chí, nhiều khoản chi không có đơn giá, định mức, song các địa phương cũng nhắm mắt chi bừa. Kết quả là nguồn kinh phí này cũng có tới hàng tỉ đồng bị chia chác.
Với tổng kinh phí thực nhận 169,9 tỉ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á; "chiếc bánh 112" cũng đã bị lẹm phần mà KTNN loại khỏi quyết toán tới 103 tỉ đồng. Đáng chú ý là khoản bị chi trùng lên tới hơn 30 tỉ đồng; chi khống tới gần 30 tỉ đồng; chi chưa đủ điều kiện chi tới 73 tỉ đồng...
"Bánh" đã được chia như thế nào?
Trong danh sách mà KTNN công bố, đã có tên của hàng chục cơ quan cấp T.Ư "lẹm phần" từ chiếc bánh 112. Hàng loạt các tỉnh, thành có sai phạm như TPHCM (898 triệu đồng), Đà Nẵng (292 triệu đồng) và Thừa Thiên - Huế (125 triệu đồng)...
Điển hình cho vấn đề này chính là Bộ Giáo dục - Đào tạo. Cơ quan này ký hợp đồng với Cty Tinh Vân xây dựng trang web cho bộ với kinh phí 300 triệu đồng. Thế nhưng đến tận bây giờ văn phòng bộ này vẫn không bàn giao nên sản phẩm không sử dụng, gây lãng phí tài sản nhà nước. Chưa hết, năm 2004 bộ này lại ký với Cty CMC xây dựng phần mềm với kinh phí 444 triệu đồng. Thế nhưng đến nay cũng chưa có sản phẩm...
Tương tự, Cần Thơ phê duyệt thầu sai nguyên tắc, kê khống cả thiết bị lên tới hơn 11 tỉ đồng. Bản thân Bộ Tài chính cũng "chia" tài sản từ ĐA112 sang cho các bộ phận khác. Yên Bái thì hầu hết là chỉ định thầu. Đồng Nai thì mua máy chủ nhưng lại vứt trong kho. Hàng loạt các cơ quan như Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia, Cục Tin học thống kê (Bộ Tài chính) không có sản phẩm cũng vẫn được chi tiền...
Lỗ hổng từ cơ chế, bộ máy
Cần khẳng định: Nếu không có lỗ hổng cơ chế do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính; nếu không có bộ máy "tiêu tiền" bừa bãi ở các địa phương thì có lẽ ĐA112 không đến nỗi "tan hoang" như hiện nay.
Tại thời điểm năm 2006 khi ĐA112 đã bị cảnh báo về sự thất bại, bản thân Ban điều hành cũng chưa có mục tiêu và dự toán cho giai đoạn tiếp; thế nhưng Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn phân bổ cho BĐH và các đài mối 150 tỉ đồng. Ngay như Bộ Tài chính - cơ quan giám sát - cũng lại "mạnh tay" cho phép BĐH chi định mức cao hơn quy định hiện hành. Hơn thế, bộ này còn đồng ý cho BĐH chi cả những khoản tiền bất hợp lý như khấu hao máy tính, chi ngoài dự toán, ngoài mục đích ĐA112. Ngay Văn phòng Chính phủ cũng phân bổ vốn số lượng lớn khi mà chưa có quyết định của chủ đầu tư...
Tại các địa phương, cơ quan, hàng trăm dự án được vẽ ra để xin kinh phí; thế nhưng khi tiền được các cơ quan mang về thì việc lại không triển khai. Cụ thể chỉ có 2/16 dự án của Văn phòng Chính phủ được khởi động; TPHCM "ôm" 240 tỉ đồng nhưng án binh bất động với 27 dự án không triển khai; Cần Thơ cũng chỉ có 6/19 dự án được bắt tay trong khi đã nhận hơn 12 tỉ đồng...
Như vậy, với việc "hợp sức" của BĐH, các bộ, ngành, địa phương để cùng xâu xé chiếc bánh ngân sách; sự thất bại thảm hại của ĐA112 đã trở nên hết sức rõ ràng.

Tổng mức đầu tư cho ĐA112 là 3.836 tỉ đồng: Kinh phí được cấp phát là 1.534 tỉ đồng; kinh phí đã sử dụng là 1.159 tỉ đồng. Trong đó tổng số tiền không đủ điều kiện chi là hơn 200 tỉ đồng ở tất cả các nguồn gồm ngân sách TƯ, ngân sách địa phương, vốn vay.
Sai phạm lớn khác: 103 tỉ đồng đào tạo được quyết toán khi chưa có đơn giá, định mức; 29,7 tỉ đã quyết toán nhưng chưa chi; chi phí đào tạo không thuộc phạm vi 2,3 tỉ đồng; vượt định mức khi triển khai phần mềm 16,3 tỉ đồng...
Đánh giá hiệu quả đầu tư:
* Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu: Mới chỉ là bước đầu, chưa thực sự phục vụ, thúc đẩy cải cách hành chính.
* Mạng nội bộ LAN: Nhiều nơi chưa làm xong nên chưa thể kết nối với trung tâm, dẫn dến hiệu quả đầu tư thấp.
* Phần mềm dùng chung (PMDC): 3 PMDC đã triển khai thì không sử dụng được vì chưa phù hợp vì chưa có chuẩn hóa. 45 PMDC khác có đầu tư là 22,9 tỉ đồng thì chưa triển khai hoặc đang trong quá trình xây dựng. Nhiều PM riêng chưa có sản phẩm.
* Về đào tạo: Triển khai ồ ạt, nhiều nơi đào tạo không đúng đối tượng (kiểm tra 3 tỉnh thì có hơn 300 người không đúng đối tượng). Sau đào tạo, nhiều cán bộ không đáp ứng được nhiệm vụ. Còn tồn hơn 2,4 vạn giáo trình, lãng phí gần 300 triệu đồng.

Minh Đồng - Phạm Anh